Quốc gia láng giềng Việt Nam vừa đạt thành tích đáng nể: Mang gần 3.000 'tấm bìa' cùng giàn thép ra giữa biển vừa phát điện vừa nuôi cá, tiết kiệm hơn 500.000 tấn than với công nghệ 'cực đỉnh'
Trung Quốc đã đạt được cột mốc quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, khi vừa kết nối dự án quang điện ngoài khơi (PV) công suất 1 gigawatt đầu tiên của nước này vào lưới điện.
Thành tích này cho thấy một bước tiến đáng kể trong công nghệ năng lượng mặt trời và tạo tiền đề cho sự mở rộng ra quy mô toàn cầu của năng lượng mặt trời được khai thác ngoài khơi.
Nằm ở vùng biển ngoài khơi bờ biển thành phố Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông, dự án này được cho là lớn nhất thế giới trong lĩnh vực quang điện ngoài khơi.
Guohua Energy Investment Co., Ltd thuộc công ty CHN Energy, nhà phát triển của dự án, cho biết: “Đây là dự án đầu tiên và lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này và sẽ đóng vai trò là mô hình cho các sự phát triển của các dự án PV ngoài khơi quy mô lớn trong ngành. Dự án bao phủ diện tích khoảng 1.223 ha, với tổng công suất lắp đặt là 1 GW.”
Theo Interesting Engineering, dự án này rất đặc biệt vì được kết hợp công nghệ tiên tiết và là dự án đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ đóng cọc giàn thép quy mô lớn cho các công trình được lắp đặt ngoài khơi.
Guohua Energy Investment cho hay: “Sáng kiến tiên phong toàn cầu này 2.934 giàn PV được lắp đặt bằng móng cọc cố định với giàn thép ngoài khơi quy mô lớn. Mỗi giàn có chiều dài 60 mét và chiều rộng 35 mét.”
Trong dự án này, các kỹ sư sử dụng đường dây truyền tài đường dài 66 kilovolt ngoài khơi và trên bờ. Phương pháp này tạo điều kiện cho khả năng truyền tải lớn hơn, đồng thời giúp giảm chi phí, góp phần vào hiệu quả tổng thể của dự án.
Khi được vận hành, dự án dự kiến sẽ tạo ra 1,78 tỷ kWh điện mỗi năm, đủ để đáp ứng nhu cầu điện của khoảng 2,67 triệu cư dân thành thị tại Trung Quốc.
Ngoài ra, dự án cũng nêu bật cam kết của Trung Quốc trong việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch và giảm phát thải nhà kính. Nhà phát triển tiết lộ, dự án sẽ giúp tiết kiệm khoảng 503.800 tấn than tiêu chuẩn và giảm phát thải carbon dioxide ở mức 1,3447 triệu tấn.
Điều thú vị là CHN Energy còn đặt mục tiêu phát triển dự án tích hợp. Dự án này sử dụng mô hình phát triển PV và đánh bắt cá kết hợp, vừa nuôi cá vừa phát điện để nâng cao khả năng tận dụng tài nguyên của vùng biển.
Dự án của CHN Energy thể hiện chiến lược của Trung Quốc trong việc phát triển các hệ thống PV ngoài khơi như bước đi quan trọng trong mục tiêu phát triển năng lượng sạch của nước này.
Cách đây vài tháng, quốc gia này đã ra mắt tuabin gió ngoài khơi công suất đơn lớn nhất thế giới. Tuabin này có thể tạo ra 80 triệu kWh điện hàng năm, với tốc độ gió trung bình là 8,5 m/s.
Trong khi đó, các nhà phân tích của ngành dự đoán sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực PV ngoài khơi của Trung Quốc sẽ còn được thúc đẩy. Viện nghiên cứu công nghiệp China Forward Industry Research Institute ước tính công suất lắp đặt PV ngoài khơi của nước này sẽ vượt 60 GW vào năm 2027, càng làm nổi bật tiềm năng của lĩnh vực này.
Đời sống pháp luật