"Quý bà dơi" Vũ Hán cảnh báo về 20 loại virus corona mới
Nhà nghiên cứu lừng danh từ Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) Shi Zhengli cảnh báo rằng một dịch bệnh tương tự COVID-19 có thể bùng lên từ 20 loài virus corona "có nguy cơ cao" khác.
- 24-09-2023“Xung đột rượu vang” giữa Trung Quốc và Australia có diễn biến mới: Bắc Kinh ra điều kiện thỏa hiệp, Canberra quyết khiếu nại tới cùng dù có 2,8 tỷ chai đang tồn kho
- 24-09-2023Trung Quốc phát minh thành công một loại ‘vật liệu’ đặc biệt nhờ 'bí thuật' biến đổi gene, hiệu quả gấp 6 lần thông thường, dự kiến đem lại đột phá cho hàng loạt lĩnh vực từ y tế đến hàng không vũ trụ
Nhà virus học Shi Zhengli (Thạch Chính Lệ) là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu các virus giống SARS từ dơi, được mệnh danh là "quý bà dơi". TS Shi vừa đưa ra lời cảnh báo trong một nghiên cứu công bố gần đây.
Bà khẳng định thế giới phải chuẩn bị cho một căn bệnh khác tương tự COVID-19 bởi vì nếu một loại virus corona gây ra bệnh đã xuất hiện trước đó thì có nguy cơ cao nó sẽ trở lại, theo tờ South China Morning Post.
Nhóm virus corona bao gồm 2 loài đáng sợ là SARS-CoV và SARS-CoV-2, gây ra các đại dịch SARS và COVID-19 trước đó, khiến nhiều người thiệt mạng trên toàn cầu.
TS Shi Zhengli (đứng) tại phòng thí nghiệm - Ảnh: AP
Trong nghiên cứu này, nhóm của TS Shi từ Viện Virus học Vũ Hán đã đánh giá nguy cơ lây lan sang người của 40 loài virus corona và một nửa trong số đó bị cho là "có nguy cơ cao".
Trong số này, đã có bằng chứng về 6 loài gây bệnh cho con người, 3 loài còn lại gây bệnh hoặc có khả năng lây nhiễm cho các loài động vật khác.
Nghiên cứu cảnh báo: "Gần như chắc chắn sẽ có bệnh xuất hiện trong tương lai và rất có thể dịch bệnh do virus corona sẽ tái diễn".
Nghiên cứu này dựa trên phân tích các đặc điểm của virus, bao gồm quần thể, sự đa dạng di truyền, loài vật chủ và bất kỳ tiền sử bệnh lây truyền từ động vật sang người trước đây.
Nhóm tác giả cũng đã xác định được các vật chủ quan trọng của các mầm bệnh có nguy cơ cao, bao gồm các vật chủ tự nhiên (như dơi và động vật gặm nhấm) hoặc các vật chủ trung gian có thể có (bao gồm lạc đà, cầy hương, lợn hoặc tê tê).
Họ cũng chỉ ra các công cụ xét nghiệm nhanh chóng và có độ chính xác cao có thể sử dụng để chủ động giám sát những loại virus có nguy cơ cao này.
Bài báo khoa học này đã được xuất bản trên tạp chí tiếng Anh Emerging Microbes & Infections hồi tháng 7. Tuy nhiên, nó mới gây chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc trong tháng này.
Nhiều nhà virus học Trung Quốc không mặn mà bình luận về nghiên cứu mới nhất của bà Shi vì tính nhạy cảm ngày càng cao xung quanh công việc của bà.
Viện Virus học Vũ Hán cũng là tâm điểm của nhiều mối hoài nghi và tranh cãi xung quanh nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 vừa qua. Một số người lập luận rằng virus kỳ lạ và nguy hiểm này có thể đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm của viện này, biến Vũ Hán thành tâm dịch đầu tiên trên thế giới.
NLĐ