MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ BHYT dư hơn 40.000 tỉ đồng, Bộ Y tế đề nghị tăng quyền lợi người bệnh

Hết năm 2023, tổng quỹ BHYT kết dư hơn 40.000 tỉ đồng, trong đó 33.000 tỉ đồng kết dư trong dịch COVID-19.

Tại hội nghị xin ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ngày 29-8, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết dự thảo sửa đổi Luật BHYT lần này tập trung điều chỉnh 4 chính sách.

Quỹ BHYT dư hơn 40.000 tỉ đồng, Bộ Y tế đề nghị tăng quyền lợi người bệnh- Ảnh 1.

Bộ Y tế đề xuất thêm quyền lợi cho người bệnh khi khám BHYT tại tuyến cơ sở

Đề xuất bổ sung quyền lợi cho bệnh nhân BHYT

Đó là điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT, yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn...

Theo bà Trang, hơn 40% nguồn thu quỹ BHYT từ ngân sách nhà nước, mua, cấp thẻ BHYT cho người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, người cận nghèo, gia đình chính sách…

Số thu của quỹ BHYT đạt 126.000 tỉ đồng/năm (trong 2023). Nguồn thu này tăng thêm từ tháng 7 năm nay do tăng mức lương cơ bản. Hiện quỹ BHYT đang kết dư khoảng 40.000 tỉ đồng.

Với nguồn kết dư này, dự thảo luật BHYT đề xuất thêm các quyền lợi cho người bệnh, trong đó với các dịch vụ kỹ thuật điều trị tại địa phương chưa thực hiện, người bệnh được lên thẳng tuyến trên điều trị, vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi, mà không phải xin giấy chuyển tuyến điều trị.

Sở y tế địa phương có trách nhiệm ban hành các danh mục dịch vụ y tế mà địa phương chưa thực hiện, căn cứ trên thực tế đã thẩm định, cấp phép hành nghề, để người dân biết, chủ động lên tuyến trên khi có bệnh.

Ngoài ra, trước thực tế thuốc, vật tư y tế do quỹ BHYT thanh toán bị thiếu hụt tại các bệnh viện công, khiến người bệnh BHYT phải tự mua. Để đảm bảo quyền lợi người bệnh, dự thảo luật BHYT đề xuất: các bệnh viện sẽ thanh toán cho người bệnh, sau đó, các chi phí này sẽ được quỹ BHYT thanh toán với bệnh viện.

Bộ Y tế cũng đề xuất điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là quy định chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh liên quan đến vận chuyển người bệnh.

Hiện nay, quỹ BHYT thanh toán việc chi trả vận chuyển người bệnh từ huyện lên tỉnh, từ tỉnh lên Trung ương, trong khi việc vận chuyển người bệnh giữa các cơ sở cùng cấp, cùng chuyên môn kỹ thuật chưa được thanh toán. Do đó, Bộ Y tế đề xuất người bệnh có chỉ định được chuyển cơ sở điều trị là được BHYT thanh toán.

Theo bà Trang, Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh quyền lợi nhưng cân đối mức đóng và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn. Lần này đề xuất điều chỉnh một số quyền lợi nhưng không tăng bất thường chi phí từ quỹ BHYT.

Quỹ BHYT đang chi nhiều hơn thu

Góp ý về mở rộng phạm vi hưởng khi khám, chữa bệnh BHYT, ông Nguyễn Tất Thao, Phó trưởng Ban Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho rằng Bộ Y tế cần có đánh giá tổng thể, mỗi chính sách mở rộng thì quỹ BHYT sẽ chi trả thêm bao nhiêu, có đảm bảo cân bằng thu - chi quỹ BHYT.

Quỹ BHYT dư hơn 40.000 tỉ đồng, Bộ Y tế đề nghị tăng quyền lợi người bệnh- Ảnh 2.

Đại diện BHXH Việt Nam đề xuất cần có đánh giá tổng thể khi mở rộng chi quỹ BHYT

Về thu, chi từ quỹ BHYT qua các năm, ông Thao cho biết, các năm 2005 - 2009, thanh toán khám chữa bệnh BHYT theo phí dịch vụ, không có trần thanh toán, bỏ cùng chi trả, quỹ BHYT đã bội chi trên 2.000 tỉ đồng.

Năm 2009 - 2015: điều chỉnh tăng mức đóng từ 3% lên 4,5% lương cơ sở; có quy định trần thanh toán và thực hiện cùng chi trả, quỹ BHYT đã cân đối được thu, chi.

Năm 2016 - 2023: giá dịch vụ y tế điều chỉnh, có thêm kết cấu phần lương nhân viên y tế, mở rộng danh mục thuốc, và gia tăng số lượt khám chữa bệnh sau đại dịch COVID-19, quỹ đã từng mất cân đối thu, chi.

Chỉ 3 năm 2020 - 2022 là có kết dư lớn là do có dịch COVID-19. Riêng 3 năm có dịch COVID-19, quỹ BHYT kết dư trên 33.000 tỉ đồng do số lượt khám giảm mạnh thiếu thuốc, vật tư y tế nên chi trả giảm. Còn lại các năm khác hầu như đều âm. Hiện tổng quỹ BHYT kết dư là 40.000 tỉ đồng.

Đại diện BHXH cho rằng nếu kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế thì sẽ tăng chi khoảng 2.500 tỉ đồng/năm. Nếu kết cấu các chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định vào giá dịch vụ y tế thì quỹ BHYT sẽ tăng chi từ khoảng 67.000 tỉ đồng.

Đơn cử, năm 2023, số lượt khám chữa bệnh tăng cao dẫn đến chi nhiều hơn thu trên 10.000 tỉ đồng. Do đó, Bộ Y tế cân nhắc về cân đối thu - chi khi mở rộng quyền lợi người bệnh BHYT.

Cân nhắc điều chỉnh quyền lợi cho bệnh nhân ung thư

Liên quan vấn đề thanh toán BHYT cho những bệnh có chi phí điều trị lớn như các bệnh hiểm nghèo, ung thư, bà Trần Thị Trang cho biết hiện nay, trong danh mục thuốc BHYT chi trả có khoảng 76 thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch... Những thuốc này đang chiếm khoảng 7.600 tỉ/năm cho chi phí điều trị. Đây là quyền lợi lớn đối với người bệnh.

Các quy định hiện hành đang quy định tỷ lệ thanh toán BHYT cho người bệnh (mức hưởng) là đồng đều cho tất cả các bệnh, không có đặc thù với mặt bệnh nào. Đối với bệnh ung thư có một số thuốc điều trị mới, chi phí rất cao nên quỹ BHYT rất khó để có thể thanh toán ngay lập tức hoặc thanh toán 100%.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng danh mục thuốc cập nhật trong danh mục thuốc được BHYT chi trả trên cơ sở đánh giá tác động và cân đối thu chi quỹ BHYT, để tăng quyền lợi cho người bệnh.

Về lâu dài, đại diện Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân tầm soát bệnh sớm, phát hiện và điều trị sớm, đồng thời giảm sử dụng các yếu tố nguy cơ cao dẫn tới các bệnh ung thư như hút thuốc lá, rượu bia, ăn uống không khoa học…


Theo N.Dung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên