Quảng Ninh: Phấn đấu sẽ thuộc nhóm dẫn đầu về chuyển đổi số toàn diện
Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng Dịch vụ công (ảnh báo QN)
Với mục tiêu đến năm 2025 Quảng Ninh dẫn đầu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh. Trong đó, tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số.
- 13-06-2022Hải Phòng thí điểm mỗi tuần 2 ngày chỉ tiếp nhận hồ sơ hành chính trực tuyến
- 13-06-2022Bộ Công an cảnh báo chiêu phạm tội mới nhất
- 12-06-2022Khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip: Tiện lợi nhưng chưa đồng bộ dữ liệu
Đặt mục tiêu…
Theo kế hoạch đã được đề ra, Quảng Ninh sẽ tập trung thực hiện mục tiêu 100% thủ tục hành chính ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số; kinh tế số chiếm ít nhất 20% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải và logistics, cửa khẩu số…
Để thực hiện điều này, mới đây, ngày 25/2, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, FPT cam kết cùng tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nâng cấp chính quyền điện tử; xây dựng vận hành nền tảng số hoá thủ tục hành chính cho toàn tỉnh, đảm bảo tích hợp 100% dịch vụ công của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; xây dựng, nâng cấp và vận hành các Trục kết nối giữa Trung ương và tỉnh như: Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (FPT.LGSP), Trục quản lý văn bản. Theo đó, Tập đoàn này sẽ hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phát triển kinh tế số trong các ngành trọng tâm, thế mạnh của tỉnh: sản xuất công nghiệp, năng lượng, logistics thông minh, du lịch, kinh tế cửa khẩu…
Chuyển đối số trong giáo dục trường tiểu học Hạ Long ( báo QN)
Theo ông Tô Văn Lâm - Công ty thương mại Huy Hoàng, hiện tại, Quảng Ninh đã xây dựng và vận hành chính quyền điện tử từ cấp phường, xã, tạo nền hành chính hiện đại với các thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến đến độ 3, 4 và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số... đã giúp giảm được trung bình hơn 40%, tiết kiệm chi phí thời gian. Đến nay, người dân, doanh nghiệp ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện được các thủ tục hành chính đồng thời theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ.
Từ nền tảng của chính quyền điện tử, năm 2016, Quảng Ninh đã phê duyệt và bắt tay vào triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Đến nay, những tiện ích nền tảng của thành phố thông minh đã thành hình và từng bước hoàn thiện. Thành quả bước đầu chính là việc xây dựng và vận hành mô hình Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh từ tháng 8/2019. Hai năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Quảng Ninh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào phòng chống dịch, như triển khai mã QR Code, Sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng AI...
Tuy nhiên theo ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm. Bởi nhìn trên thực tế cũng phải thừa nhận rằng quá trình ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trên địa bản tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Cơ hội số vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả; kinh tế số chỉ chiếm tỷ trọng 3% GRDP của tỉnh. Hạ tầng CNTT , viễn thông có mặt còn bất cập, có sự thiếu đồng bộ. Các hệ thống thông tin vẫn thiếu dữ liệu, nền tảng dùng chung.
Với mục tiêu đến năm 2025 Quảng Ninh sẽ thuộc nhóm dẫn đầu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh
Doanh nghiệp CNTT và truyền thông mỏng, chỉ chiếm 4,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; thiếu các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, chưa hình thành được ngành công nghiệp CNTT - truyền thông (ICT). Kỹ năng số của một bộ phận cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Nguồn nhân lực về CNTT thiếu hụt trầm trọng, hiện chỉ chiếm 2,8% tổng số lao động đang hoạt động trên địa bàn. Bộ chỉ số chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh mới đạt 429,47 điểm/800 điểm...
Chuyển đổi số toàn diện
Thực hiện Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 1/3/2022 của UBND tỉnh về thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay 13 địa phương, 100% các sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo do người đứng đầu làm trưởng ban.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Mặc dù các sở, ban, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực trong thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên đến nay mới có 39/51 nhiệm vụ được triển khai. Theo ông Văn các sở, ban, ngành phải nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch; thường xuyên kiểm đếm công việc và có giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác chuyển đổi số của tỉnh; xây dựng bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các sở, ban, ngành, địa phương và các xã, phường, thị trấn; triển khai xây dựng phần mềm đánh giá, chấm điểm chỉ số chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đồng bộ với hệ thống của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Được biết, hiện đã có 13 địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch, thành lập 1.421 tổ công nghệ số cộng đồng bao phủ 173/177 xã, phường, thị trấn với sự tham gia của 10.411 thành viên. Đến hết quý I/2022, toàn tỉnh đã có 10.410 chữ ký số được cấp phát, trong đó có 2.127 chữ ký số cơ quan, 8.630 chữ ký số cá nhân.
Về kinh tế số, hiện toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 177/267 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp đưa thông tin của 418 cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Từ năm 2021, Sở NN&PTNT đã phối hợp hoàn thiện phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” và bấm nút khởi động tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn.
Cán bộ Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) theo dõi phương tiện qua hệ thống camera giao thông (ảnh báo QN)
Hệ thống bước đầu cấp tài khoản tham gia quản lý cho 142 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thực phẩm của thành phố Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ NN&PTNT.
Trước đó, để thúc đẩy xây dựng kinh tế số, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng đã phối hợp với Viễn thông Quảng Ninh cũng đã tổ chức hội nghị “Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ". Hội nghị đã giới thiệu về các nền tảng cho chuyển đổi số và các giải pháp đột phá chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; chuyển đổi số toàn diện doanh nghiệp bứt phá trong kỷ nguyên số; giới thiệu về nền tảng oneSME cho các doanh nghiệp SME (doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ) và các giải pháp công nghệ để chuyển đổi số phù hợp với giai đoạn của lộ trình chuyển đổi số và giới thiệu chương trình của VNPT đồng hành cùng doanh nghiệp.
Với mục tiêu phấn đấu sẽ thuộc nhóm dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh. Quảng Ninh đã và đang cấp tốc đẩy mạnh việc chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Diễn đàn doanh nghiệp