MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội chính thức thông qua Luật Du lịch sửa đổi

Đã có 438/451 thông qua Luật du lịch sửa đổi, tương ứng tỷ lệ 89,21%

Chiều 19/6, đã có 438/451 đại biểu đồng ý, tương ứng với tỷ lệ 89,21% tán thành thông qua Luật Du lịch sửa đổi tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch sửa đổi.

Báo cáo giải trình cho biết, các đại biểu thống nhất cao với những nội dung cơ bản và cho ý kiến vào một số điều, khoản cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

- Về nguyên tắc phát triển du lịch, có ý kiến cho rằng nội dung khoản 1, khoản 2 còn trùng lắp và đề nghị bổ sung nguyên tắc phát triển du lịch theo hướng khai thác liên kết hiệu quả, tính khác biệt, đặc thù của vùng, miền.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến xác đáng này, chỉ đạo rà soát, chỉnh lý khoản 1, khoản 2 đảm bảo nội dung không bị trùng lắp, đồng thời bổ sung nguyên tắc khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng vào khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật.

- Về đô thị du lịch, một số ý kiến đề nghị không quy định về đô thị du lịch, tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị quy định về đô thị du lịch.

Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi Phiếu xin ý kiến Quốc hội về việc quy định hoặc không quy định về đô thị du lịch. Kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy, có 423 đại biểu trả lời, trong đó có 332 đại biểu (chiếm 78,5 %) tán thành không quy định về đô thị du lịch.

Theo Ủy ban, việc quy định đô thị du lịch như một danh hiệu nhưng không kèm theo cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ (quy phạm tùy nghi, không bắt buộc) thì không nên quy định trong văn bản luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không quy định nội dung về đô thị du lịch trong dự thảo Luật.

- Trong khi đó, với nội dung Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, về nguồn thu từ trích một phần phí tham quan du lịch, phí thị thực nhập cảnh: quán triệt tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nguồn thu từ “trích một phần phí tham quan, phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài” vào nguồn thu của Quỹ; thủ tục cấp bổ sung thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.

Về nguồn thu từ doanh nghiệp và khách du lịch: khoản đóng góp bắt buộc từ khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú hiện nay không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mặt khác, khi đi du lịch, khách du lịch đã phải trả các phí dịch vụ cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực có liên quan. Các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước thông qua việc nộp thuế.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, chỉnh lý Điều 70 như sau: Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê chuẩn điều lệ tổ chức và hoạt động.

Theo Vũ Minh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên