Quốc gia châu Âu đầu tiên từ chối mua khí đốt của Nga, một nước khác bị "khóa van"
Chính phủ Lithuania hôm qua cho biết họ đã ngừng mọi hoạt động mua khí đốt tự nhiên của Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán bằng đồng rúp.
- 03-04-2022Phương Tây đang trả giá vì kế hoạch trừng phạt nhằm “nhấn chìm” nền kinh tế Nga
- 03-04-2022Đồng rúp Nga hồi phục thần kỳ nhưng Mỹ vẫn khăng khăng lệnh trừng phạt đang rất hiệu quả
- 02-04-2022Nga sẽ đạt doanh thu khí đốt cao kỷ lục, “vô hiệu hóa” lệnh trừng phạt của phương Tây
- 02-04-2022Hàng nghìn thùng container có liên quan đến Nga vẫn chưa "thấy ánh mặt trời", "trái tim" của kinh tế châu Âu đứng trước khủng hoảng
- 02-04-2022Tài sản của 10 tỷ phú giàu nhất nước Nga thay đổi thế nào sau 3 tháng đầu năm?
Trong tuyên bố chính thức, Lithuania khẳng định động thái của Nga sẽ chẳng mang ý nghĩa gì khi họ đã đoạn tuyệt với khí đốt Nga. Đây là quốc gia đầu tiên thuộc Liên minh châu Âu (EU) "cai nghiện" năng lượng của Nga. Bộ trưởng Năng lượng Dainius Kreivys tuyên bố Lithuania đã chuẩn bị nhiều năm để có thể đi đến quyết định này.
Theo đó, nguồn cung khí đốt Nga đã được ngắt kết nối với mạng lưới phân phối khí của Lithuania từ 1/4. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu tại cảng Klaipeda trên bờ biển Baltic. Họ có những đơn hàng lớn hàng tháng. Ngoài ra, khí đốt cũng có thể được cung cấp thông qua Latvia và Ba Lan nếu cần thiết.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cũng là người kêu gọi châu Âu cai nghiện năng lượng Nga mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, 40% nhu cầu khí đốt và 30% nhu cầu dầu mỏ của châu Âu do Nga cung cấp. Việc tìm kiếm cá nguồn cung thay thế, nhất là ở thời điểm các quốc gia xuất khẩu năng lượng đều từ chối gia tăng sản lượng, là điều bất khả thi.
Ngay cả trong EU, cũng có những tiếng nói phản đối. Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng nói rằng việc cấm vận năng lượng Nga sẽ đẩy châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng. Khi đó, người chịu khổ lại chính là người dân châu Âu, những người đã dành một phần không nhỏ trong thu nhập cho lương thực và năng lượng.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban thì nhấn mạnh rằng một số quốc gia, bao gồm cả quốc gia của ông, sẽ không thể đoạn tuyệt với nguồn cung khí đốt Nga. Nga là quốc gia xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới và quay lưng với năng lượng Nga đồng nghĩa với giá dầu và khí đốt toàn cầu sẽ tăng phi mã.
Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Shell của Anh đã trở thành cái tên đầu tiên không thể mua năng lượng Nga sau khi Tổng thống Putin yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp. Không giống các nước châu Âu khác, Anh đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Gazprombank của Nga. Điều này khiến các công ty Anh không thể thanh toán khí đốt bằng đồng rúp hay bất cứ đồng tiền nào.
Theo quy định thanh toán mà Nga ban hành, các quốc gia phải mở tài khoản ở Ngân hàng Gazprombank – vốn chưa bị châu Âu trừng phạt. Ngân hàng này sẽ tự quy đổi sang đồng rúp để thanh toán tiền mua khí đốt của Nga. Việc này giúp cho hoạt động mua bán khí đốt được tiến hành trơn tru và châu Âu không bị khóa van.
Trong khi đó, Anh cũng là quốc gia hiếm hoi ở châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào năng lượng Nga, một động thái nối tiếp Mỹ. Tuy nhiên, nước Anh chưa đoạn tuyệt với năng lượng Nga ngay lập tức mà để thời gian để tìm nguồn cung mới. Động thái gần đây của Moscow sẽ buộc London phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình này.
Khi mối quan hệ giữa Nga và châu Âu trở nên căng thẳng, Moscow tìm kiếm các khách hàng khác ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc. Việc khí đốt Nga được bán với giá chiết khấu rất cao đã khiến hai nền kinh tế với gần 3 tỷ dân này bỏ qua mọi áp lực từ phương Tây để tiếp tục nhập khẩu năng lượng Nga.
Tham khảo: RT