Quốc gia châu Á được TSMC và Samsung chọn mặt gửi dự án chip hơn 100 tỷ USD
2 công ty chip hàng đầu là Samsung và TSMC đều đang thảo luận kế hoạch xây dựng những dự án chip trị giá tới 100 tỷ USD ở một quốc gia Trung Đông.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 22/9 đưa tin 2 công ty thuộc top mạnh nhất trong thị trường bán dẫn hiện tại là Samsung và TSMC đã thảo luận về việc xây dựng các dự án chip tiềm năng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong những năm tới. Giá trị của những dự án này có thể lên tới hơn 100 tỷ USD.
Lãnh đạo TSMC đã đến thăm UAE gần đây và thảo luận về khu phức hợp nhà máy sánh ngang với một số cơ sở lớn nhất và tiên tiến nhất mà họ đang có trên thế giới. Samsung, với thế mạnh trong các thiết bị điện tử, smartphone, chip nhớ cũng đang xem xét các hoạt động sản xuất chip lớn ở nước này trong những năm tới.
WSJ cho biết các cuộc thảo luận giữa Samsung và UAE vẫn đang trong giai đoạn đầu và có thể gặp phải rào cản về mặt kỹ thuật hoặc nhiều vấn đề khác. Theo điều khoản ban đầu đang được thảo luận, các dự án sẽ được UAE tài trợ, với vai trò trung tâm là công ty đầu tư Mubadala có trụ sở tại Abu Dhabi.
Nguồn tin nhấn mạnh mục tiêu xa hơn là tăng sản lượng chip toàn cầu và giúp hạ giá thành sản phẩm mà không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất chip.
Theo Viện Phát triển Quản lý quốc tế (IMD), UAE đang có nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm của các ngành công nghệ mũi nhọn như AI, bán dẫn trong thời gian tới.
Đồng sáng lập của OpenAI, Sam Altman, đã có các cuộc thảo luận liên tục với các nhà đầu tư từ UAE nhằm huy động tới 7 tỷ USD cho dự án mở rộng năng lực chế tạo chip máy tính, đặc biệt là chip cho các hệ thống AI tạo sinh như GPT.
Một dự án đồ sộ như vậy có khả năng định hình lại ngành công nghiệp bán dẫn, hiện đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt khi nhu cầu về chip AI tăng vọt. UAE, mặc dù hiện đang nắm giữ một phần nhỏ trong chiếc bánh sản xuất chất bán dẫn, đang có chiến lược đầy tham vọng nhằm giành phần trong cuộc chiến vi mạch.
Một ví dụ điển hình là Chiến dịch 300 tỷ của UAE, nhằm mục đích nâng cao đóng góp của khu vực công nghiệp vào GDP lên hơn 300 tỷ AED (80 tỷ USD) vào năm 2031.
" Những cường quốc kinh tế này hướng đến mục tiêu nâng cao năng suất và thúc đẩy nội địa hóa trong các lĩnh vực then chốt, trong đó công nghiệp hóa và số hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu ", Tiến sĩ Anil Khurana, CEO của Trung tâm Baratta về Kinh doanh Toàn cầu và Giáo sư Nghiên cứu tại Trường Kinh doanh McDonough của Đại học Georgetown cho biết, nói thêm: " Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng khu vực Trung Đông đang chuẩn bị đóng vai trò quan trọng trong các sản phẩm sản xuất công nghệ cao, với giá trị tiềm năng là 125 tỷ USD, trong đó sản xuất chất bán dẫn nổi lên như một động lực chính ".
Cùng với Ả Rập Xê-út, hai cường quốc kinh tế lớn của Trung Đông quản lý một số quỹ đầu tư mạnh nhất thế giới, càng giúp họ thúc đẩy tham vọng sản xuất chip của mình.
vtcnews.vn