Quốc gia châu Âu nào đầu tư nhiều tiền nhất vào Việt Nam?
Tính đến nay, 35 nước châu Âu đã đầu tư khoảng 35 tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó, một quốc gia châu Âu chiếm 40% tổng vốn đầu tư của các nước châu Âu vào Việt Nam.
- 17-05-2023Khu công nghiệp gần cảng biển nước sâu lớn số 1 Việt Nam nhất
- 16-05-2023Địa phương duy nhất có đường hầm vượt sông
- 15-05-2023Tỉnh duy nhất có thu nhập bình quân thấp hơn mức trung bình nhưng quy mô GRDP thuộc top 10 cao nhất cả nước
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/04/2023, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,87 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo ngành, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 265,5 tỷ USD (chiếm 59,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 67 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với hơn 38,3 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư).
Tính đến này, đã có 143 nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 81,5 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với hơn 73 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc).
Cùng với đó, Việt Nam đã được 35 quốc gia đầu tư vào trong nhiều năm qua. Cụ thể, tính lũy kế đến nay, các quốc gia châu Âu đã đầu tư hơn 35 tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó, Hà Lan là quốc gia châu Âu đầu tư nhiều tiền nhất, khoảng 14 tỷ USD, xếp thứ 8 trong tổng số các quốc gia đầu tư nhiều tiền nhất vào Việt Nam.
Quy mô dự án bình quân của Hà Lan là 33,22 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung của cả nước là 12,03 triệu USD/dự án.
Theo ngành, các dự án đầu tư của Hà Lan đầu tư vào 17 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, nhưng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn gần 5 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm đến 35,71% tổng vốn đầu tư.
Cùng với đó, lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3 USD chiếm 21,43% tổng vốn đầu tư. Còn lại là những ngành khác như: khai khoáng chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư, bán buôn bán lẻ chiếm 5,5% tổng đầu tư,...
Theo địa bàn đầu tư, Hà Lan hiện đã có đầu tư tại hơn 30 (kể cả Dầu khí ngoài khơi) tỉnh, thành của Việt Nam. Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu về vốn đầu tư của Hà Lan tại Việt Nam, chiếm 20,7% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ hai là TP Hồ Chí Minh chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư. Đây cũng là địa bàn thu hút nhiều dự án đầu tư của Hà Lan nhất cả nước. Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ ba, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai và các địa phương khác.
Một số dự án tiêu biểu của Hà Lan tại Việt Nam như: Dự án Công ty TNHH điện lực AES-TKV Mông Dương 2 (BOT nhiệt điện Mông Dương 2), tổng vốn đầu tư là 2,14 tỷ USD với mục tiêu đầu tư thiết kế, xây dựng, vận hành nhà máy nhiệt điện than 1200MW tại Quảng Ninh.
Dự án Cty TNHH Intel Products Việt Nam, tổng đầu tư là 1,04 tỷ USD với mục tiêu sản xuất các sản phẩm chip mang nhãn hiệu Intel, dự án đầu tư tại TP Hồ Chí Minh; Dự án HĐHTKD dầu khí Nam Côn Sơn, tổng đầu tư là 607,08 triệu USD với mục tiêu thiết kế xây dựng vận hành đường ống khí, dự án đầu tư Dầu khí ngoài khơi.
Trong chuyến thăm chính thức Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, Bộ Ngoại giao Hà Lan phối hợp tổ chức vào cuối năm 2022, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Hà Lan yên tâm đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Thủ tướng nhấn mạnh, rất mong các nhà đầu tư Hà Lan thấu hiểu chủ trương của Việt Nam, từ đó rút kinh nghiệm từ các dự án đã triển khai, điều chỉnh những vấn đề cần thiết. Đầu tư thì có lúc lỗ, có lúc lãi, nhưng về tổng thể có lãi là được.
Nhịp sống kinh tế