Quét rác mặt đường cũng là nguyên nhân phát thải ô nhiễm không khí
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, quét rác mặt đường cũng là 1 trong những nguyên nhân phát thải ô nhiễm không khí hiện nay.
- 19-12-2019Bộ Tài nguyên và Môi trường họp khẩn về ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP.HCM
- 18-12-2019Ô nhiễm không khí trầm trọng, nhiều quận ở Hà Nội đồng loạt đề nghị được rửa đường sau 3 năm
- 18-12-2019Không khí ô nhiễm nặng, 13 bộ ngành họp tìm giải pháp khẩn
Bụi mịn ngày một gia tăng trong 5 năm gần đây
Chiều 19/12, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà họp với các bộ, ngành, địa phương về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn.
Chất lượng không khí của Hà Nội và các địa phương đang ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo thông tin từ Bộ TN&MT, năm 2019 đặc biệt vào cuối năm tình trạng ô nhiễm không khí vượt quá ngưỡng cho phép và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân, đây là điều mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, và các thành phố hết sức quan tâm, đặc biệt vấn đề này gây ra lo lắng rất lớn của người dân.
Từ 2013-2019, thành phần quan trắc trừ bụi mịn, các thông số khác như CO, SO2, NOx, bụi thô, xu thế cho thấy có lúc chạm đến ngưỡng ô nhiễm nhưng dưới ngưỡng quy chuẩn, có xu hướng không tăng lên và không vượt quy chuẩn, riêng bụi PM10 giảm. Bụi mịn tăng và có sự dao động, có thời điểm thời gian, từ 5h -8h sáng, từ 16h-22h tối tăng và theo mùa, đặc biệt là vào mùa khô, mùa có hiện tượng nghịch nhiệt, thời điểm này từ 2-8h sáng.
Độ dao động cho thấy có những thời điểm đặc biệt tháng 10-12, số liệu quan trắc năm nay đã có những điểm vượt quy chuẩn, có nơi vượt từ 3-4 lần và số liệu này được công khai. Tuy nhiên, số liệu dựa trên hiện trạng năng lực quan trắc của chúng ta.
Như vậy tình hình ô nhiễm tại TP HCM, Hà Nội gia tăng và tùy vào những thời điểm như theo mùa, theo khung giờ cao điểm, năm nay tần suất tăng lên so với 2018, tạo ra sự lo lắng, quan tâm là hết sức đúng đắn.
Quét rác mặt đường là nguyên nhân gây phát thải ô nhiễm
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, nguyên nhân đầu tiên đến từ mật độ của phương tiện giao thông, Hà Nội có 7,65 triệu ô tô, số lượng xe tăng cơ học vô cùng lớn và mỗi năm tăng từ 150-200.000 dân số đến đây sinh sống. Tại TP HCM có 7,5 triệu xe máy, 700.000 ô tô, chưa tính đến số dân tự do đến nhập cư và dân đi qua. Với tốc độ tăng cơ học cả dân số và phương tiện xe máy, đất nước chúng ta do nhiều hoàn cảnh lịch sử nên vấn đề nguyên liệu, cần có một lộ trình phù hợp nên quy trình còn rất thấp so với thế giới.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. |
“Hiện ở Châu Âu đã áp dụng tiêu chuẩn Euro 6, ở Việt Nam mới ở mức Euro 4 với ô tô và Euro 2 với xe máy. Hiện nay Hà Nội có trên 1000 công trình xây dựng và đang là công trường, TP HCM cũng là một đại công trường. Ba là do các cơ sở sản xuất công nghiệp, ở TP HCM nguyên nhân này nhiều hơn, ở Hà Nội các nhà máy sản xuất lớn còn rất ít, riêng TP HCM có sự tham gia của các nhà máy ven thành phố, các quận và một số huyện, gần 900 các nhà máy lớn nhỏ, tiểu thủ công. Riêng Hà Nội có những đặc thù khác như đốt rơm rạ, đây là nguồn theo mùa, việc đốt rất lớn. Hà Nội cũng có một số khu vực vẫn sử dụng 60.000 bếp than tổ ong, ngoại thành Hà Nội vẫn còn có vấn đề xử lý rác thải, việc đốt chất thải là nguồn hết sức nguy hại vì có thể phát thải dioxin, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xem xét trách nhiệm cụ thể. Ngoài ra, theo tôi còn có các nguyên nhân khác từ việc bụi bẩn ở mặt đường, nhiều công nhân quét rác bằng chổi và các xe quét đường cũng là tác nhân gây phát thải ô nhiễm”, ông Hà thông tin.
Bộ TN&MT đề nghị Hà Nội cấm đốt than tổ ong
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 9853 về Kế hoạch hành động giảm thiểu ô nhiễm. Thủ tướng đã nêu việc kiểm kê nguồn thải, yêu cầu các địa phương xem xét quản lý đến các nguồn thải, trong đó có than tổ ong, cần đầu tư năng lực quan trắc quốc gia.
Toàn cảnh cuộc họp. |
“Nếu TP HCM làm rồi thì giờ đánh giá không khó, số liệu quan trắc này phải công khai để người dân phải biết và đã được quy định trong luật bảo vệ môi trường. Quyết định 16, Quyết định 909 đã quy định với quản lý môi trường trong giao thông, lộ trình áp dụng quy chuẩn, quản lý môi trường trong xây dựng, quản lý trong từng công trường xây dựng như nào. Vấn đề trước mắt là phải tập trung nguồn lực, bằng mọi phương pháp huy động ngân sách, huy động lực lượng để duy trì các hệ thống quan trắc tự động để xác định chính xác về môi trường không khí và cung cấp ngày 2 lần cho người dân. Nếu tình trạng chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn phải khuyến cáo người dân theo các biện pháp mà Bộ Y tế như nên hạn chế ra đường,...”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ TN&MT đề nghị UBND Hà Nội phải công bố thông tin, có ngay kế hoạch bằng mọi biện pháp như tiến hành phun đường ngay, xem xét để điều tiết, phân luồng giao thông, cảnh báo nếu cần thiết phân luồng để giảm nguồn ô nhiễm đột biến. Phân luồng các xe ngoại tỉnh, chia làn để không đi vào Hà Nội, các xe đi vào Hà Nội phải có biện pháp che chắn, rửa xe.
Cùng với đó, khuyến cáo bà con dùng bếp than tổ ong xem xét chuyển sang bếp gas hoặc các loại bếp khác. Cần khẩn trương có ngay quy định bằng văn bản về bảo vệ môi trường với các công trình xây dựng, vật liệu xây dựng để đâu, chất thải xây dựng xử lý như nào, che chắn ra sao để đảm bảo giảm thiểu phát thải từ đây ra.
Bộ TN&MT cũng sẽ có chỉ đạo các tỉnh, Thành phố xung quanh Hà Nội cần có biện pháp cấm đồng thời hỗ trợ bà con sau thu hoạch không đốt rơm rạ, kiểm tra và xử lý việc đốt chất thải.
Giải pháp lâu dài, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đối với Hà Nội và TP HCM phải đẩy nhanh hơn cả nước, phải quy định về lộ trình khí thải, giao thông. Với xe máy và ô tô tại Hà Nội phải có quy chuẩn cao hơn nhiều so với các địa phương. Chúng ta phải có một cơ chế để áp dụng một lộ trình nghiêm ngặt hơn tại TP HCM. Riêng tại TP HCM phải có lộ trình và chính sách khác, đặc biệt với xe nhập khẩu, xe mới, xe công cộng yêu cầu sử dụng năng lượng sạch. Với xe nhập khẩu cũng phải tăng, xe cũ phải đưa vào chính sách kinh tế, thải nhiều hơn phải trả nhiều hơn.
Bộ trưởng Bộ TN&MT đặt câu hỏi, “Hà Nội và TP HCM tại sao không đi đầu bằng việc sử dụng phương tiện công cộng chạy điện, dùng phương pháp để người dùng xe ô nhiễm phải trả phí lớn hơn để xe cũ, Hà Nội phải yêu cầu cao và kiểm tra các phương tiện công cộng chạy bằng điện và khí sạch. Tiếp đến là quản lý chặt chẽ, với công nghệ tái chế, kiểm soát vấn đề môi trường với hoạt động cơ giới, giao thông trên địa bàn trong đó kiểm soát chặt chẽ vấn đề xe mang bùn đất ở ngoài vào. Luật bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ xem xét tái cấu trúc một số ngành có khả năng phác thải cao gồm quy hoạch điện trong đó đưa năng lượng tái tạo lên nhiều lần. Nếu điện than đều có yêu cầu xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn, vấn đề là làm nhanh hay chậm.
Nguồn sử dụng nguyên liệu hóa thạch phát thải bụi mịn và hóa thạch. Chúng ta phải xác định nguồn ngay trong chính chúng ta chứ không phải tại Quảng Ninh. TP Hà Nội và TP HCM có giải pháp kinh tế để hỗ trợ bà con chuyển sang dùng điện và khí sạch”.
Theo ông Hà, “phải giải quyết từ khâu quy hoạch phát triển, ta sẽ xem xét lại phải giữ được mặt xanh, hồ, ao, một thành phố không có hệ sinh thái để điều hòa công bằng, chúng ta chỉ có công trường, trong một đô thị phải tính đến tính cân bằng giữa phát triển nhà và các mảng xanh. Chúng ta phải mạnh tay không được khoan nhượng với các nguồn ô nhiễm, cần một kế hoạch rất chi tiết và cụ thể để giải quyết dứt điểm vấn đề này"./.
VOV