Quảng cáo trên mạng toàn những lời có cánh, đi kiểm tra 'rất cực'
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM). Ảnh Như Ý
Đại biểu Quốc hội đang là Trưởng Ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM nêu nhiều bất cập, cùng những cơ cực khi đi kiểm tra, giám sát các cửa hàng online.
- 01-11-2022Nhật Bản phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe sử dụng AI và đám mây
- 01-11-2022Giám đốc điều hành của Telegram: "Apple tàn phá giấc mơ kinh doanh của các doanh nghiệp"
- 01-11-2022Những trường hợp CCCD mã vạch, CCCD gắn chip có giá trị vô thời hạn
Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) . Nêu khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm trên nền tảng giao dịch điện tử và bán hàng online, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, đây là một trong hai khó khăn khi quản lý lĩnh vực này.
“Cửa hàng ảo trên mạng có thể thay đổi, người mua hàng trên mạng cũng không biết tiền mình đi về đâu. Nếu có vấn đề gì thì không biết kêu, bắt đền từ ai”, bà Lan cho hay.
Bên cạnh đó, nữ ĐB cũng phản ánh thực trạng quảng cáo trên mạng toàn những “lời có cánh”, nhưng chất lượng thì chưa kiểm soát hết được. Theo bà, để kiểm soát các mặt hàng trên mạng, phải “tung quân”, đổ sức gấp nhiều lần so với quản lý ngoài đời thực, trong khi biên chế, sức lực, tài lực còn có hạn. Đó là chưa kể hiện nay đang thiếu hành lang pháp lý trong kiểm soát các hoạt động giao dịch điện tử.
“Những đơn vị chuyên ngành chỉ có quyền kiểm tra những nơi đã cấp phép và cũng chỉ được kiểm tra trong diện tích, thể tích, khoảng không đã cấp phép, trường hợp giấu trên lầu, giấu trong phòng ngủ thì thua. Muốn vào đó chỉ có công an, huống chi ở trên mạng. Cho nên đi kiểm tra, theo dõi rất cực”, ĐB kỳ vọng luật này được thông qua sẽ giải quyết được những khó khăn trên.
Trong khi đó, ĐB Đỗ Đức Duy (Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về chính sách phát triển giao dịch điện tử. Theo ông, cần bổ sung nội dung nhà nước có biện pháp để bảo đảm an ninh, an toàn cho doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các giao dịch điện tử. Đặc biệt là các giao dịch điện tử có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho người dân, hoặc doanh nghiệp tham gia giao dịch như giao dịch qua ngân hàng, mua bán online xuyên biên giới…
“Các dịch vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép thì rất cần vai trò của nhà nước trong việc bảo đảm an ninh, an toàn. Từ việc an ninh, an toàn về thông tin của người tiêu dùng, cho đến bảo đảm an ninh, an toàn liên quan đến tài sản, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp tham gia giao dịch điện tử”, ông Đỗ Đức Duy lưu ý.
ĐB Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) đề nghị bổ sung thêm “chữ ký điện tử ở nước ngoài”, vì từ đại dịch COVID-19 trong các hợp đồng giao dịch mà không thể thực hiện trực tiếp, qua một số chứng thư thì có thể thực hiện chữ ký điện tử với một bên cung cấp và một bên tiếp cận. Về bảo mật thông tin, ĐB Châu lưu ý, thông tin cả người cung cấp và trong giao dịch điện tử phải tuân thủ các quy định pháp luật dân sự.
Tiền Phong