MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đạo” logo, ngân hàng đã đăng ký vẫn có thể bị hủy bỏ

16-05-2013 - 10:25 AM |

Giật mình vì chi hàng đống tiền cho logo "đạo" ý tưởng

Ba năm trở lại đây hệ thống ngân hàng đã chứng kiến sự thay mới ồ ạt hình ảnh của các nhà băng. Từ những “ông lớn” như Vietcombank tới các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ cũng nỗ lực tìm cách làm mới hình ảnh của mình trong mắt khách hàng. Trước đó, một loạt nhà băng khác cũng đã quyết định “thay mới chiếc áo đã cũ” bằng một hình ảnh mới, như MaritimeBank, VPBank, SeAbank, VIBank…

Các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, marketing cho rằng, khi hình ảnh hiện tại không chuyển tải được thông điệp của doanh nghiệp tới khách hàng, đặc biệt, khi hệ thống ngân hàng đang tái cơ cấu, niềm tin của dân chúng vào hệ thống ngân hàng đang suy giảm, thì một sự đổi mới nhãn hiệu là cần thiết lúc này.

Nhìn nhận về xu hướng “ồ ạt” thay đổi logo của các nhà băng thời gian gần đây, ông Trần Chiến Bình – Giám đốc điều hành Teamwork PR, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, marketing cho rằng, đây là xu thế tất yếu khi các tổ chức tín dụng trong nước đang dần lớn mạnh về quy mô. “Khoác lên chiếc áo mới” sẽ giúp các ngân hàng tạo nên sự khác biệt riêng cho mình đối với sản phẩm cùng loại.

“Sản phẩm của ngành ngân hàng mang sự đồng hóa cao, không có nhiều khác biệt trong hoạt động kinh doanh giữa các ngân hàng. Vì thế việc thay mới logo, bộ nhận diện thương hiệu là lúc các ngân hàng đã nhận thức được cần phải thay đổi tạo ra sự khác biệt, đem lại giá trị vô hình cho khách hàng” – ông Bình chia sẻ.

Mặt khác, người Việt Nam thường có quan niệm “trăm nghe không bằng một thấy”, một logo với hình ảnh mới, ấn tượng “đập” ngay vào mắt người đối diện sẽ giúp các tổ chức tài chính “định vị” giá trị của mình đối với khách hàng.

Trước thông tin lùm xùm về nghi án “đạo” ý tưởng thiết kế của Vietcombank, MaritimeBank gần đây, ông Bình bày tỏ quan điểm: “chắc chắn những người thụ hưởng khi đối diện với logo này cũng không khỏi giật mình”.

Ông phân tích: Trong chiến lược marketing và truyền thông, logo được coi như là “khuôn mặt” của doanh nghiệp, nó giúp doanh nghiệp tạo ấn tượng đầu tiên và là sợi dây kết dính giữa khách hàng – doanh nghiệp. Vì thế, nếu khuôn mặt của doanh nghiệp được đổi mới mà bản chất vẫn như cũ, hoặc mang nét giống với một thương hiệu đã có trước đó thì lại có tác dụng ngược.

“Giống như việc anh sơn lại nhà, ở trong ngôi nhà mới dù với khung dầm cũ vẫn sẽ có cảm giác mới mẻ, nhưng nếu màu sơn giống với nhà hàng xóm thì sự thích thú của người đối diện với nó sẽ giảm đi” – vị chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông ví von.

Đã được chứng nhận vẫn có thể bị hủy bỏ

Lần tìm lại thì thấy nghi án Maritime Bank “đạo” logo của UniCredit đã xuất hiện trên cộng đồng mạng từ năm 2011, ngay sau khi ngân hàng này công bố logo mới vào năm 2010. Cùng màu sắc (đỏ  - trắng – đen), cùng kiểu chữ và cùng sử dụng biểu tượng No1 cách điệu trên nền trắng – đỏ. Logo của UniCredit chỉ cần quay 30 độ là "biến" thành logo của MaritimeBank.

UniCredit là tập đoàn tài chính, ngân hàng lâu đời trên thế giới, hiện đang hoạt động tại 22 nước châu Âu, có mặt tại hơn 50 thị trường trên thế giới, hơn 9.300 chi nhánh và hơn 156.000 nhân viên. Trong khi logo mới của MaritimeBank được thay mới từ năm 2010.

2 logo của 2 tổ chức tài chính được đánh giá là giống nhau đến 99%

Dưới góc nhìn của một luật sư về sở hữu trí tuệ, luật sư Trần Đức Sơn – Công ty Luật TNHH Bizlink thì cho rằng, đây là điều đáng tiếc với các ngân hàng nội.

“Thật đáng tiếc nếu nhãn hiệu nổi tiếng như Vietcombank hay MaritimeBank lại có điểm giống nhau với các nhãn hiệu nước ngoài" – luật sư Sơn nói.

Đối với trường hợp của MaritimeBank, vì hoạt động trong cùng một ngành nghề kinh doanh với tập đoàn tài chính quốc tế UniCredit nên việc nhận biết ngân hàng này có sao chép ý tưởng của tập đoàn tài chính quốc tế UniCredit hay không không khó kết luận.

Nếu MaritimeBank sử dụng hoặc đem nhãn hiệu này đi đăng ký ở nước ngoài thì chắc chắn sẽ không được chấp nhận, và có nguy cơ sẽ phải đối diện với án kiện nếu tập đoàn UniCredit khởi kiện vi phạm.

Cũng theo vị luật sư này, đối với nhãn hiệu đã nổi tiếng toàn cầu, có hai trường hợp hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ: Thứ nhất, cơ quan sở hữu trí tuệ phát hiện chuyện đăng ký với ý đồ xấu. Thứ 2, yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ do người thứ ba thực hiện. Trường hợp này có thể do chủ sở hữu nhãn hiệu phát hiện và nộp yêu cầu tới cơ quan quản lý yêu cầu hủy với lý do nhãn hiệu của họ đã sử dụng rộng rãi và nổi tiếng trên toàn cầu. Trên cơ sở xem xét ý kiến của các bên, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định huỷ bỏ một phần/toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Vì thế, dù đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, nhưng do nhãn hiệu của UniCredit đăng ký ở nhiều quốc gia trên thế giới và đã trở thành nhãn hiệu nổi tiếng hoặc sử dụng rộng rãi, thì ngay ở Việt Nam giả sử UniCredit chưa đăng ký, chưa được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu mà có đơn vị khác đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu có thiết kế trùng lặp hoặc tương tự cao thì cơ quan sở hữu trí tuệ Việt Nam vẫn có thể xét tới trường hợp hủy văn bằng bảo hộ tại chính Việt Nam của đơn vị đã được bảo hộ đó. Lý do là nhãn hiệu của UniCredit đã trở nên nổi tiếng hoặc sử dụng rộng rãi trên toàn cầu và UniCredit có thể chứng minh rằng có sự lợi dụng của đơn vị đăng ký nhãn hiệu đó nhằm mục đích không tốt, cố tình gây nhầm lầm để lợi dụng uy tín, danh tiếng của UniCredit...

Đây là quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tránh những trường hợp đăng ký với ý đồ xấu gây ảnh hưởng sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp đã có danh tiếng trên toàn cầu.

Theo Nguyễn Hoài

thuyntt

Infonet

Trở lên trên