MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quý 1/2019: Bộ Công Thương bàn giao 5 doanh nghiệp về SCIC

Sau khi tiếp nhận chuyển giao, SCIC sẽ tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp...

Tại chỉ thị số 03/CT-BCT do Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành ngày 24/1/2019, 5 doanh nghiệp thuộc Bộ phải bàn giao sang SCIC ngay trong quý 1/2019 đã được xác định bao gồm: Tổng công ty thép, Công ty cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp, Công ty cổ phần Nông thổ sản Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng.

Theo Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, SCIC sẽ đóng vai trò quan trọng và đảm nhận nhiều phần việc trong tiến trình này, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp chưa thoái vốn giai đoạn 2016 - 2018 sẽ chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa.

Riêng trong năm 2018, nhờ vào sự chủ động làm việc với các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến trình chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, SCIC đã tiếp nhận 30/62 doanh nghiệp. Số còn lại, SCIC đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương và đang xây dựng dự thảo biên bản bàn giao đối với từng doanh nghiệp.

Đến nay, những khó khăn về cơ chế khi thực hiện chuyển giao đã được tháo gỡ theo quy định tại Điều 7, Thông tư 83/2018/TT-BTC về hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước:  doanh nghiệp chưa quyết toán vốn lần 2 vẫn có thể thực hiện bàn giao về SCIC. Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã có chỉ đạo và SCIC đã có Công văn số 107/ĐTKDV-KHTH ngày 21/1/2019 gửi các Bộ, địa phương để phối hợp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Chỉ thị 01/CT-Ttg.

Lãnh đạo SCIC cho biết: với mô hình quản lý vốn nhà nước tập trung đang được áp dụng tại SCIC, sau khi tiếp nhận chuyển giao, SCIC sẽ tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Trường hợp cần thiết sẽ thực hiện tái cấu trúc tài chính và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tối ưu hóa giá trị phần vốn nhà nước khi triển khai thoái vốn. Các doanh nghiệp trong danh mục của SCIC được phân loại thành từng nhóm A (đầu tư dài hạn), B (đầu tư linh hoạt: cơ cấu lại để bán hoặc bán ngay). Với từng nhóm doanh nghiệp, SCIC áp dụng các biện pháp quản trị phù hợp nhằm quản lý hiệu quả phần vốn nhà nước.

Đồng thời, việc đóng vai trò là cổ đông, tham gia vào các quyết định của doanh nghiệp của SCIC đã và đang bảo đảm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong hoạt động điều hành, SCIC tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong việc soát xét các báo cáo tài chính, đưa ra chuẩn mực quản trị tiên tiến và khả năng sẵn sàng tham gia tăng vốn khi doanh nghiệp có phương án tăng vốn hiệu quả.

Cùng với hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp, SCIC hoàn thiện quy trình, quy chế nội bộ của doanh nghiệp. Quy chế Người đại diện của SCIC cùng các công cụ hỗ trợ tiện ích khác như Sổ tay hướng dẫn biểu quyết, Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp, các hội thảo cập nhật chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kết nối doanh nghiệp liên tục được SCIC tổ chức nhằm hỗ trợ cho người đại diện vốn và các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị. SCIC cũng đóng vai trò là cầu nối liên kết các doanh nghiệp với nhau để cộng hưởng sức mạnh, nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Hoài Nam

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên