Quảng Ninh thành lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư
Tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có việc thành lập Tổ công tác đặc biệt từ cuối tháng 6 vừa qua.
- 22-06-2023Lập Tổ công tác xử lý các vướng mắc về vật liệu cho dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông
- 21-06-2023Thay đổi thành viên Tổ công tác nghiên cứu xây dựng, khai thác một số sân bay
- 03-06-2023Lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó các dự án tại Cần Thơ
Tổ công tác đặc biệt do ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh làm Tổ trưởng. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó. Các thành viên gồm Thủ trưởng nhiều sở ngành, Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân khác…
Tổ công tác có nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo việc tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và nhà đầu tư có dự án trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh và UBND các địa phương cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc…
Tổ công tác đặc biệt được tỉnh Quảng Ninh thành lập trong bối cảnh kinh tế địa phương có tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm, đạt 9,46%, đứng thứ 4 cả nước. Tuy vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn khiêm tốn khi chỉ đạt 21,3%, cao hơn bình quân chung cả nước nhưng thấp hơn so với cùng kỳ 2022. Việc giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành sớm các dự án trọng điểm, tăng cường thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển KT-XH là nhiệm vụ trọng tâm của Quảng Ninh trong nửa cuối năm 2023.
Ông Phạm Hồng Biên, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, một trong những nguyên nhân tác động làm chậm tiến độ nhiều dự án hạ tầng trên địa bàn là việc thiếu vật liệu san lấp. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trong cả nước hiện nay.
Để giải quyết vướng mắc này, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch các mỏ đất, đá phục vụ san lấp các dự án đầu tư công, đảm bảo gần nhất với vị trí công trình. Đặc biệt, tỉnh có định hướng sử dụng đất đá tuần hoàn, đất đá thải mỏ từ hoạt động khai thác than để làm vật liệu san lấp. Đây là nguồn tài nguyên lớn của Quảng Ninh với trữ lượng hơn 1,3 tỷ m3 và vẫn tăng khoảng 150 triệu m3 mỗi năm.
Ông Phạm Hồng Biên khẳng định: Việc sử dụng đất đá thải mỏ là chủ trương mà tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị nhiều lần với Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường và đã được phê duyệt, cấp phép 1 số mỏ khu Nam Tràng Bạch, mỏ Suối Lại, tới đây sẽ thêm 1 số điểm ở Cẩm Phả nữa. Nguồn đất đá thải mỏ tới đây phục vụ cho các công trình, đặc biệt là dự án hạ tầng các KCN đều đảm bảo nguồn cung ứng, đảm bảo tiến độ.
VOV