Quảng Ngãi: Chủ tịch tỉnh xin lỗi người dân đang tụ tập trước cổng Nhà máy thép Hòa Phát
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh thay mặt lãnh đạo tỉnh xin lỗi người dân và yêu cầu đẩy nhanh việc bố trí đất tái định cư cho những người sống xung quanh Nhà máy thép Hòa Phát
- 17-05-2021VCSC: Biên lãi doanh nghiệp thép nửa cuối năm sẽ giảm mạnh từ mức rất cao, riêng Hòa Phát vẫn hưởng lợi từ tăng trưởng ngành xây dựng
- 23-04-2021Thấy Hòa Phát lãi lớn, nhiều công ty Việt Nam cũng hào hứng đi xây lò cao để luyện thép. Kết quả: Thất bại!
- 22-02-2021Sản lượng thép HRC của Hòa Phát đạt kỷ lục 1 triệu tấn
Chiều 12-6, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi tiếp xúc, gặp gỡ với hàng trăm hộ dân đang sinh sống xung quanh Nhà máy thép Hòa Phát (Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) – đang cùng nhau dựng lều, tụ tập trước cổng nhà máy nhiều ngày qua.
Nhiều hộ dân có nhà sát bên Nhà máy thép Hòa Phát (thuộc thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận) phản ánh họ đang bị ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi nghiêm trọng trong quá trình hoạt động của Nhà máy thép Hòa Phát.
"Nhiều khi đang ngồi bưng bát cơm, mùi hôi khét lẹt xông thẳng vào nhà, thế là phải bỏ dở bữa ăn. Mấy hôm nay trời hay đổ mưa dông, nhà máy xả thải càng khủng khiếp hơn trước" - một người dân có nhà sát bên nhà máy cho biết.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (áo trắng) vận động người dân không tụ tập trước cổng Nhà máy thép Hòa Phát. Ảnh: T.Trực
Dù bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, ảnh hướng rất lớn đến sức khỏe của người dân nhưng trong 3 năm qua (kể từ khi Nhà máy thép Hòa Phát đi vào hoạt động), hàng trăm hộ dân ở đây không được di dời, bố trí tái định cư.
"Đã có hàng chục hộ sống gần nhà máy vì không chịu nổi ô nhiễm nên rời bỏ nhà cửa đi tìm nơi khác sinh sống. Hàng trăm hộ khác vì không có điều kiện vẫn cố bám trụ, đợi bố trí đất tái định cư nhưng chờ mãi vẫn không thấy chính quyền bố trí. Cực chẳng đã chúng tôi mới kéo lên tụ tập trước cổng nhà máy, để mong các cấp ngành của tỉnh khẩn cấp bố trí đất cho chúng tôi di dời, tìm nơi ở mới, chứ ở đây chết lúc nào không biết" - ông Ngô Đỗ, ngụ thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận nói.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra thực tế nhà dân bị ô nhiễm ở khu vực sát bên Nhà máy thép Hòa Phát. Ảnh: T.Trực
Phía đại diện Nhà máy thép Hòa Phát cũng thừa nhận quá trình hoạt động nhà máy không tránh khỏi ô nhiễm và cho biết hiện có gần 350 hộ dân sống xung quanh nhà máy cần được di dời nhưng đến thời điểm này mới chỉ có hơn 100 hộ chấp thuận di dời trước.
"Chúng tôi đang chờ bố trí đất tái định cư cho người dân. Trong quá trình chờ bố trí đất tái định cư, phía nhà máy cũng đưa ra nhiều phương án cho bà con như hỗ trợ tiền thuê nhà mỗi tháng 2,2 triệu đồng/hộ hay đền bù 70% hoặc 100% trước cho người dân để chuyển nơi ở khác… Nhưng chỉ có số ít người chấp nhận, còn lại đa phần người dân mong muốn được bố trí tái định cư, rồi họ di dời luôn" - đại diện Nhà máy thép Hòa Phát cho biết.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi lắng nghe kiến nghị của người dân. Ảnh: T.Trực
Sau khi kiểm tra thực tế hiện trường và nghe ý kiến của người dân, ông Đặng Văn Minh thừa nhận môi trường xung quanh nhà máy đang bị ô nhiễm nặng, những bức xúc của người dân là hoàn toàn chính đáng.
"Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin lỗi bà con nhân dân sống xung quanh nhà máy vì việc bố trí tái định cư quá chậm. Việc bố trí tái định cư lẽ ra phải được làm 3 năm trước nhưng vì nhiều nguyên nhân nên chưa thể triển khai. Tôi yêu cầu tất cả các cấp ngành phải khẩn trương, chậm nhất ngày 1-10 tới phải thi công xây dựng khu tái định cư và chậm nhất trong 12 tháng phải hoàn thành. Nếu không hoàn thành như cam kết trên, đích thân tôi chịu trách nhiệm. Còn riêng việc giải quyết tình trạng ô nhiễm hiện tại, tôi yêu cầu Nhà máy thép Hòa Phát không được thi công ở khu vực 115ha (giai đoạn 2, Nhà máy thép Hòa Phát) chừng nào người dân chưa được di dời" - ông Minh nói.
Trước đó, trong gần 1 tuần qua, hàng chục hộ dân sinh sống xung quanh Nhà máy thép Hòa Phát đã dựng lều tụ tập trước cổng nhà máy vì cho rằng quá trình thi công, hoạt động của nhà máy đã gây tiếng ồn, ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dân.
Người Lao động