MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quick Take: 5 phút giúp hiểu rõ chuyện mua bán, khó thu thuế với "hiện tượng" lan đột biến

Quick Take: 5 phút giúp hiểu rõ chuyện mua bán, khó thu thuế với "hiện tượng" lan đột biến

Lan đột biến là gì? Có giá thế nào? Vì sao khó thu thuế? Các cơ quan chức năng xử lý ra sao?

1. Lan đột biến là gì?

Theo khái niệm về thường biến, đột biến trong sinh học, những cây hoa lan có kiểu hình đơn lẻ khác với quần thể, nhưng vẫn có khả năng sinh sản và di truyền sự khác biệt về kiểu hình đó đến đời sau thì được gọi là cây lan đột biến.

Cây lan đột biến có thể đời sau không thể hiện kiểu hình khác biệt nữa. Bởi lẽ, kiểu hình khác biệt ấy nằm trong gen lặn, nó không thể hiện kiểu hình đó khi có gen trội song hành. Còn trong trường hợp cây lan đột biến thể hiện liên tục kiểu hình khác biệt cho nhiều đời sau, khi đủ lâu, đủ số lượng cá thể các đời thì có thể tách ra thành loài mới.

2. Lan đột biến có giá thế nào?

Từ năm 2020, đã có nhiều thương vụ giao dịch những giò lan đột biến được niêm yết giá kỷ lục, từ vài tỷ đồng đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Cơn sốt này tiếp tục kéo dài đến tận năm 2021. Ngày 12/3, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá 18,8 tỷ đồng tại Hà Nam. Tiếp đó, ngày 15/3, lại có thông tin một thương vụ chuyển giao lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê.

3. Vì sao khó thu thuế?

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết: Các vụ mua bán lan đột biến truyền trên mạng giá trị vài chục tỷ đồng hay vài trăm tỷ đồng vẫn chỉ là thông tin lan truyền, chưa xác minh được hợp đồng mua bán cụ thể nào.

Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, lan thường hay lan đột biến đều là sản phẩm nông nghiệp. Nếu người dân (hoặc người nông dân) tự trồng ra và bán thì không thu thuế, kể cả giá nghìn tỷ đồng.

Việc tính thuế chỉ diễn ra khi diễn ra hoạt động thương mại, tức người mua sản phẩm của người nông dân tự làm ra và bán lại cho người thứ 3; hoặc tổ chức, doanh nghiệp tham gia sản xuất sau bán sản phẩm; hoặc cá nhân thuê người khác nuôi, trồng sau đó bán sản phẩm.

4. Tổng cục Thuế chỉ đạo gì?

Ngày 26/3, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết đã gửi công văn yêu cầu cục thuế các tỉnh, TP tăng cường quản lý thuế đối với giao dịch lan đột biến.

Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, TP triển khai việc nắm bắt tình hình về các giao dịch mua bán lan đột biến trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để xác minh thực tế và xử lý quản lý thuế theo đúng quy định của pháp luật về Quản lý thuế, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Căn cứ theo các quy định hiện hành về quản lý thuế, Tổng cục Thuế cho biết, về chính sách thuế GTGT, trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, tổ chức tự trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp Thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp Thuế GTGT.

Trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu kinh doanh thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%.

Trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bán ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

Trường hợp phát sinh giao dịch mua bán của hộ gia đình, cá nhân, thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh giao dịch mua bán lan đột biến thì thuộc diện điều chỉnh của thuế GTGT và thuế TNCN theo quy định về hoạt động kinh doanh với thuế suất thuế GTGT 1% và thuế TNCN 0,5%.

5. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nói gì?

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương cho biết, hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây chủ yếu là về cách thức "thổi giá", "làm giá ảo" để lừa đảo của một số đối tượng, được hiểu là các bên tự mua đi bán lại cây lan đột biến với giá chênh lệch rất cao. Điều này sẽ kích thích người sau mua với giá cao hơn nữa, đến khi không có người mua tiếp theo thì người đang giữ sản phẩm lan đột biến sẽ phải chịu thiệt hại vì sản phẩm không tương xứng với giá trị thực tế.

Ngoài ra, còn có một số các thông tin phản ánh đây có thể chỉ là các "chiêu trò đánh bóng tên tuổi" của các đối tượng, thực tế không có giao dịch mua bán. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi tham gia vào các giao dịch mua bán lan đột biến để tránh bị thiệt hại lớn về tài chính.

Nhã Mi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên