Quốc gia ĐNÁ lập đặc khu kinh tế với Singapore, chuyển đổi loạt đồn điền dầu cọ thành xây trung tâm AI phục vụ Nvidia, Microsoft
Đây là quốc gia đứng đầu thị trường trung tâm dữ liệu tăng trưởng nhanh nhất châu Á.
- 20-07-2024Công nghệ của Trung Quốc lại khiến thế giới ngỡ ngàng: Cho ra đời máy bay không người lái nhẹ hơn cả máy bay giấy, chạy năng lượng mặt trời và khắc phục được điểm yếu nhất của thiết bị
- 20-07-2024Quốc gia được dự báo vượt Mỹ, Anh để trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất G7 vào năm 2025
- 20-07-2024Nhật Bản cắt giảm dự báo tăng trưởng, Thủ tướng Kishida gióng hồi chuông cảnh báo đồng yên yếu
Tại nơi từng chỉ là rừng rậm và đồn điền dầu cọ phía Nam Malaysia, TikTok, Nvidia và Microsoft đang chạy đua thiết lập các nền tảng của nền kinh tế số: trung tâm dữ liệu. Hàng tỷ USD đang được đầu tư vào tiểu bang Johor, chỉ cách Singapore vài km, bởi các công ty muốn tận dụng lợi thế đất rẻ và nguồn năng lượng dồi dào cho cơ sở hạ tầng máy tính trong khi vẫn gần trung tâm tài chính lớn nhất Đông Nam Á. Vận mệnh của Johor có thể sớm được gắn chặt với người hàng xóm giàu có.
Quốc vương Malaysia ủng hộ nỗ lực gắn kết tiểu bang của mình với Singapore trong một khu vực kinh tế duy nhất, dự kiến bao gồm các khoản giảm thuế và thương mại xuyên biên giới thuận lợi. Malaysia kỳ vọng Johor có thể trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế kỹ thuật số khu vực, cũng giống như Thâm Quyến đã từng đóng góp cho sự tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc.
“Johor có thể trở thành Thâm Quyến của Đông Nam Á”, Tengku Zafrul Aziz, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, cho biết. “Ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu có thể tạo thành xương sống cho quá trình chuyển đổi rộng lớn hơn của tiểu bang thành một cường quốc sản xuất công nghệ cao”.
Sự bùng nổ ở Johor diễn ra sau khi Singapore, quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng hạn chế, ban hành lệnh hoãn xây dựng các trung tâm dữ liệu ngốn nhiều điện trong 3 năm vào năm 2019. Johor thúc đẩy đầu tư bằng cách cắt giảm thời gian phê duyệt từ hơn 3 tháng xuống còn 7 ngày.
Theo số liệu từ Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia, đầu tư nước ngoài vào quốc gia có 4 triệu dân này đạt 58,8 tỷ RM (12,6 tỷ USD) vào năm 2022 và 31 tỷ RM vào năm 2023, so với 10 tỷ RM vào năm 2019. Theo Mida, tăng trưởng kinh tế của Johor dự kiến sẽ vượt xa dự báo quốc gia cho đến năm 2025.
Theo Adi Yaacob, giám đốc cấp cao của JLand Group, đơn vị phát triển, tại Công viên công nghệ Sedenak của Johor, giá đất đã tăng từ khoảng 40 RM/ft vuông cách đây vài năm lên khoảng 70 RM đến 80 RM. Tập đoàn này là một phần của Johor Corporation, công ty phát triển nhà nước.
Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, Malaysia hiện đứng đầu danh sách các thị trường trung tâm dữ liệu tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Nghiên cứu của Morgan Stanley dự đoán quốc gia này sẽ chiếm phần lớn thị trường trung tâm dữ liệu Đông Nam Á xét về năng lực vào năm 2035 nhờ vị trí địa lý gần Singapore.
Theo Yeoh Seok Hong, giám đốc điều hành của YTL Power International, động lực tiếp theo sẽ đến từ các công ty trí tuệ nhân tạo muốn xây dựng mô hình đào tạo hoặc nền tảng AI tại Malaysia. Công ty của ông đã đạt được thỏa thuận trị giá 4,3 tỷ USD để xây dựng một trung tâm dữ liệu AI tại Johor với Nvidia. Giá cổ phiếu YTL Power đã tăng hơn 100% trong năm nay kể từ khi thông tin được công bố.
Trong khi đó, ByteDance, chủ sở hữu người Trung Quốc của TikTok, có kế hoạch đầu tư khoảng 10 tỷ RM để thành lập một trung tâm AI tại Malaysia, Bộ trưởng Tengku Zafrul Aziz cho biết vào tháng 6. Microsoft cũng đã thâu tóm các địa điểm và gần đây mua đất ở Johor để mở rộng. Tất cả mở đường cho việc thành lập một SEZ (đặc khu kinh tế) với Singapore.
“Vị vua hiện tại rất ủng hộ doanh nghiệp và muốn Johor thành công. Tôi nghĩ Johor cần thứ gì đó giống như SEZ để tiến lên phía trước”, Govinda Singh, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn bất động sản Colliers International cho biết.
Dẫu vậy, ông vẫn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong quá khứ, bao gồm các dự án bị đình trệ. Kế hoạch về tuyến đường sắt cao tốc giữa Singapore và Kuala Lumpur đã phải hủy bỏ sau khi 2 nước không đạt thỏa thuận.
Bên cạnh đó, nhiều người tự hỏi liệu sự gia tăng của trung tâm dữ liệu có tăng áp lực lên các nguồn tài nguyên trong khi không tạo ra nhiều việc làm. Malaysia vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả than đá, để cung cấp phần lớn năng lượng. Nhiều nhà cung cấp điện toán đám mây đầy tham vọng không có kế hoạch cho năng lượng tái tạo.
Liew Chin Tong, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia, cho biết ông “cảm thấy không thoải mái” và muốn có các yêu cầu chặt chẽ hơn về việc sử dụng nước và năng lượng tái tạo trong các trung tâm dữ liệu.
“Điều tôi quan tâm nhất là tìm ra sự cân bằng. Chúng tôi cũng muốn đảm bảo các trung tâm dữ liệu sẽ tạo ra sự lan tỏa tích cực đến nền kinh tế cũng như tạo ra việc làm cho người Malaysia”, ông nói.
Một kỹ sư làm việc tại nhà máy chế tạo của Micron, công ty bán dẫn khổng lồ của Mỹ tại Singapore, cho biết anh dự định mua bất động sản ở Johor trong năm nay để chuẩn bị cho SEZ. “Tôi có thể mua được một ngôi nhà ở Johor thay vì một căn hộ nhỏ, đắt tiền ở Singapore”, anh nói.
Theo Lee Ting Han, thành viên hội đồng điều hành của bang Johor, kế hoạch SEZ sẽ khiến Johor trở nên hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia và kỹ sư trẻ.
“Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó, mọi người sẽ coi việc đầu tư vào Johor giống như đầu tư vào Singapore. Johor luôn được coi là "miền Tây hoang dã ở Malaysia”, Greg O'Shea, giám đốc công ty tư vấn chuỗi cung ứng TMX Transform, cho biết. “Điều đó thực sự đang bắt đầu thay đổi”.
Được biết hồi đầu năm nay, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và người đồng cấp Singapore Lý Hiển Long đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Rafizi Ramli và Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong, theo đó thành lập Đặc khu Kinh tế Johor-Singapore (JS-SEZ).
Lễ ký kết diễn ra tại bang Johor, giáp biên giới với Singapore.
Theo: Financial Times
An Ninh Tiền Tệ