Quốc gia cứ 5 phút có 1 người chết vì Covid-19 trong tháng 10
Trong tháng 10, cứ 5 phút Romani lại có 1 người tử vong vì Covid-19 mà phần lớn là bệnh nhân chưa tiêm phòng vắc xin.
- 29-09-2021Nga vừa trải qua "ngày chết chóc nhất" vì Covid-19 kể từ đầu đại dịch
- 23-09-2021Cứ mỗi 43 giây có một người chết vì dịch Covid-19 ở Mỹ
- 26-07-2021Biên giới Campuchia "báo động" vì COVID-19, bệnh nhân nguy kịch chết trên đường đi cấp cứu
Theo số liệu chính thức được chính phủ Romani công bố, trong tháng 10, nước này ghi nhận 5 phút lại có 1 người tử vong vì Covid-19. Tình trạng này xảy ra do chiến dịch tiêm phòng vắc xin Covid-19 của Romani đang bị trì trệ và bệnh viện quá tải do số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện điều trị.
Hôm 19/10, quốc gia Đông Âu báo cáo có số ca mới mắc Covid-19 cao nhất trong 1 ngày với con số 18.800, cùng số ca tử vong đạt kỷ lục 574 trường hợp.
Trong tháng 10, Romani ghi nhận cứ 5 phút có 1 người chết vì Covid-19. (Ảnh: Reuters)
Bình luận về tình trạng nghiêm trọng mà hệ thống y tế đang phải đối mặt, bác sĩ làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) Claudiu Ruscu cảnh báo, “hiện không có đủ phòng bệnh để điều trị cho những bệnh nhân cần chăm sóc”. Ông Ruscu cũng cáo buộc chính tình trạng người dân không đi tiêm vắc xin Covid-19 đã trở thành cơ hội để dịch bệnh lây lan nhanh chóng.
“Nếu tỷ lệ tiêm phòng là từ 70 – 80%, số người chết sẽ thấp hơn 10 lần”, ông Ruscu nói với Reuters.
Trong tổng số 42.000 bệnh nhân Covid-19 tử vong từ đầu mùa dịch, 13% trong số này qua đời trong tháng 10. Đáng nói, 90% ca tử vong là bệnh nhân chưa tiêm vắc xin Covid-19.
Số liệu chính thức được Romani công bố hôm 19/10 cho thấy, số ca tử vong vì Covid-19 trong tháng 10 tương đương cứ 5 phút lại có 1 người chết vì nhiễm virus corona.
Romani, quốc gia sinh sống của khoảng 9 triệu dân, thông báo tính tới ngày 18/10, hơn 6 triệu người dân nước này đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19. Ngoài ra, mới chỉ có 36% người trưởng thành Romani đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19.
Tuy nhiên, Romani hiện là quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 thấp thứ 2 trong khối Liên minh châu Âu (EU) chỉ sau Bulgari. Trong khi đó, tính trung bình tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 toàn khối EU là 74%.
Cuối tuần trước, quốc gia láng giềng Hungary cho biết sẽ hỗ trợ Romani điều trị cho 50 bệnh nhân Covid-10 cần nằm ICU tại 2 bệnh viện, trong bố cảnh y tế Romani gần như sụp đổ vì quá tải người bệnh.
Hồi đầu tháng này, hàng ngàn người đã tụ tập ở thủ đô Bucharest của Romani để phản đối chính phủ áp dụng quy định hộ chiếu vắc xin, lệnh giới nghiêm đối với những người chưa tiêm vắc xin Covid-19, kèm theo các quy định giới hạn mới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Hệ thống y tế sụp đổ
Đoạn video được đài truyền hình Romani công khai cho thấy, do toàn bộ giường bệnh trong phòng cấp cứu tại các bệnh viện ở thủ đô Bucharest đã có người nằm, nhiều bệnh nhân không còn cách nào khác là phải trải chiếu nằm dưới sàn nhà hoặc cầm bình oxy ngồi dọc lối hành lang bệnh viện. Các nhà tang lễ cũng đang quá tải xử lý thi thể bệnh nhân Covid-19.
Hiện Romani có hơn 1.800 bệnh nhân Covid-19 đang nằm trong ICU. Tại thủ đô Bucharest, hàng dài xe cứu thương xếp hàng bên ngoài Bệnh viện Các Bệnh truyền nhiễm Matei Bals, nơi hành lang cũng đang được trưng dụng để làm chỗ đặt giường bệnh.
Tổng thống Romani Klaus Iohannis đã gọi tình hình hiện tại là “thảm kịch của quốc gia”, đồng thời hối thúc người dân đi tiêm phòng.
“Đã có 574 trái tim người dân Romani ngừng đập, bởi họ đã thua trong cuộc chiến chống virus corona. Cách đây vài tuần, họ còn sống vui vẻ, có ước mơ và lập kế hoạch cho tương lai, nhưng nay chỉ còn nước mắt và nỗi đau buồn cho những người đi viếng”, ông Iohannis nhấn mạnh trong cuộc họp báo hôm 19/10.
Theo Reuters, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 thấp cho thấy sự mất tin tưởng của người dân Romani với chính phủ, thông tin sai sự thật tràn lan, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém và khả năng vận động người dân tham gia chiến dịch tiêm vắc xin còn yếu.
Một chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã được cử tới Romani vào ngày 19/10 để bắt đầu chuyến công tác kéo dài 60 ngày nhằm đưa ra các khuyến cáo về tiêm chủng cho quốc gia Đông Âu. Chuyên gia này còn mang theo 34.000 kit xét nghiệm nhanh Covid-19 và khoảng 200 máy tạo oxy tới Romani.
Chính phủ của Thủ tướng Florin Citu đã không thể hoàn thành mục tiêu tiêm vắc xin Covid-19 cho 10 triệu dân tính tới tháng Chín, bởi thực tế là chưa tới 6 triệu người đã tiêm phòng. Trong giai đoạn mùa hè, chính phủ Romani đã cho xóa bỏ các giới hạn phòng dịch Covid-19 bất chấp tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 trong nước còn ở mức thấp.
Romania hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tính theo đầu người ở mức cao nhất thế giới, theo số liệu của Our World In Data.
Quốc gia EU hiện ghi nhận 18,2 ca tử vong trên 1 triệu người dân, đứng thứ 2 trên thế giới sau đảo quốc Saint Vincent và Grenadines. Để hỗ trợ Romania, các nước EU cũng đã gửi thuốc và thiết bị điều trị.
Kể cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống chăm sóc y tế của Romani đã rơi vào khủng hoảng, do nạn tham nhũng và hoạt động thiếu hiệu quả. Romania là một trong những nước có hệ thống cơ sở hạ tầng y tế kém phát triển nhất trong EU.
Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng còn thấp khiến số ca mới mắc và tử vong vì Covid-19 tại Nga tăng nhanh. |
Châu Âu tái áp đặt lệnh phong tỏa
Tại Latvia, chính phủ nước này đã tuyên bố áp đặt 30 ngày phong tỏa do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng.
Phần lớn trường học, nhà hàng và các địa điểm giải trí sẽ bị đóng cửa trong gần 1 tháng từ ngày mai (21/10), và lệnh giới nghiêm sẽ được thi hành tới ngày 15/11.
Sau cuộc họp khẩn cấp hôm 19/10, Thủ tướng Latvia Krišjānis Kariņš nhấn mạnh việc thi hành các biện pháp mạnh mẽ là cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Latvia cho hay, cứ 100.000 người thì có 864 người tử vong vì Covid-19. Latvia hiện cũng nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.
Đáng nói, mới chỉ có hơn 50% dân số Latvia đã tiêm đầy đủ vắc xin Covid-19. Thủ tướng Kariņš thừa nhận, chính phủ đã thất bại trong công tác vận động người dân đi tiêm phòng.
Trong khi đó, Thủ tướng Slovenia Janez Janša đổ lỗ cho số ca mới mắc Covid-19 tăng nhanh là do làn sóng biểu tình phản đối tiêm vắc xin và các quy định hạn chế phòng dịch.
Cũng trong ngày 19/10, Nga tiếp tục ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 giờ cao kỷ lục với 1.015 trường hợp, cùng 33.740 ca mới nhiễm virus corona.
Tình trạng dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng trong những tuần gần đây xảy ra do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 tại Nga còn thấp và chính phủ đã cho xóa bỏ nhiều quy định hạn chế để phòng dịch.
Quốc gia láng giềng Ukraine có 45 triệu dân cũng xác nhận kỷ lục người chết vì Covid-19 trong 1 ngày với 538 ca hôm 19/10. Thậm chí, riêng thủ đô Kiev có thêm 15.579 người mới mắc Covid-19 trong ngày 19/10.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hơn 61.000 người được xác nhận tử vong vì nhiễm virus corona ở Ukraine. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 ở Ukraine hiện rất thấp do thiếu nguồn cung và số người từ chối tiêm phòng còn ở mức cao.
Infonet