MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Quang vàng mã" đưa sản phẩm lên bán trực tuyến, xúc động bởi câu chuyện sau mỗi đơn đặt hàng

29-08-2023 - 14:00 PM | Lifestyle

'Quang vàng mã' là tên gọi quen thuộc của nhiều người về chàng trai đang bán mặt hàng không ai nghĩ đến trên mạng xã hội.

Với sự rộng mở của thị trường ngày nay, dường như mặt hàng nào cũng có thể mang lên buôn bán trên mạng xã hội. Người ta không còn bất ngờ khi thấy hải sản, trái cây, các sản phẩm từ miền núi đến đồng bằng. Nhưng cũng có một thứ, hiếm ai ngờ, hoặc người ta không tin rằng sẽ phù hợp với hình thức bán hàng online, đó chính là vàng mã.

9X rời Hà Nội về tiếp quản cơ sở sản xuất rộng 20.000m2 của gia đình ở làng nghề truyền thống

Đức Quang - người đầu tiên ở Việt Nam đưa sản phẩm "cõi âm" lên bán trực tuyến, xúc động bởi những câu chuyện đằng sau mỗi đơn đặt hàng - Ảnh 1.

Đức Quang, 28 tuổi, sinh ra và lớn lên ở "thủ phủ" của nghề vàng mã miền Bắc - xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bố mẹ có một xưởng sản xuất đã hoạt động hơn 30 năm và nay đến lượt anh tiếp nối. Tuổi thơ của Quang gắn liền với khung tre, hồ dán, các loại giấy đủ màu và những mô hình vàng mã.

Tuy rằng vẫn phụ giúp bố mẹ nhưng thời điểm thi đỗ và theo học ở Đại học Công nghiệp Hà Nội, Quang chưa từng nghĩ sẽ có một ngày theo đuổi nghề thủ công truyền thống ấy. "Đến năm 2 đại học, tôi đã bắt đầu đi làm các công việc liên quan tới thương mại điện tử. Ra trường, tôi vẫn tiếp tục làm trong mảng này, bởi lúc đó khái niệm thương mại điện tử còn khá mới ở Việt Nam, vừa làm vừa trau dồi thêm".

"Nhưng rồi, khi dịch Covid-19 ập đến, ròng rã cả năm trời, công việc làm ăn của các đối tác bị chững lại. Chưa kể, việc kinh doanh thương mại điện tử đã gặp nhiều hạn chế. Hai đợt dịch cũng là chuỗi ngày dài ngụp lặn. Cộng thêm, công việc làm vàng mã ở nhà cũng gặp trắc trở khi không có đầu ra, mà mình không thể đứng nhìn gia đình vào thế khó. Cuối cùng, đến năm 2021, tôi quyết định tạm dừng công việc", Quang nói.

Ý định ban đầu của Quang và gia đình sau anh khi trở về là mở thêm một cơ sở sản xuất và trưng bày sản phẩm ở quận Long Biên, Hà Nội, để có thêm nguồn bán hàng mã, khách hàng không phải di chuyển quá xa. Tuy nhiên, phương án này cũng không khả thi bởi vẫn trong đợt dịch nên hàng hóa khó vận chuyển, mà giá thành thuê nhà lại cao. Cơ sở này chỉ hoạt động được 4 tháng thì đóng cửa, Đức Quang trở về xưởng đầu tiên của gia đình ở làng Song Hồ, kèm theo nhiều trăn trở.

Tự mình xây kênh online, làm vàng mã cũng phải thức thời bắt trend

Với kinh nghiệm trong mảng thương mại điện tử, lại ở thời điểm TikTok "chiếm sóng", người người bán hàng, nhà nhà bán hàng, Đức Quang cũng thử đưa mặt hàng "độc lạ" của nhà mình lên xem thế nào.

"Giai đoạn đầu không khả thi, tôi quay 10 - 20 clip về cửa hàng, cũng lên kịch bản chỉn chu nhưng không hiệu quả, flop hết. Cũng đúng thôi, người ta thì bán hàng ăn, bán mỹ phẩm, mình đây lại đi giới thiệu vàng mã, quảng cáo sản phẩm chất lượng cao cấp, ai mà ưa được chứ".

Đức Quang - người đầu tiên ở Việt Nam đưa sản phẩm "cõi âm" lên bán trực tuyến, xúc động bởi những câu chuyện đằng sau mỗi đơn đặt hàng - Ảnh 2.

Một thời gian miệt mài quay chụp không mấy khả quan, Đức Quang nhận thấy, dù là mặt hàng khó bán nhưng không phải không có khả năng nếu như tìm ra hướng đi đúng. 

"Còn kiến thức về phong tục, văn hóa chung chung thì các trang kiến thức khác đã chia sẻ quá nhiều. Điều tôi cần là làm sao khiến mọi người cởi mở hơn, nếu đã có nhu cầu mua bán thì coi vàng mã như các mặt hàng cơ bản khác phục vụ đời sống thường ngày. 

Đây là một hành trình dài, cho đến tận lúc này, tôi vẫn đang cố gắng duy trì và xây dựng". 

Hiện tại, gia đình Đức Quang sở hữu một xưởng sản xuất rộng 20.000m2. Hằng ngày, bố mẹ Quang cùng những người thợ vẫn miệt mài với nghề thủ công đã tồn tại ở ngôi làng truyền thống suốt mấy chục năm qua. Trong khi đó, những công việc kinh doanh khác như giới thiệu sản phẩm, liên hệ đối tác... sẽ do anh trực tiếp phụ trách.

Xuất hiện ở các clip trên TikTok, chàng trai 9X gây ấn tượng với vẻ ngoài điển trai, giọng nói chân thật, kể các câu chuyện về từng mặt hàng theo phong cách lạc quan. Song, chính chủ lại thừa nhận, bản thân là người ngại camera. "Tôi có thể nói chuyện trực tiếp với khách hàng, lên kịch bản quay dựng, dù nửa thân trên tự tin nói, chứ dưới chân đang run lắm. Nhưng dòng đời xô đẩy mà, động lực kiếm tiền khiến tôi không thể làm khác". 

Một ngày làm việc của Đức Quang gần như không có thời gian nghỉ ngơi bởi nhu cầu của khách hàng quanh năm. Còn cao điểm là vào những vụ tháng Chạp, tháng Giêng, tháng Bảy. Quang "một mình sắm nhiều vai", hết làm gương mặt đại diện của xưởng vàng mã lại kiêm luôn bốc vác, xếp hàng. Thậm chí, hầu hết các đơn hàng ở quanh Hà Nội và một số tỉnh lân cận, anh đều đích thân lái xe vận chuyển. Chính cuộc phỏng vấn với chúng tôi, cũng là anh tranh thủ chia sẻ trong lúc đợi dỡ hàng.

"Nhiều người thấy tôi ra clip đều đặn còn hỏi có phải suốt ngày chỉ ăn với quay sản phẩm hay không. Nhưng sự thực là mỗi lần tôi cố gắng quay nhiều rồi dùng dần. Rảnh thì tuần đặt máy quay 3 lần rồi làm việc, còn riêng hai tháng nay là 1 tháng mới quay được một lần, nhưng một lần quay 50 clip. Tôi có một bạn chuyên dựng clip, làm việc từ xa. Kịch bản và clip tôi sẽ làm và gửi để bạn đó làm. Vậy nên mới có tình cảnh một chiếc áo mà lên hình cả chục lần", Quang tiết lộ.

Ngoài ra, trong một số tình huống gấp như có "trend" mới trên mạng xã hội, anh cũng không thể bỏ lỡ để nâng cao độ nhận diện, miễn sao không làm sai lệch tinh thần của trang là được.

Quan niệm mỗi sản phẩm là một món quà, xúc động bởi mỗi đơn đặt hàng là một câu chuyện

Ngay từ trong chính tư duy kinh doanh mặt hàng lâu năm này, anh quan niệm, mỗi sản phẩm vàng mã như một món quà mà "người ở lại" muốn gửi tặng cho "người ra đi" để tinh thần được thanh thản, vơi đi nỗi mất mát, nuối tiếc. Đức Quang mong muốn sẽ là người vận chuyển món quà tinh thần.

Ngoài bán buôn các mặt hàng vàng mã cao cấp, xưởng nhà Quang cũng nhận làm theo yêu cầu của khách hàng. Anh kể, mỗi đơn hàng đặt riêng thường mang những câu chuyện, khiến cho chàng trai 9X không biết diễn tả cảm xúc thế nào, chỉ nghĩ mình đồng cảm và cố gắng làm một cách hoàn hảo nhất có thể cho khách hàng. Có những câu chuyện khiến anh không thể nào quên:

"Một chị khách ở Quảng Ninh muốn đặt một mô hình chiếc xe ô tô vàng mã gửi tặng người bố, bởi trước khi rời cõi tạm, người bố đã luôn phấn đấu để có thể đèo vợ con trên chiếc xe Lexus 570.

Những mẫu theo đơn đặt hàng riêng của nhà Quang đều được làm tỉ mẩn từng chi tiết. 

Một chị khách khác kể chồng chị là một người yêu công việc, luôn cố gắng không quản ngày đêm để vợ con có cuộc sống êm ấm, chị muốn gửi cho anh chiếc xe máy, kéo theo xe hàng đằng sau, mong anh luôn nhớ về kỷ niệm với gia đình. 

Chị khách kể bao tình cảm, thời gian, tiền bạc, ba xây dựng nền móng vững chắc cho con. Ngôi nhà là nơi vun vén tình cảm gia đình, nơi ba yêu thích và chăm chút nhất, nay ba đi xa con gửi tặng ba, ba luôn trong tâm trí con.

Một bạn nam nhắn hỏi anh có nhận đồ sơ sinh không, mình thấy trong đó là nỗi lòng của người cha. Đau xót đến chừng nào".

Mỗi sản phẩm là một câu chuyện khiến Đức Quang không thể quên.

Ở thời điểm hiện tại, có thể nói Đức Quang là người đi đầu, cũng là người thành công nhất đến hiện nay khi đưa mặt hàng vàng mã lên TikTok tại Việt Nam. Trang @quangvangma hiện đang sở hữu 29,8K follower và hơn 1M lượt thích. Các clip của anh đều có từ chục ngàn đến cả triệu lượt xem. Chàng trai 9X đã phần nào khiến mọi người thay đổi cái nhìn, đồng thời mở ra tương lai của một ngành nghề thủ công lâu đời, mang đậm nét văn hóa không chỉ riêng tại Việt Nam mà là của người châu Á.

Sau khi đã phát triển dịch vụ vận chuyển khắp 64 tỉnh/thành và "giao quà" cấp tốc trong 2 tiếng tại Hà Nội và một số tỉnh/thành lân cận, Đức Quang cũng ấp ủ dự định xuất khẩu mặt hàng độc đáo này ra nước ngoài, đưa hình ảnh nước nhà tới gần hơn với thế giới. Ngoài ra, Quang cũng rất tự hào vì đã và đang giúp xưởng sản xuất lâu năm của gia đình có một bước tiến, vị thế mới trong làng nghề truyền thống.

Theo Hạnh Mỹ

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên