MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc gia được Nga và Ukraine tin cậy để làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình

26-09-2024 - 11:15 AM | Tài chính quốc tế

Ấn Độ có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải cho thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine, hoặc ít nhất là nhân tố duy nhất có thể khẳng định bản thân là một bên trung lập với cả Moscow và Kiev.

Hy vọng lớn nhất của Ukraine

Ukraine đã tìm thấy một nhà trung gian hòa giải phù hợp để giúp chấm dứt cuộc xung đột với Nga: Đó là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Như một phần trong mối quan hệ ngoại giao đang nảy nở, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp Thủ tướng Modi vào tối 23/9 (giờ địa phương) ở New York và trong thời gian đó, hai nhà lãnh đạo cùng các quan chức đi cùng mình đã thảo luận về lộ trình hướng tới một thỏa thuận hòa bình.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Ukraine xác nhận, Ấn Độ là niềm hy vọng lớn nhất của Kiev để đạt được thỏa thuận mà nước này có thể chấp nhận.

Quốc gia được Nga và Ukraine tin cậy để làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình- Ảnh 1.

Cái ôm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: News18

Theo quan chức trên, Thủ tướng Modi đã tuyên bố rõ trong các cuộc thảo luận mùa hè với Kiev rằng, trong khi Ukraine không thể tránh khỏi việc phải nhượng bộ về một số điều để chấm dứt cuộc xung đột với Nga thì bất kỳ đề xuất nào cũng không nên có điều khoản từ bỏ lãnh thổ cho Nga.

Đối với Kiev, Thủ tướng Modi đã đi được một chặng đường dài chỉ trong thời gian ngắn.

Khi Thủ tướng Ấn Độ thăm Moscow vào tháng 7 và dành cái ôm nồng ấm cho Tổng thống Vladimir Putin, Kiev đã phản ứng một cách gay gắt. Tổng thống Zelensky gọi cái ôm đó là "một sự thất vọng to lớn và một cú đánh mạnh vào những nỗ lực hòa bình".

Tuy nhiên, Ukraine cũng ngày càng coi Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới và từ lâu đã thúc đẩy lập trường không liên kết trong quan hệ đối ngoại - là nhà trung gian lý tưởng trong quan hệ với Điện Kremlin.

Trong khi New Delhi liên tục từ chối chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine thì nước này cũng công khai ủng hộ việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như cần chấm dứt xung đột. 6 tuần sau chuyến thăm Moscow khiến Ukraine không hài lòng, Thủ tướng Modi đã tới Kiev để gặp Tổng thống Zelensky. Ông khẳng định sẽ trở thành "một người bạn" của Ukraine và giúp đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Trung lập với cả Moscow và Kiev

Ấn Độ có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể đảm nhiệm vai trò này, hoặc ít nhất là nhân tố duy nhất có thể khẳng định bản thân là một bên trung lập với cả Moscow và Kiev.

Thụy Sĩ và Áo đã đứng về phía EU áp trừng phạt lên Nga. Một hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở khu nghỉ dưỡng Bürgenstock tại Thụy Sĩ hồi tháng 6 được tổ chức mà không có sự tham gia của Nga khi không quan chức nào của Điện Kremlin được mời. Trong khi đó, quan hệ giữa Washington và Moscow đã đóng băng nghiêm trọng.

Những nỗ lực đóng vai trò là nhà kiến tạo hòa bình từ các nước như Saudi Arabia đã thất bại, trong khi Trung Quốc bị cáo buộc tích cực hỗ trợ nỗ lực chiến đấu của Moscow. Ngoài ra, trong tháng này, Tổng thống Zelensky đã chỉ trích chính phủ Brazil vì "đứng về phía Nga".

Điều đó đã để lại Ấn Độ cho vai trò này.

“Chúng tôi là quốc gia có thể trao đổi cởi mở với Nga về vấn đề Ukraine", Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói trong chuyến thăm Malaysia vào tháng 3. Tổng thống Putin xác nhận vào đầu tháng này rằng ông có "niềm tin và sự tin cậy" vào Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil trong vai trò trung gian hòa giải với Ukraine.

Trong chuyến thăm Đức cũng vào đầu tháng 9, Ngoại trưởng Jaishankar tuyên bố Ấn Độ "quan tâm và tham gia" vào việc cố gắng tìm cách chấm dứt xung đột và xác nhận "đã có những đề xuất được đưa ra" về việc Ấn Độ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Ông cho rằng, bất kỳ cuộc trao đổi nào đều cần có Nga, bác bỏ ý tưởng về một hội nghị hòa bình giống như ở Thụy Sĩ khi không có sự tham gia của Điện Kremlin.

Tổng thống Zelensky từ lâu đã bác bỏ bất kỳ đề xuất nào bao gồm điều khoản Ukraine phải từ bỏ lãnh thổ và chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch hòa bình 6 điểm mà Trung Quốc và Brazil đưa ra, trong đó không đề cập đến việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

Ấn Độ tham gia vào kế hoạch trên.

Tại Berlin trong tháng này, ông Jaishankar không tiết lộ liệu Ấn Độ có kế hoạch thúc đẩy một đề xuất hòa bình của riêng mình hay không. Tuy nhiên, Kiev ngày càng hy vọng New Delhi sẽ hành động trong tương lai.

"Tôi có thể nói rằng Ấn Độ là một đối tác đáng tin cậy đối với Ukraine và là một nhân tố toàn cầu có thể ảnh hưởng đến động lực cũng như tiến trình của các sự kiện trên thế giới. Chúng tôi muốn thấy sự tham gia của Ấn Độ trong quá trình kiến tạo công thức hòa bình bởi Ấn Độ có thể tạo nên khác biệt", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi nhận định với Politico.

Theo Kiều Anh

VOV

Trở lên trên