MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quảng Nam: Quy hoạch cụm công nghiệp tràn lan, thiếu hiệu quả

Hơn 12 năm quy hoạch, phát triển, mô hình cụm công nghiệp (CCN) ở Quảng Nam gia tăng nhanh về số lượng, dù thiếu vốn, dang dở và chỉ khoảng 55/99 CCN quy hoạch chi tiết được lấp đầy ở mức 57,65%. Quy hoạch, phát triển CCN đã trở thành “phong trào”, dàn trải và thiếu hiệu quả.

Thiếu hiệu quả

Theo ông Nguyễn Quang Thử - GĐ Sở Công Thương, hiện đã thu hút được 215 dự án đăng ký vào 55 CCN đang triển khai trên tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê khoảng 535ha. Tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án 10.668 tỉ đồng. Tổng số lao động đăng ký theo dự án 50.870 người. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 195 dự án thực sự đầu tư với tổng vốn thực hiện khoảng 5.864 tỉ đồng, thu hút lao động thường xuyên hơn 26.130 người. “CCN chủ yếu đón doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo việc làm, tăng thu nhập khá cho lao động nông thôn, giảm áp lực lao động nông thôn tràn về thành phố” - ông Thử nói.

Tuy nhiên, hiện trạng của các CCN Quảng Nam là quy hoạch chắp vá, không định hướng, các doanh nghiệp tại các CCN na ná nhau... 12 năm qua, tại Thăng Bình, ngoài CCN Hà Lam - Chợ Được gần hoàn chỉnh hạ tầng, 4 CCN đã được quy hoạch chi tiết thì 4 CCN còn lại đều chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện 13 doanh nghiệp đang hoạt động tại các CCN (đã quy hoạch) với tỉ lệ lấp đầy chưa tới 40%, thậm chí có CCN nam Hà Lam tỉ lệ lấp đầy chỉ 8,5%. Thiếu vốn, thiếu cả hạ tầng và sự ưu đãi nên rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, xúc tiến, rồi lắc đầu bỏ đi.

Duy Xuyên thì chỉ lấp đầy 40% tại 4 CCN (104ha) được quy hoạch, nhưng vẫn đang trong tình trạng thiếu hệ thống thoát nước, không nhà máy xử lý nước thải… Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, việc đầu tư lỡ dở đã khiến đất không sử dụng hết, bởi thiếu vốn và chính sách, cơ chế chưa rõ ràng, không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng trong CCN. Tổng giá trị đầu tư hạ tầng khoảng 169,6 tỉ đồng, chỉ 28/46 doanh nghiệp sản xuất với diện tích thuê đất sử dụng 104ha. Tỉ lệ lấp đầy bình quân mỗi CCN khoảng 48,3%. Số doanh nghiệp còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và ngừng hoạt động vì thua lỗ. Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - tham gia các cuộc giám sát của HĐND tỉnh, cho biết: “Phần lớn doanh nghiệp đầu tư vào các CCN đều nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, không đủ điều kiện xử lý môi trường. Nông thôn bị xé lẻ bởi địa phương nào cũng muốn có CCN”.

Thiếu vốn, ô nhiễm môi trường

Mục đích phát triển CCN của Quảng Nam là gom lại doanh nghiệp để hạn chế ô nhiễm môi trường và thúc đẩy phát triển nông thôn đã không thể đạt được. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở CCN Thương Tín hay An Lưu từng “nóng” nhưng rất khó giải quyết. Dân phản ứng, chính quyền cương quyết xử lý tồn tại nhưng di dời nhà máy như thế nào thì địa phương không thể thực hiện vì thiếu tiền. Theo ông Lê Viết Vinh - GĐ Trung tâm Phát triển CCN huyện Núi Thành, huyện không mở rộng giai đoạn 2 CCN Trảng Tôn để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường giữa lòng thị trấn, không cấp thêm dự án sản xuất dăm gỗ tại CCN nam Chu Lai. Các địa phương khác cũng đã lên kế hoạch thu hút đầu tư doanh nghiệp một cách có chọn lọc hơn…

Theo Sở Công Thương, số CCN được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển đến năm 2020 là 99 CCN với tổng diện tích giai đoạn 2016 - 2020 là 2.255ha. Diện tích này lớn hơn so với danh mục quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 của Quảng Nam đã được Bộ Công Thương thông báo là 717,18ha. Tỉ lệ lấp đầy của 55 CCN đã quy hoạch chi tiết chỉ khoảng 57,65% và hầu hết CCN dở dang vì thiếu vốn. Theo tính toán, với tổng vốn đầu tư hạ tầng cho các CCN đang triển khai vào khoảng hơn 700 tỉ đồng thì nếu hoàn tất thì phải cần thêm tới 10.000 tỉ đồng đầu tư. Theo GĐ Sở Công Thương Quảng Nam Nguyễn Quang Thử: “Với mức hỗ trợ nhỏ giọt từ ngân sách mỗi năm thì đến năm 2020 chưa thể đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các CCN hiện tại, chưa kể đến việc có thu hút được đầu tư hay không”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, sự phát triển tràn lan, dàn trải của các CCN trên địa bàn sẽ được chấm dứt. Ngân sách chỉ hỗ trợ đầu tư mỗi huyện từ 1 - 2 CCN hoàn chỉnh, điều hành theo một cơ chế thống nhất. Tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư theo kiểu cuốn chiếu, hoàn thành CCN này mới đến CCN khác…

Theo Trương Tâm Tư

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên