Quốc gia châu Á bừng tỉnh sau nhiều thập kỷ 'ngủ đông', nhà đầu tư nước ngoài thi nhau rót vốn
Gần đây Nhật Bản đón nhận một loạt thông tin tích cực. Nền kinh tế bất ngờ tăng trưởng vững chắc, lãi suất siêu thấp trong khi cả thế giới tăng lãi suất và mới đây nhất là sự quan tâm của huyền thoại Warren Buffett.
- 20-06-2023Cùng một tên gọi, Việt Nam bán giá rẻ nhưng Nhật Bản mua với giá tới 72 tỷ đồng/con: Sự khác biệt ở đâu?
- 17-06-2023Chuyện kỳ lạ ở Nhật Bản: Công ty taxi 100 năm tuổi đánh bại Uber, gã khổng lồ Mỹ bó tay trước 'hoàng tử taxi'
- 15-06-2023Khi Nhật Bản cần lao động nhưng chẳng ai muốn đến
- 12-06-2023Vì sao giới đầu tư đang dần rời bỏ Trung Quốc, chuyển sang các nước láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ?
Năm 2014, cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đứng trước camera và tuyên bố ông sẽ “khuấy động” và thay đổi hoàn toàn phong cách trầm mặc thường thấy của các công ty đang hoạt động ở Nhật Bản.
Đó thực sự là 1 nhiệm vụ khó khăn. Kiệt sức sau những năm tháng khó khăn trong thời kỳ “thập kỷ mất mát”, các doanh nghiệp Nhật Bản gần như đứng im trong nhiều năm. Họ rất hiếm khi tăng lương hay chi trả cổ tức cho cổ đông. Hậu quả kéo theo là nền kinh tế gần như không tăng trưởng.
Sức sống mới ở nền kinh tế hàng đầu châu Á
Giờ đây, gần 1 thập kỷ sau tuyên bố của ông Abe, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến tích cực và những thay đổi đó đang mang đến sức sống mới cho nền kinh tế hàng đầu châu Á.
Các cổ đông của Canon đấu tranh yêu cầu đa dạng hóa ban giám đốc. Citizen Watch cho biết sẽ mua lại cổ phiếu quỹ trong khi Uniqlo hứa hẹn tăng lương 40% cho người lao động. Sàn chứng khoán Tokyo kêu gọi các công ty để tâm tới giá cổ phiếu nhiều hơn.
Gần đây Nhật Bản đón nhận một loạt thông tin tích cực: từ nền kinh tế bất ngờ tăng trưởng vững chắc, đồng nội tệ yếu cho đến lãi suất siêu thấp trong khi cả thế giới tăng lãi suất và mới đây nhất là sự quan tâm của huyền thoại Warren Buffett. Các yếu tố cộng hưởng giúp Nhật Bản trở thành TTCK lớn tăng trưởng tốt nhất thế giới kể từ đầu năm đến nay.
Chỉ số Nikkei 225 đã tăng gần 30%, vượt trội hơn hẳn so với S&P 500. Kể từ đầu những năm 1990, chưa bao giờ Nikkei chinh phục được mức đỉnh cao như hiện tại.
Một số nhà quan sát cảnh báo trong quá khứ đã có những nhà đầu tư “cháy túi” vì quá lạc quan về sự thay đổi trong cách vận hành của các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, lần này sẽ khác.
Lợi nhuận doanh nghiệp đang cải thiện và nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang ‘tỏa sáng’. Cuối cùng lạm phát đã quay trở lại sau nhiều thập kỷ Nhật Bản chìm trong giảm phát. Chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng tốt và lượng du khách nước ngoài đang tăng lên.
“Những yếu tố cơ bản của kinh tế Nhật Bản, đặc biệt là lợi nhuận của các doanh nghiệp, đều tốt hơn so với Mỹ, châu Âu và Trung Quốc”, Yuichi Murao, lãnh đạo cấp cao của Nomura Asset Management nhận xét. “Xét trên khía cạnh tăng trưởng GDP, Nhật Bản chắc chắn sẽ vượt trội”.
Tuần trước Chính phủ nước này vừa thông báo sau khi điều chỉnh lại thì GDP Nhật Bản tăng trưởng 2,7% trong quý I, so với mức 1,6% được đưa ra trước đó. Bức tranh chung vẫn có một vài mảng tối như các tiêu dùng tư nhân giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo ông Murao, lực cầu nội địa vẫn rất mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên nhờ làn sóng chi tiêu bù sau khi dỡ bỏ các biện pháp chống dịch.
Một lý do khác để lạc quan về sức chi tiêu là đồng yên hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1990 so với USD.
2 vấn đề lâu năm được giải quyết
Nhật Bản cũng đang cải thiện đáng kể 2 vấn đề nổi cộm nhất đã tồn tại lâu năm: tiền lương và lạm phát. Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (ngoại trừ thực phẩm tươi sống) tăng 3,4% - mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.
Không giống như Mỹ và châu Âu, lạm phát tăng không phải là vấn đề gây đau đầu mà là tín hiệu đáng mừng ở Nhật Bản bởi nước này đã chìm trong giảm phát quá lâu. Và NHTW Nhật Bản đã khẳng định sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên theo Chong Hoon Park, chuyên gia của ngân hàng Standard Chartered, động lực lớn nhất thúc đẩy lạm phát ở Nhật Bản là nguồn cung bị thiếu hụt sau đại dịch chứ không phải do tăng trưởng tiền lương. Ông dự đoán sang năm lạm phát sẽ rơi xuống dưới mức mục tiêu 2% mà NHTW Nhật Bản đề ra.
Thách thức lớn của Nhật Bản là phải duy trì và mở rộng đà tăng trưởng thu nhập. Một khảo sát được thực hiện gần đây cho thấy trung bình các công ty lớn đã đồng ý tăng lương 3,9% trong năm nay, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Chính phủ Nhật Bản đang tập trung vào tăng lương và giúp người lao động dễ dàng chuyển việc hơn để theo đuổi mức lương cao hơn. Tuần trước, Thủ tướng Fumio Kishida nhắc lại rằng trong số những ưu tiên kinh tế hàng đầu của ông có “tăng lương và cải cách thị trường lao động”.
Hiệu ứng từ Warren Buffett
Trong khi đó Sàn chứng khoán Tokyo đang cố gắng thay đổi lối suy nghĩ của các doanh nghiệp. Hồi tháng 3, cơ quan này đưa ra kế hoạch buộc các công ty đang có cổ phiếu giao dịch ở mức thấp hơn giá trị sổ sách phải tăng giá cổ phiếu.
Một trong những cách dễ nhất là tăng cổ tức và mua lại cổ phiếu quỹ. Toyota và Honda đã thông báo có kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ trong năm nay. Cổ phiếu của 2 công ty đã lần lượt tăng 27% và 50% kể từ đầu năm.
Và chất xúc tác cuối cùng giúp Nhật Bản thăng hoa chính là sự đảm bảo từ Warren Buffett – người gần đây cho biết đã tăng mạnh dòng vốn đầu tư vào 5 tập đoàn lớn là Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui và Sumitomo.
Kể từ khi Buffett chia sẻ với tờ Nikkei về dự định đầu tư nhiều hơn ở Nhật Bản hồi tháng 4, các nhà đầu tư nước ngoài đã thi nhau rót vốn vào chứng khoán Nhật Bản. Một số đã chọn Nhật Bản để thay thế cho Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần đây bộc lộ nhiều vấn đề.
Tham khảo New York Times
Nhịp sống thị trường