Chuyện Obama đi làm trò hề
Obama sẵn sàng lên mạng diễn hài để thu hút người dân đăng ký tham gia chương trình bảo hiểm y tế Obamacare. Đấy mới là tuyên huấn!
- 01-04-2014Người dân Mỹ đổ xô đăng ký mua bảo hiểm ObamaCare
- 22-10-2013Tổng thống Mỹ tiếp tục "cuộc chiến" bảo vệ Obamacare
- 23-01-2014Làm sao để bán hàng hiệu quả bằng truyền thông xã hội?
- 25-11-2013Giới ngân hàng sợ truyền thông qua mạng
Bố nó có ngu ngơ không?
“Ngài nói nếu có con trai sẽ cho cháu nó chơi bóng bầu dục. Nhỡ nó cũng ngu ngơ giống bố thì sao?”
Đó là một trong những lần Zach Galifianakis móc mỉa Tổng thống Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama trong suốt chương trình phỏng vấn “Between the 2 ferns” (tạm dịch: “Giữa hai cây dương xỉ”). Dù "fern" là tiếng lóng chỉ những phụ nữ xinh đẹp và thông minh, nhưng chương trình này trước nay cả khách lẫn chủ đều là đàn ông, và nội dung chủ yếu là hai bên 'đá xoáy' nhau bằng đủ lời chanh chua đanh đá.
Tại sao người đàn ông thường được coi là quyền lực số một địa cầu lại chấp nhận để một diễn viên hài “thất lễ” đến thế? Mà chính Obama mới là người chủ động liên hệ xin tham gia chứ Galifianakis nào có mời.
Lý do thật đơn giản. Ông tổng thống đang muốn người ta chú ý đến một chính sách của mình, và sẵn sàng đóng vai “anh hề” để đạt được mục tiêu đó.
Chuyện là từ khi lên nắm quyền, TT Obama đã theo đuổi một kế hoạch cải cách lớn trong ngành y tế (thường gọi là Obamacare). Mặc dù vậy, cải cách này trên thực tế không nhận được sự ủng hộ của nhiều người, đặc biệt là Đảng Cộng hòa.
Chỉ trích lại càng nặng nề khi website đăng ký Obamacare (Healthcare.gov) gặp trục trặc ngay trong ngày đầu tiên ra mắt. Không lâu sau đó, trang web tiếp tục phải tiến hành bảo trì trong nhiều giờ. Số người đăng ký mua bảo hiểm trong tháng đầu ra mắt cũng thấp hơn nhiều so với con số mà chính quyền kỳ vọng.
Vừa ra mắt website của Obamacare đã “sập” khiến người dân càng thêm bực bội
Dù sau này Healthcare.gov đã được sửa, nhưng báo chí nào thèm đoái hoài, họ chỉ nhiệt tình đưa tin lúc website này đang hỏng.
Vậy là khi xuất hiện trong Between the 2-ferns, TT Obama tận dụng mọi thời cơ để nhắc tới đứa con cưng Obamacare của mình. Nào là “Healthcare.gov giờ chạy ngon lành rồi”, thanh niên Mỹ “có thể mua bảo hiểm y tế rẻ như mua thẻ cào điện thoại”, “thời hạn đăng ký là tới ngày 31/3”, “nhấc máy và gọi đến 1900-0091”.
Tất nhiên, cái chất mỉa mai của Zach cũng không vì chương trình “tuyên truyền” này mà mất đi. Obama vừa mở miệng chào mời: “Anh biết Healthcare.gov không?”, Galifianakis đã ‘bộp’ thẳng: “Ngài định “cài” gì vào chương trình này thế?”
Obama cũng chẳng ngại gì mà đáp thẳng tưng: “Nếu không có gì để “cài” thì tôi đã không ngồi đây”.
Show hài của Zach sau khi được công chiếu đã nhanh chóng thu hút 6,5 triệu lượt người xem ngay trong ngày. Clip được đăng tải trên youtube hiện cũng đã thu hút được 4 triệu lượt xem và đa phần người xem đều thích video này.
Ở Mỹ, muốn công chúng chú ý tới, không thể “chỉ đạo” CNN, New York Times hay Wall Street Journal “phối hợp tuyên truyền”. Đôi khi, ông nguyên thủ cũng phải làm trò hề!
>> Những câu trả lời phỏng vấn bất hủ của tướng Giáp trên CNN
Tấm biển hiệu han rỉ
Đó là chuyện ở Tây, còn ở Ta thì sao? Nhìn lại Việt Nam, tất cả các các bộ, ban, ngành, bộ nào cũng có những chiến dịch tuyên truyền, vận động. Chẳng hạn, Bộ Y tế tổ chức công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, bộ Giao thông vận tải tuyên truyền đi xe đúng luật, không uống rượu khi lái xe. Rồi đủ thể loại chiến dịch tuyên truyền vận động nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những câu vận động sáo rỗng, những băng rôn không đi vào lòng người. Thử hỏi, một người dân nghĩ gì khi đọc câu khẩu hiệu “Nộp thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của nhân dân”?
Người dân nghĩ liệu có lưu lại chút gì trong tâm trí sau khi đọc những biểu ngữ như thế này?
Xem báo, nghe đài, đâu đâu cũng thấy có câu phải “tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách”, nhưng tuyên truyền như thế nào không thấy ai trả lời.
Có thể Việt Nam không bắt chước được nước Mỹ. Có thể chính phủ Việt Nam không cần phải tham gia “Chém chuối cuối tuần” với Thành Trung và Tự Long. Có thể ngân sách Việt Nam không cho phép… Có thể chuyện Mỹ xa vời quá.
Vậy chúng ta hãy xem xét một quốc gia có hoàn cảnh gần giống với mình hơn. Năm 2011, Philippines tổ chức một chiến dịch tuyên truyền cực kỳ thành công mang tên “It's more fun in the Philippines” (Vui hơn ở Philippines). Vượt qua những tập đoàn lớn như Nike, P&G, chiến dịch này đã đoạt giải nhất Warc Prize 2013 cho các chiến dịch quảng cáo tại châu Á.
Chẳng vui bằng ở Philippines
Chiến dịch do Bộ Du lịch Philippines tổ chức, trong bối cảnh Philippines muốn cạnh tranh du lịch với Thái Lan và Malaysia, nhưng lại không dư ngân sách để thực hiện một chiến dịch quảng bá toàn cầu đầy tốn kém. Mặc dù vạy, Bộ Du lịch Philippines lại nhìn thấy một ưu thế: Họ có tới 27 triệu người sử dụng Internet. Thế là khẩu hiệu It’s more fun in Philippines xuất hiện liên tục trên mạng xã hội. Người Philippines liên tục nhắc đến nó, dòng chữ xuất hiện trên ảnh, profile cá nhân của họ. Chiến dịch vận động được toàn dân quảng bá cho hình ảnh đất nước Philippines và kết quả đạt được hoàn toàn mỹ mãn với 55.000 ý tưởng được đề xuất chỉ trong vòng 4 tháng.
Người dân Philippines chính là nguồn lực vộ giá trong chiến dịch quảng bá du lịch
Tiền thì Việt Nam có thể thiếu nhưng những lợi thế của Philippines như rừng vàng, biển bạc, đông người online thì chúng ta không thiếu. Chúng ta có 30 triệu người Online với tình yêu nước và tinh thần dân tộc không thua quốc gia nào. Thế nhưng thay vì cổ động toàn dân quảng bá hình ảnh đất nước, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch lại bỏ ra cả đống tiền để kêu gọi người dân nhắn tin bầu chọn vịnh Hạ Long trong một cuộc thi vô nghĩa.
Thực tế, Việt Nam không kém mà trái lại, còn rất giỏi trong tuyên truyền và cổ động. Điều đó từng được thể hiện rất rõ ràng trong quá khứ, đặc biệt là thời chiến. Tuy nhiên, đáng buồn là những giá trị này đang dần mất đi.
Dường như các nhà làm chính sách đang quá say sưa với các “chủ trương lớn” mà quên mất câu hỏi “làm như thế nào”.
Minh Tuấn - Trang Lam - Thùy An