Quốc hội 'chốt' lương cơ sở tăng 30%, lương tối thiểu vùng tăng 6%
Sáng 29/6, tại phiên bế mạc kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 với toàn bộ đại biểu Quốc hội tham gia tán thành. Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
- 30-06-2024Đề xuất 5 bảng lương, 9 chế độ phụ cấp mới để trình Trung ương xem xét sau năm 2026
- 30-06-2024Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia
- 29-06-2024Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội lý giải vì sao lương hưu chỉ tăng 15%
Trên cơ sở đó, Quốc hội đồng ý thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27 của Trung ương, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025).
Nghị quyết nhấn mạnh, việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương.
Nghị quyết giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: Hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương ; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.
Quốc hội thống nhất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024. Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương: Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31/12/2024.
Quốc hội cũng quyết định thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1/7/2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
Trong thời gian chưa sửa đổi, bãi bỏ, từ ngày 1/7/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024.
Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.
“Từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6 năm 2024). Đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng”, nghị quyết nêu rõ.
Đối với trợ cấp ưu đãi người có công sẽ được điều chỉnh theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Tại họp báo bế mạc kỳ họp vào sáng cùng ngày, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong lý giải về việc tăng lương cho công chức, viên chức 30%, trong khi lương hưu chỉ tăng 15%. Theo ông, thời gian qua, mức lương hưu của người nghỉ hưu liên tục được nâng lên, trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng kinh tế.
Theo tính toán của Ban chỉ đạo cải cách tiền lương, với số lần tăng lương hưu thời gian qua, lương hưu chỉ tăng 11,5% sẽ ngang bằng với 30% của cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, xác định người hưởng lương hưu khó khăn và khi tăng lương, giá cả sẽ tăng lên, vì vậy, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã cân nhắc rất nhiều và xác định chuyển từ 11,5% lên 15%.
“Lương hưu tăng 15% nhưng thực tế nếu cộng dồn các năm qua khi liên tục nâng lên theo chỉ số CPI thì cao hơn 30% so với cán bộ, công chức”, ông Phong lý giải.
Sáng 29/6, phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và đã thành công tốt đẹp.
Trong đó, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền và đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật; xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật. Đồng thời, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật…
Để bảo đảm yêu cầu “pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan tập trung chỉ đạo, quán triệt, khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết được thông qua.
Tiền phong