MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau Vietcombank, Maritimebank bị nghi "đạo" logo DN ngoại

14-05-2013 - 11:40 AM |

Nhãn hiệu mới của Vietcombank "na ná" giống với nhãn hiệu của một hãng âm thanh nước ngoài, trong khi nhãn hiệu của MaritimeBank lại "tương đồng một cách đáng ngờ" với nhãn hiệu của một tập đoàn tài chính quốc tế.

Thời gian qua nhiều tổ chức tài chính trong nước "rục rịch" thay đổi nhận diện thương hiệu nhằm tạo một hình ảnh mới trong mắt công chúng thay cho thương hiệu cũ đã tồn tại nhiều năm. Có những nhà băng chỉ âm thầm thay đổi, nhưng có những đơn vị lại rầm rộ công bố hình ảnh mới, bởi họ coi đây là một dịp để "đổi mới toàn diện" hình ảnh của doanh nghiệp.

Ngay sau khi ra đời cách đây hơn 1 tháng, nhãn hiệu mới của NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ người tiêu dùng. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối với hình ảnh quen thuộc đã 50 năm qua của Vietcombank, nhiều ý kiến lại cho rằng nhãn hiệu mới sẽ "thổi một luồng gió mới" vào hoạt động của nhà băng này trong tương lai. Cũng có những ý kiến lại tỏ ra nghi ngờ nhãn hiệu mới tuy đẹp nhưng lại có nhiều điểm "na ná" giống nhau với thương hiệu Vocast - một hãng chuyên cung cấp dịch vụ SHOUTcast hosting âm thanh trên Internet ra đời từ năm 2010 .


Nhãn hiệu mới của Vietcombank đổi từ 1/4 được cho là rất giống với nhãn hiệu của hãng âm thanh trên Internet - Vocast

Vietcombank không phải là trường hợp duy nhất bị phát hiện nhãn hiệu mới "nhái" thương hiệu nước ngoài, mà nhãn hiệu của một ngân hàng khác là NHTMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritimebank) cũng có những điểm "giống nhau tới đáng ngờ" với tập đoàn tài chính quốc tế UniCredit (Italia).

 

Liệu Vietcombank, MaritimeBank có "đạo" ý tưởng thiết kế nhãn hiệu mới của các thương hiệu nước ngoài hay chỉ là sự "vô tình trùng hợp"?

Bằng cảm quan mắt thường có thể thấy, logo mới của Vietcombank rất giống với logo của Voscast cả về màu sắc, kiểu chữ... Cụ thể: nhãn hiệu của Voscast quay 90 độ, nghiêng đi 1 chút là thành nhãn hiệu của Vietcombank.

Còn trong trường hợp của MaritimeBank, theo một số ý kiến nhận định, sự tương đồng với nhãn hiệu của UniCredit lên tới hơn 90%. Cùng màu sắc (đỏ - trắng - đen), cùng kiểu chữ và cùng sử dụng biểu tượng No1 cách điệu trên nền trắng - đỏ.


Nhãn hiệu của MaritimeBank (trên) giống bất ngờ với nhãn hiệu của tập đoàn tài chính UniCredit

"Thật đáng tiếc nếu nhãn hiệu nổi tiếng như Vietcombank hay MaritimeBank lại có điểm giống nhau với các nhãn hiệu nước ngoài" - vị này nói và cho biết, nếu các ngân hàng này sử dụng hình ảnh này cho các sản phẩm dịch vụ đăng ký ở Việt Nam của những tổ chức tín dụng nước ngoài đã đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam, hoặc đem sản phẩm dịch vụ ra nước ngoài có thể gây ra cuộc chiến về thương hiệu.

Trao đổi với PV Infonet, một luật sư trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho biết, khi thay đổi bộ nhận diện thương hiệu các định chế tài chính lớn như Vietcombank, MaritimeBank thường "gửi gắm" các công ty tư vấn thiết kế thương hiệu. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng họ sao chép ý tưởng thiết kế hoặc đây chỉ là sự "ngẫu nhiên trùng lặp" về ý tưởng thiết kế.

Riêng trường hợp của MaritimeBank, việc ngân hàng này có sao chép ý tưởng của UniCredit hay không không khó kết luận. Chưa kể, cả MaritimeBank và Unicredit đều hoạt động trong lĩnh vực tài chính, có sự liên kết nhất định, giao dịch quốc tế giữa các nhà băng diễn ra thường ngày. nên không khó để chứng minh hai nhãn hiệu này có sự "trùng hợp tới 99%" như vậy.

Cũng theo vị luật sư này nếu MaritimeBank sử dụng hoặc đem nhãn hiệu này đi đăng ký ở nước ngoài thì chắc chắn sẽ không được chấp nhận, thậm chí sẽ phải đối diện với án kiện nếu tập đoàn UniCredit khởi kiện vi phạm.

Trong thực tế, những nhãn hiệu "na ná" giống nhau giữa nhãn hiệu của các thương hiệu là chuyện không hiếm. Tuy nhiên, cả Vietcombank và MaritimeBank đều là các tổ chức tài chính lớn của Việt Nam, chắc chắn các nhà băng này đã đầu tư không ít cho việc thay đổi nhãn hiệu của mình. Việc "đạo" ý tưởng hay chỉ là sự "tình cờ giống nhau" thì ở phương diện nào đó đã gây thất vọng cho người tiêu dùng.

"Để có một bộ nhận diện thương hiệu mới đôi khi doanh nghiệp phải tiêu tốn vài triệu USD cho thiết kế ý tưởng, chưa kể tới chi phí thay đổi đi kèm. Nếu đây là sai sót của đơn vị tư vấn thiết kế thì ngân hàng nên xem xét và làm việc lại với đơn vị này. Còn nếu đây là ý tưởng của chính ngân hàng thì đây quả là một sự đáng tiếc" - chuyên gia này cho biết.

kyanh

Theo Infonet

Trở lên trên