Nhật Bản cắt giảm dự báo tăng trưởng, Thủ tướng Kishida gióng hồi chuông cảnh báo đồng yên yếu
Ngày 19/7, chínnh phủ Nhật Bản đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2024, vì đà phục hồi chưa vững chắc. Tiêu dùng bị ảnh hưởng vì đồng yên yếu khiến chi phí nhập khẩu tăng.
- 18-07-2024Đồng yên bất ngờ chạm đỉnh trong hơn 1 tháng, nghi vấn Nhật Bản can thiệp ngày một tăng
- 17-07-2024Đồng yên bất ngờ tăng giá sau khi gần chạm đáy 40 năm: Rộ tin Nhật Bản 'bí mật' chi hàng chục tỷ USD để can thiệp
- 16-07-2024Mấp mé đáy 40 năm, nhiều người dân Nhật Bản tiếp tục tạo "áp lực vô hình" lên đồng yên mà không hề hay biết: Thâm hụt kỹ thuật số
Chính phủ Nhật Bản đã công bố dự báo tăng trưởng kinh tế vào tháng 1 sau đó sửa đổi vào tháng 7. Đây là cơ sở để lập ngân sách nhà nước.
Trong lần sửa đổi mới, chính phủ Nhật Bản cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế từ mức dự kiến 1,3% vào tháng 1 xuống còn 0,9% cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025.
Dự báo mới được sửa đổi vẫn cao hơn ước tính của lĩnh vực tư là 0,4%, phản ánh hy vọng của chính phủ rằng việc tăng lương, cắt giảm thuế và gia hạn trợ cấp nhiên liệu sẽ thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.
Dù hạ dự báo tăng trưởng năm nay, Nhật Bản cho rằng đà tăng trưởng sẽ tăng tốc vào năm tới, nhờ chi tiêu vốn và tiêu dùng mạnh mẽ. Nhật Bản ước tính nền kinh tế sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm tài chính 2025. Nước này cũng giữ quan điểm rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu nội địa.
Tuy nhiên, một số thành viên trong Hội đồng Kinh tế hàng đầu của nước này bày tỏ lo ngại về sự suy yếu trong tiêu dùng và sự sụt giảm của đồng yên, là yếu tố đang tác động đến các hộ gia đình.
Một số thành viên thuộc khu vực tư của hội đồng phát biểu trong cuộc họp thảo luận về các dự báo tăng trưởng rằng: “Chúng ta không thể bỏ qua tác động của đồng yên yếu và giá cả tăng đối với sức mua của các hộ gia đình”.
“Chính phủ và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) phải định hướng chính sách dưới sự theo dõi sát sao về sự sụt giảm gần đây của đồng yên”, họ cho biết thêm.
Theo hãng tin Kyodo, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại cuộc họp rằng chính phủ phải cảnh giác về tác động của giá cả tăng cao (một phần do đồng yên yếu) đối với nền kinh tế.
Trong khi đồng yên yếu mang lại động lực cho các nhà xuất khẩu, nó lại trở thành mối lo đối với các nhà hoạch định chính sách. Vì tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng khi chi phí nhiên liệu và thực phẩm nhập khẩu tăng.
Trong tháng này, chính phủ Nhật Bản bị nghi đã can thiệp để ngăn chặn đà giảm của đồng yên. Điều này khiến thị trường chuyển sự chú ý sang câu hỏi liệu BOJ có tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày kết thúc vào ngày 31/7 hay không.
Các nguồn tin của Reuters cho biết BOJ cũng có khả năng cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm tài chính này. Hiện cơ quan này dự báo GDP tăng trưởng 0,8% trong năm tài chính hiện tại.
Theo Reuters
Nhịp Sống Thị Trường