MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quảng Bình: Xét nghiệm các mẫu cá lưu giữ tại các kho đông lạnh

01-09-2016 - 20:15 PM | Thị trường

Ngày 1.9, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết vừa có công văn gửi Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Sở Công thương về việc tăng cường giám sát hải sản trên địa bàn.

Theo đó, công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân ký nêu rõ, để đẩy nhanh việc giám sát, xét nghiệm các mẫu thuỷ sản, hải sản, sớm công bố kết quả thuỷ sản, hải sản 4 tỉnh miền Trung sau khi Bộ Tài nguyên và môi trường công bố môi trường biển an toàn, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tổ chức lực lượng tiến hành lấy mẫu ở tất cả các cảng cá; tần suất lấy hàng ngày; lấy tất cả các loại hải sản mỗi loại lấy một mẫu theo từng thuyền đánh bắt. Tại các đầm nuôi, khu nuôi trồng hải sản lấy tất cả các loại; mỗi loại một mẫu theo từng lồng bè. Gửi các mẫu cho Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia.

Đối với hải sản được lưu giữ tại các kho đông lạnh, UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tiến hành phân loại hải sản theo từng lô. Trên cơ sở phân lô, giao Sở Y tế chỉ đạo lực lượng chức năng lấy mẫu theo từng lô và trả kết quả cho Sở NN&PTNT. Các lô sản phẩm đã được xét nghiệm an toàn, Sở NN&PTNT thực hiện lưu hành sản phẩm theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; đối với các lô có các chỉ tiêu xét nghiệm vượt ngưỡng theo quy định hoặc có xuất hiện phenol và cyanua được xác định khai thác tại vùng biển xảy ra sự cố môi trường, thực hiện tiêu huỷ và đền bù theo quy định.

Đối với các lô hải sản đông lạnh có số lượng ít, không rõ vùng khai thác, việc tiến tiến hành lấy mẫu cần cân nhắc đến hiệu quả kinh tế, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu xây dựng phương án tiêu huỷ, đền bù theo quy định.

Như Lao Động đã thông tin, hiện tại tỉnh Quảng Bình số lượng cá tồn kho trong các kho đông lạnh là rất lớn, riêng huyện Bố Trạch đã là 1000 tấn. Theo tìm hiểu của Lao Động, hiện các kho đông lạnh của các đầu mối thu mua đã quá tải vì ngoài số cá thu mua vào thời điểm cá chết hàng loạt, họ còn tiếp tục thu mua cá của ngư dân nhưng lượng tiêu thụ thì rất thấp.

Vì các cơ sở đông lạnh đã quá tải, không tiêu thụ được nên việc tiêu thụ cá của ngư dân khi đánh bắt trở về cũng gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, vào thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt do sự cố môi trường biển, trong lúc chờ hỗ trợ của Chính phủ, để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hải sản của các tàu cá đánh bắt xa bờ, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ chênh lệch giá với mức 20% trên mức giá thị trường do Sở Tài chính công bố đối với các hải sản của tàu cá đánh bắt xa bờ đã được cấp giấy xác nhận và chủ các cơ sở thực hiện việc thu mua nhưng đến nay thì không thể tiêu thụ hết số cá trên.

Theo Lê Phi Long

Lao động

Trở lên trên