Quặng và khoáng sản dẫn đầu về tăng trưởng xuất khẩu
Kim ngạch và khối lượng xuất khẩu tăng nhưng giá xuất trung bình lại giảm mạnh.
Quặng và khoáng sản là nhóm hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4/2017 – theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam.
Cụ thể, tháng 4/2017 Việt Nam đã xuất khẩu 536.914 tấn quặng và khoáng sản, thu về gần 25,7 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng mạnh 103% về kim ngạch so với tháng 3/2017 – dẫn đầu về tăng trưởng xuất khẩu.
Tính chung cả 4 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng này tăng 189% về lượng và tăng 19,5% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 1,4 triệu tấn, tương đương 60 triệu USD. Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình giảm mạnh, chỉ đạt 43 USD/tấn (cùng kỳ năm ngoái đạt 104,2 USD/tấn, giảm 59%), chứng tỏ lượng khai thác nhiều thêm nhưng bất lợi là giá bán không tăng tương xứng.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, chiếm 83% trong tổng lượng quặng khoáng sản xuất khẩu của cả nước và chiếm 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (với gần 1,2 triệu tấn, trị giá 24,2 triệu USD).
Điều đáng chú ý là lượng quặng và khoáng sản xuất sang Trung Quốc tăng rất mạnh tới 338% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị thu về lại giảm gần 3%. Giá xuất khẩu trung bình sang Trung Quốc chỉ đạt 21 USD/tấn (trong khi cùng kỳ năm 2016 là 94 USD/tấn). Giá xuất sang Trung Quốc cũng chỉ bằng một nửa so với các thị trường khác. Riêng tháng 4/2017 xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 14% về lượng và tăng 23% về kim ngạch so với tháng 3/2017 (đạt 460.204 tấn, thu về gần 10 triệu USD).
Hiện Việt Nam vẫn xuất khẩu lượng lớn quặng sắt, boxit, kẽm, apatit,... sang Trung Quốc, chủ yếu từ phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên. Hiện Trung Quốc đang tăng cường mua bán các dự án mỏ, đấu thầu quyền khai thác khoáng sản lớn ở Châu Phi, Trung Á và cả Đông Nam Á (Myanmar) để khai thác các tài nguyên, trong đó phần lớn là quặng để phục vụ ngành công nghiệp trong nước và tích trữ.
Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu quặng khoáng sản sang Đài Loan (34.272 tấn, tương đương 2,1 triệu USD), Nhật Bản (14.080 tấn, tương đương 4,1 triệu USD), Indonesia (2.759 tấn, tương đương 0,4 triệu USD), Malaysia (1.706 tấn, tương đương 0,5 triệu USD), Hàn Quốc (380 tấn, tương đương 1,2 triệu USD) và Thái Lan (24 tấn, tương đương 0,03 triệu USD).
Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Nhật Bản và Indonesia vẫn đạt được mức tăng trưởng tốt, còn lại các thị trường Thái Lan, Hàn Quốc và Malaysia thì sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016.
Điểm nổi bật trong tháng 4 là xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng rất mạnh 200% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 3, nhưng tính chung cả 4 tháng đầu năm lại giảm mạnh tới 96% về lượng và giảm 4% về kim ngạch so với cùng kỳ. Ngược lại, xuất sang Nhật Bản mặc dù tháng 4 sụt giảm mạnh tới 99% về lượng và giảm 63% về kim ngạch so với tháng 3, nhưng tổng cộng cả 4 tháng lại tăng 29% về lượng và tăng 23% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016.