Quốc gia có tỷ lệ đàn ông không muốn kết hôn còn cao hơn phụ nữ, mọi người thà xem hoạt hình còn hơn ra ngoài gặp người thật
Cứ 4 người ở độ tuổi 30 thì có 1 người nói rằng họ không có kế hoạch kết hôn. Các nhà phân tích nói rằng đó là do áp lực tài chính ngày càng tăng và mong muốn sống mà không có nghĩa vụ xã hội.
- 09-03-2023Nghịch lý tại quốc gia hàng đầu châu Á: Nơi loạt chương trình hẹn hò nở rộ nhưng người trẻ vẫn thờ ơ và từ chối hôn nhân
- 08-03-2023Một vỏ quýt khô nhỏ bé bình thường lại là bảo vật gia truyền của người Trung Quốc: Tuổi thọ càng cao càng "hái" ra tiền, có khi lên tới 42 triệu/kg
- 07-03-2023Căn nhà cổ rộng 3 mẫu đất được trả 1 tỷ NDT cũng không chịu phá bỏ ở Trung Quốc: Bí mật đằng sau khiến chủ đầu tư "5 lần 7 lượt" tìm đến thương lượng nhưng phải chịu thua gia chủ
- 05-03-2023Một loại gia vị được Trung Quốc tự nhận là đặc sản bản địa, nhưng người Thái lại "thức thời" đăng ký thương hiệu trước tiên và thu lợi gần 14 tỷ đồng
- 03-03-2023Quốc gia nắm giữ mỏ tài nguyên cả thế giới khao khát: Tại sao người dân "kịch liệt" phản đối khai thác dù lợi nhuận kếch xù?
Ở tuổi 37, Sho nói rằng anh hài lòng với cuộc sống. Anh ấy có một công việc được trả đủ tiền sống thoải mái, có những người bạn mình thường xuyên gặp gỡ, nhiều sở thích khác nhau và thời gian để tận hưởng chúng. Điều duy nhất anh ấy không có là vợ, và chuyện này hoàn toàn ổn.
Một báo cáo do chính phủ Nhật Bản công bố trong tháng 1 vừa qua chỉ ra rằng Sho là một trong số ngày càng nhiều người ở độ tuổi 30 chưa từng kết hôn và không có ý định kết hôn. Và đó là một vấn đề gây lo ngại nghiêm trọng ở một quốc gia đang chứng kiến dân số già đi nhanh chóng.
Theo báo cáo về giới tính năm 2022 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, 25,4% phụ nữ ở độ tuổi 30 và 26,5% nam giới cùng độ tuổi nói rằng họ không muốn kết hôn. Tương tự, hơn 19% nam giới ở độ tuổi 20 và 14% phụ nữ không có kế hoạch hôn nhân.
Ngày càng ít người kết hôn
Thống kê năm 2021 chỉ có 514.000 cuộc hôn nhân được đăng ký tại Nhật Bản, đánh dấu con số hàng năm thấp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II vào năm 1945 và giảm mạnh so với 1,029 triệu đám cưới vào năm 1970.
Phụ nữ tham gia khảo sát cho biết họ ngại kết hôn vì thích tự do, muốn có sự nghiệp viên mãn và không muốn chịu gánh nặng của người nội trợ truyền thống như làm việc nhà, nuôi dạy con cái và chăm sóc cha mẹ già.
Lý do chính mà đàn ông không muốn kết hôn thậm chí với tỷ lệ còn cao hơn nữ giới cũng là vì muốn có tự do cá nhân. Nhưng nhiều người cũng cho biết thêm các nguyên nhân khác để tiếp tục độc thân bao gồm lo ngại không thể có công việc và kiếm đủ tiền để nuôi cả gia đình.
Sho, một nhân viên văn phòng sống ở tỉnh Saitama, phía bắc Tokyo là một ví dụ điển hình như thế.
"Tôi rất vui", anh nói. "Tôi có thể làm những việc tôi muốn mọi lúc và không phải nghĩ về bất kỳ ai khác. Tôi có thể thức khuya để chơi trò chơi điện tử hoặc xem bất kỳ bộ phim nào ở rạp chiếu phim mà mình muốn hoặc thoải mái gặp gỡ bạn bè. Tôi thích điều đó".
"Tất nhiên, một số bạn bè của tôi đã kết hôn. Họ đều đã thay đổi và tôi không còn gặp họ nhiều nữa. Điều đó tốt cho họ, nhưng có bạn gái hoặc kết hôn dường như nhìn chung khá rắc rối", Sho nói với DW.
Trong phần kết luận, báo cáo của Văn phòng Nội các cho biết: "Tư tưởng về gia đình Nhật Bản đã thay đổi và hôn nhân không còn được coi là dấu mốc an toàn để đảm bảo một cuộc sống ổn định".
Tỷ lệ sinh giảm mạnh
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đất nước mặt trời mọc đã công bố số liệu thống kê cho thấy có 770.000 trẻ được sinh ra vào năm 2022 - ít hơn 4 khoảng 0.000 trẻ so với năm trước và tiếp tục tạo ra kỷ lục thấp mới.
Bộ cho biết tác động của đại dịch COVID-19 đã có thể thấy rõ khi nhìn vào tỷ lệ sinh giảm. Số con trung bình mà một phụ nữ Nhật Bản sẽ có trong suốt cuộc đời - giảm năm thứ 6 liên tiếp xuống còn 1,30. Và với 1,58 triệu người Nhật Bản chết trong cùng một năm, gấp đôi số người sinh, dân số của nền kinh tế thứ 3 thế giới đang giảm nhanh hơn dự kiến.
Aya Fujii, một nhà tâm lý học hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho một dự án của chính phủ ở Tokyo chỉ ra rằng tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã giảm kể từ những năm 1970, nhưng vấn đề hiện nay đã trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều và chính phủ dường như đang đấu tranh để tìm ra cách giải quyết.
"Có một số lý do mà tôi thấy trong xã hội. Một là không giống như ở các quốc gia khác, tiền lương ở đây về cơ bản vẫn giữ nguyên trong nhiều năm. Và điều đó có nghĩa là nhiều người trẻ coi việc cố gắng lập gia đình là một gánh nặng tài chính quá lớn. Nhiều phụ nữ đã chọn đi làm thay vì lập gia đình, đồng thời một số lượng lớn hơn phát hiện ra rằng họ thực sự thích có một sự nghiệp và muốn tiếp tục. Áp lực của công việc khiến việc lập gia đình càng trở nên khó khăn hơn, vì vậy thế hệ phụ nữ đi làm này ngày càng thích sống độc thân".
Sở thích dành cho anime còn lớn hơn các mối quan hệ thực tế
"Tôi cũng thấy nhiều người trẻ bây giờ thích truyện tranh manga và anime hơn là gặp gỡ và nói chuyện với mọi người ngoài đời thực", Fujii nói. "Các nhân vật trong manga và anime đa dạng, thú vị hấp dẫn và không cãi lại lời bạn và "giao tiếp" với họ dễ dàng hơn đối với nhiều người".
"Tôi nghĩ rằng rất nhiều người trẻ ngày nay thiếu các kỹ năng xã hội và điều đó càng trở nên tồi tệ hơn khi nhiều gia đình hiện nay chỉ có một con, vì vậy đứa trẻ đó lớn lên không tương tác hoặc phát triển các kỹ năng xã hội mà chúng cần trong cuộc sống", cô nói thêm.
Fujii tin rằng dân số xứ sở Phù Tang sẽ không ngừng giảm trong tương lai gần. "Cuối cùng, những người Nhật Bản ở độ tuổi 20 và 30 không thể giao tiếp với người khác giới sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm bạn đời và mô hình dân số giảm của quốc gia sẽ tiếp tục", cô nói.
Nguồn: DW
Thể thao văn hóa