Quốc hội cho ý kiến về Đề án xây dựng cơ chế chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh: Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần này, các cơ quan sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
- 06-12-2021Thủ tướng chỉ ra 4 yếu tố trọng điểm trong gói phục hồi, phát triển kinh tế
- 05-12-2021Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Gói hỗ trợ phải đủ lớn nhưng tránh nguy cơ lãng phí
- 05-12-2021ADB: Gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam hoàn toàn có thể nâng lên 5-7% GDP
Chiều 9/12, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 6, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình của Chính phủ về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận về nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần này, các cơ quan sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình của Chính phủ - Ảnh: Quốc hội
Trước đó, trong phiên khai mạc Phiên họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nội dung dự kiến trình Quốc hội xem xét quyết định của kỳ họp bất thường của Quốc hội - kỳ họp quan trọng để quyết định những vấn đề rất cấp bách liên quan đến quốc kế dân sinh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết nội dung của cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lần này nằm ngoài khung khổ của các khung kế hoạch 5 năm (2021-2025) đã được Quốc hội thông qua như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch vay và trả nợ công trung hạn…
Theo đó, để tiếp tục tìm kiếm không gian, dư địa mới để đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển bền vững với những giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ nằm ngoài khung khổ trên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đây là những vấn đề quan trọng và hết sức hệ trọng, cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, đồng hành với Chính phủ, cùng cả nước vượt qua đại dịch COVID-19, trở lại trạng thái bình thường mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng đề ra, ông và các Phó chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thường xuyên có các buổi làm việc với các cơ quan của Chính phủ để nắm thông tin ngay từ quá trình xây dựng, soạn thảo đề án.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu về chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững. Diễn đàn đã dành nhiều thời gian và trọng tâm thảo luận về chính sách tài khóa và tiền tệ, các chính sách an sinh xã hội và các vấn đề lao động trong tổng thể chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, tại diễn đàn, đề xuất về gói hỗ trợ kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ lên tới 843.845 tỷ đồng, chiếm 10,38% GDP của nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia; hay gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên với quy mô khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% GDP được đông đảo các chuyên gia và doanh nhân cho ý kiến.
Bizlive