Quốc gia nhỏ bé với hơn nửa triệu dân này có thể khơi mào Thế chiến III
Tổng thống Trump cho rằng một nước nhỏ bé như Montenegro cũng có khả năng khơi mào cho Chiến tranh thế giới thứ III vì nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO.
Tuyên bố này được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 17/7 khi trả lời câu hỏi của MC rằng: "Vì sao con trai tôi phải tới Montenegro, quốc gia mới gia nhập NATO năm 2017 để bảo vệ nước này nếu họ bị tấn công?".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
"Tôi hiểu anh đang nói gì và tôi cũng có cùng một câu hỏi như vậy. Montenegro là một đất nước nhỏ bé với những người dân mạnh mẽ. Họ là những người rất can trường. Họ có thể trở nên rất hung hăng và khi đó Thế chiến thứ III sẽ bắt đầu", vị Tổng thống Mỹ cho hay.
Ông nhấn mạnh điều này là không công bằng khi các nước thành viên khác trong NATO vẫn đang trì trệ trong việc đóng góp ngân sách trong chi tiêu quốc phòng.
Phát biểu này của Tổng thống Trump được cho là viện dẫn một điều khoản trong Hiệp ước NATO.
Cụ thể là theo Điều 5, hành động tấn công vào bất kỳ một nước thành viên nào cũng là tấn công vào cả khối liên minh quân sự này. Vì vậy, bất cứ khi nào một quốc gia trong khối bị đe dọa, tất cả các quốc gia thành viên có trách nhiệm hỗ trợ “ngay lập tức”.
Đây được xem là nền tảng cho 29 thành viên đồng minh kể từ khi Hiệp ước được kỳ kết năm 1949 nhằm đối trọng với Liên Xô.
Điều 5 chỉ mới được đưa ra duy nhất 1 lần là sau vụ khủng bố tấn công Mỹ ngày 11/9/2001.
Cách đây hơn 1 năm, ngày 5/6/2017 quốc gia nhỏ bé vùng Balkan Montenegro chính thức trở thành thành viên thứ 29 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sự mở rộng lần này của NATO về phía Đông châu Âu một lần nữa tạo nên những đợt sóng căng thẳng mới trong quan hệ với Nga.
Khi đó Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng, việc kết nạp Montenegro là một cách để NATO chống lại các nỗ lực của Nga mở rộng ảnh hưởng ở vùng Balkans.
Là một quốc gia chỉ có hơn 620.000 dân, Montenegro nằm ở vị trí địa chiến lược tại khu vực Balkan và có thể giúp khối NATO mở rộng biên giới tại vùng biển Adriatic. Đây là những lý do khiến quốc gia từng thuộc khối Nam Tư (cũ) này là một trong những mục tiêu tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và NATO trong suốt nhiều năm.
VTCnews