“Quý 2-3 sẽ là thời điểm tăng trưởng của các doanh nghiệp”
Theo TS. Mạc Quốc Anh, những khó khăn nhất cũng đã dần qua đi, cùng với đó là Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ban ngành cũng đã và đang thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ, sẽ giúp doanh nghiệp dần cải thiện hoạt động kinh doanh trong các quý tới.
Sau khi GDP quý I/2023 đã tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã đề ra thì các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sẽ cần phải tăng tốc hơn nữa kể từ từ quý II/2023. Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đánh giá những khó khăn nhất cũng đã dần qua đi, cùng với đó là Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ban ngành cũng đã và đang thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ, sẽ giúp doanh nghiệp dần cải thiện hoạt động kinh doanh trong các quý tới.
BTV Mùi Khánh Ly: T hời điểm này các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023, ông đánh giá như thế nào về bức tranh quý I của các doanh nghiệp?
TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội
Như chúng ta đã thấy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã có sự ảnh hưởng rất lớn từ quý III/2022 và quý IV/2022, các đơn hàng của các doanh nghiệp ở các ngành chủ lực đều đã bị ảnh hưởng. Như ngành dệt may và da giày từ những quý cuối của năm 2022 đã sụt giảm từ 30% cho đến 40% và nó kéo dài đến quý I/2023. Có nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã bị giảm các đơn hàng mới từ 40% cho đến 65%. Điều quan trọng là những ngành chủ lực như vậy khi bị suy giảm thì cũng sẽ ảnh hưởng chung đến thị trường.
Một số quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka hay Indonesia, theo như chính tôi được biết thì trong quý I/2023 thì lực lượng doanh nghiệp rời bỏ khỏi thị trường tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Với những sự suy giảm như vậy, chúng ta thấy thị trường chung khó khăn. Một phần nữa là do lạm phát của các nước, như tại Châu Âu và Mỹ đều tăng, ảnh hưởng đến nguồn cầu. Khi cầu thế giới giảm, trong khi cầu thị trường nội địa cũng giảm tương đối đã khiến các doanh nghiệp thêm khó khăn.
Vậy theo ông, những khó khăn mà các doanh nghiệp hiện đang đối mặt là gì?
Theo tôi, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay đó là bài toán về mặt thị trường. Cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa chúng ta đang khó khăn trong việc đưa các nguồn cung các sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, do nguồn cầu giảm. Khó khăn thứ hai đó là nguồn tài chính. Trong bối cảnh khó khăn chung, phương án kinh doanh của doanh nghiệp không khả thi thì các ngân hàng rất khó để giải ngân. Trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, cũng đang có những điểm nghẽn nhất định nên việc mà cung cấp thêm các nguồn vốn mới cho các doanh nghiệp là khó. Khó khăn thứ ba chúng tôi đánh giá đó là về mặt chính sách, vẫn còn những thủ tục hành chính đang ngăn trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Một phần nữa là nguồn lực lao động của chúng ta hiện nay đang bị dịch chuyển, những nguồn lực lao động có tay nghề họ lại luôn đi tìm những đơn vị nào trả mức lương cao hơn nên những đơn vị nào đang khó khăn thì người lao động họ lại di chuyển sang đơn vị khác. Một khó khăn nội tại nữa đó là khả năng tiếp cận các trình độ về mặt khoa học công nghệ, đổi mới về trang thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế, chỉ có trên 46% doanh nghiệp của chúng ta là đang tập trung trong vấn đề đổi mới về khoa học công nghệ để làm sao tăng được năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Nhận thấy những khó khăn trên thì Quốc hội, Chính phủ, các bộ ban ngành đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ như thúc đẩy đầu tư công, giảm lãi suất...Tuy nhiên, có thể do độ trễ của chính sách mà nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó? Ông đánh giá sao về điều này?
Quốc hội và Chính phủ đã có rất nhiều các giải pháp đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, với người dân để giúp cho thị trường của chúng ta, đặc biệt là nội địa và xuất khẩu. Nhưng tôi đánh giá có độ trễ về mặt chính sách. Quá trình thực thi, hướng dẫn thực hiện chính sách kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng đến cơ hội của các doanh nghiệp.
Một giải pháp nữa đang được trông chờ là giảm thuế VAT 2% cho các doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm 2023? Ông đánh giá như thế nào về chính sách hỗ trợ này nếu được Quốc hội thông qua?
Như chúng ta đã biết, nếu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng được giảm thì cũng có độ trễ nhất định khi có hiệu lực từ mùng 1/7/2023 cho hết năm 2023. Chúng tôi đánh giá, nếu có thể thì nên để đến thời điểm 30/6/2024, bởi chúng ta càng kéo dài bao nhiêu thì khả năng mà phục hồi của doanh nghiệp sẽ được nhanh chóng bấy nhiêu và bài toán về mặt chiến lược của các doanh nghiệp có thể duy trì ổn định, ổn định cả về người lao động và ổn định cả về mặt thị trường.
Khi chi phí của doanh nghiệp được giảm đi, thì giá thành hàng hóa cũng sẽ giảm theo, qua đó sẽ thúc đẩy tiêu dùng.
Trong Quý I/2023 thì nền kinh tế chỉ tăng trưởng 3,32%, nếu muốn đạt được mục tiêu 6,5% thì phải tăng tốc kể từ quý II. Vậy theo ông đâu sẽ là động lực giúp cho các DN tăng tốc từ quý II, qua đó thúc đẩy nền kinh tế và thị trường chứng khoán tích cực hơn?
Chúng tôi dự đoán quý II và đến quý III/2023 sẽ là thời điểm vô cùng quan trọng khi mà hàng loạt các chính sách, cơ chế, nghị định, thông tư của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành đã được ban hành, sẽ đi vào thực thi một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là vấn đề về tài chính, tài khóa, giảm các chi phí, giảm lãi vay của các hệ thống ngân hàng…Cùng với đó là sự đồng hành của Chính phủ, đó là việc yêu cầu từ cán bộ, công chức, viên chức tăng cường trách nhiệm để làm sao mà hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách một cách nhanh nhất.
Yếu tố thứ hai về mặt thị trường, chúng ta đang cố gắng tập trung vào thị trường nội địa. Với số dân số gần một trăm triệu chắc chắn sức mua tương đối lớn. Hiện, các địa phương đang tăng cường rất nhiều chương trình hội chợ, các chương trình mua sắm tập trung, giảm giá, khuyến mại. Tôi nghĩ đó là những yếu tố quan trọng để thị trường nội địa chúng ta sẽ bùng nổ trong quý II và quý III/2023. Một phần nữa là rất nhiều nhà đầu tư FDI đã quay lại tăng số vốn đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó là làn sóng du lịch, nhất là khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau dịch Covid 19. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng, bởi đối với ngành du lịch thì họ có hơn 200 sản phẩm, các ngành khác ăn theo sự phát triển của ngành du lịch. Đối với ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, rồi sản phẩm hữu cơ của các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta đều được nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm. Ví dụ như cà phê đã được các nước Đức và Ý đầu tư vào Việt Nam chúng ta cách đây khoảng 6 năm, bây giờ là thời điểm họ đưa các sản phẩm của Việt Nam chúng ta đi xuất khẩu vào các nước như Trung Đông, Mỹ hay Châu Âu. Với những yếu tố như vậy tôi nghĩ quý II, quý III/2023 sẽ là thời điểm tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhịp Sống Thị Trường