Quảng Ninh xử lý vấn đề “đầu năm ghi vốn, giữa năm điều vốn, cuối năm trả vốn"
Đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2023 và cả năm tới, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra những “điểm nghẽn”, xác định rõ trách nhiệm và yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng “đầu năm ghi vốn, giữa năm điều vốn, cuối năm trả vốn” của các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công.
- 17-12-2023Thủ tướng gặp các đối tác Nhật, tiếp tục gỡ vướng cho 2 dự án tỷ USD
- 17-12-2023Nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
- 17-12-2023Việt Nam và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Quebec
Tính đến ngày 5/12, vốn đầu tư công năm 2023 của Quảng Ninh đã giải ngân gần 8.500 tỷ đồng, đạt hơn 61% kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm, hơn 58% so với kế hoạch vốn sau điều chỉnh. Theo cam kết của 25 chủ đầu tư, tới hết năm 2023 (thời gian thực hiện đến 31/01/2024 theo quy định của Luật Đầu tư công) sẽ giải ngân được gần 13.300 tỷ đồng, đạt khoảng 96% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao đầu năm. Mặc dù không đạt được con số 100% đã đề ra nhưng vẫn đảm bảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (95%).
Trong năm qua, Quảng Ninh liên tục hoàn thành và đưa vào sử dụng hàng loạt dự án đầu tư công, mang lại lợi ích cho người dân, trong đó đặc biệt là các dự án trường học, cơ sở y tế,… Tuy vậy, tình trạng “đầu năm ghi vốn, giữa năm điều vốn, cuối năm trả vốn” vẫn diễn ra.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh thẳng thắn nhận định, tổng thể giai đoạn 3 năm qua, những hạn chế mới nổi tác động đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là công tác chuẩn bị đầu tư còn yếu kém; đơn vị tư vấn không đủ năng lực, chất lượng đơn vị giám sát, nhà thầu còn thấp; đặc biệt là trách nhiệm của Sở KHĐT từ khâu lập kế hoạch, dự báo chiến lược, quản lý nhà nước; công tác GPMB ở một số địa phương chưa được chú trọng, có tình trạng “lòng vòng” khi xử lý các vấn đề phát sinh…
Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương dồi dào tài nguyên về “vật liệu san lấp” nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc ở khâu sau cấp phép, hậu kiểm khai thác…
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: "Các dự án chậm tiến độ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Hiện nay các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản là rất nhiều và đòi hỏi triển khai đồng bộ, đường dài biết trước thì cần phải chủ động đi từ sớm chứ không thể bị động.
Tiếp theo là các dự án đầu tư trên phạm vi rừng thì còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Có cả yếu tố thụ động của đội ngũ cán bộ, cả chủ đầu tư và các sở ngành… Trong năm nay, nếu còn để những tình trạng những vướng mắc không được tháo gỡ thì UBND tỉnh sẽ trình cấp có thẩm quyền xử lý đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này".
Thời gian còn lại của năm 2023 không nhiều trong khi quy mô vốn giải ngân còn lớn là thách thức đối với Quảng Ninh. UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định sẽ hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; chấn chỉnh, siết chặt hơn hoạt động của các mỏ đất và đưa ít nhất 4 dự án cát nghiền vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp. HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu UBND tỉnh và Sở KHĐT phải chịu trách nhiệm hoàn thành các dự án đã xác định trong năm 2023, tỷ lệ giải ngân đi liền với khối lượng, chất lượng công trình.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công được giao của Quảng Ninh luôn nằm trong top đầu cả nước (năm 2023 đứng thứ 5 – hơn 13.800 tỷ đồng). Địa phương này xác định đầu tư công là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2024, dó đó yêu cầu đẩy mạnh giải ngân ngay từ đầu năm mới, nhất là các dự án trọng điểm của giai đoạn trung hạn 2021-2025. Phấn đấu đến hết 31/12/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn bố trí dự toán đầu năm, trong đó hết quý III/2024 đạt tối thiểu 80%.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu: "Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là hậu kiểm để xử lý nghiêm những vi phạm, kiên quyết không để nảy sinh tình trạng “đầu năm ghi vốn, giữa năm điều vốn, cuối năm trả vốn”, ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị. Xác định rõ những dự án phải hoàn thành trong năm 2024 - 2025 và chủ động bố trí nguồn lực, đáp ứng yêu cầu công việc, không để nảy sinh tình trạng phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản".
VOV