MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy chế nào của HOSE cho huỷ lô giao dịch 74,8 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết?

Ông Nguyễn Doãn Đạt, Thạc sĩ luật học, Trưởng phòng tư vấn đầu tư- Công ty chứng khoán KB Việt Nam

Ông Nguyễn Doãn Đạt, Thạc sĩ luật học, Trưởng phòng tư vấn đầu tư- Công ty chứng khoán KB Việt Nam

Theo ông Nguyễn Doãn Đạt - Thạc sĩ Luật học Quy chế của HOSE cho phép huỷ lô giao dịch cổ phiếu theo đúng luật.

Ông Nguyễn Doãn Đạt, Thạc sĩ luật học, Trưởng phòng tư vấn đầu tư- Công ty chứng khoán KB Việt Nam đã có những trao đổi ở góc độ pháp luật về việc huỷ lô giao dịch 74,8 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết. 

Những ngày vừa qua trên các hội nhóm, diễn đàn chứng khoán, đông đảo nhà đầu tư cho rằng việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ra quyết định huỷ lệnh, hoàn tiền cho nhà đầu tư đối với 74,8 triệu cổ phiếu bị "bán chui" không công bố thông tin trước khi bán của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC là chưa rõ ràng.

Dưới góc nhìn pháp luật, ông Nguyễn Doãn Đạt cho rằng, Điều 4, khoản 3, điểm a của  NĐ156/2020/NĐ-CP chỉ là liệt kê các biện pháp khắc phục hậu quả mà tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có thể áp dụng ( Có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả).

Cụ thể, điều 4, khoản 3, điểm a Nghị định 156/2020/NĐ- CP quy định:

"3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây theo quy định cụ thể tại Chương II Nghị định này:

a) Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành; buộc thu hồi cổ phiếu phát hành thêm; buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành trong khoảng thời gian vượt quá thời gian quy định; buộc hoàn trả chứng khoán, tiền thuộc sở hữu của khách hàng; buộc tiếp tục thực hiện chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ theo đúng thời gian quy định;"

Theo ông Nguyễn Doãn Đạt, biện pháp khắc phục hậu quả với từng hành vi sẽ được quy định chi tiết tại chương II của nghị định này. Mà cụ thể, trong trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, ông này đã thực hiện việc bán 74,5tr cổ phiếu mà không công bố thông tin theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 33, TT96/2020/TT-BTC – Thông tư hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Do đó, căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính của ông Trịnh Văn Quyết được quy định tại khoản 5, điều 33, Nghị định 156/2020/NĐ-CP. Với mức xử phạt tối đa là 1,5 tỷ đồng, cùng với đó có thể áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung quy định tại điểm b, khoản 7, điều 33 của Nghị định này đó là đình chỉ giao dịch chứng khoán 3 đến 5 tháng. Và trong điều 33, không có quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, do đó căn cứ pháp lý để HOSE tiến hành hủy giao dịch đối với giao dịch " bán chui" cổ phiếu của ông Quyết không được quy định trong Nghị định 156/2020/NĐ-CP.

Ông Đạt cho rằng, ngay sau khi phát hiện hành vi bán cổ phiếu tuy nhiên không công bố thông tin của ông Trịnh Văn Quyết, thì Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), đã gửi báo cáo cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), và đã được công bố thông tin trên trang web của UBCKNN:

"Chiều ngày 10/01/2022 (17 giờ 45 phút), UBCKNN nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/01/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã chứng khoán: FLC, niêm yết tại HOSE) nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. UBCKNN hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định".

Ngay sau đó, HOSE đã tiến hành hủy giao dịch đối với 74,5 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết theo chỉ đạo của UBCK tại Công văn số 198/UBCK-TT ngày 11/1 về việc ông Trịnh Văn Quyết đã bán cổ phiếu FLC mà không báo cáo và công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Việc hủy bỏ giao dịch thực hiện theo chỉ đạo của UBCK nhưng căn cứ pháp lý chính là quy chế giao dịch của HOSE.

Ông Đạt chỉ rõ, tại khoản 2, điều 22, Quy chế giao dịch chứng khoán - tại HOSE (kèm theo Quyết định số 352/QĐ-SGDHCM ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh)

"Điều 22. Xác lập và hủy bỏ giao dịch

Giao dịch chứng khoán được xác lập khi hệ thống giao dịch thực hiện khớp lệnh mua và lệnh bán theo phương thức khớp lệnh tập trung hoặc ghi nhận giao dịch theo phương thức thỏa thuận.

Trong trường hợp giao dịch đã được xác lập vi phạm quy định giao dịch hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường, Sở Giao dịch Chứng khoán có thể công nhận hoặc hủy bỏ giao dịch sau khi báo cáo UBCKNN".

Ông Đạt khẳng định, HOSE đã thực hiện hủy giao dịch 74,5 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết dựa trên quy chế giao dịch của HOSE. 

"Ngay sau khi HOSE tiến hành hủy giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết thì UBCKNN đã tiến hành phong tỏa tất cả các tài khoản giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết tại các công ty chứng khoán, căn cứ quy định tại khoản 4 điều 306, Nghị định 155/2020/NĐ-CP- Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật chứng khoán 2019.

Trước đây, ông Trịnh Văn Quyết cũng đã từng có hành vi công bố thông tin đăng ký mua 57 triệu cổ phiếu FLC, nhưng sau đó ông đã thực hiện hành vi bán 57 triệu cổ phiếu, không phải mua, và chỉ bị xử phạt 65 triệu đồng. Việc này khiến cộng đồng nhà đầu tư hết sức bức xúc, do thời điểm đó chế tài để xử phạt chưa triệt để.

"Hành động lần này của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, đã thể hiện thông điệp của cơ quan quản lý là kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, nhằm tạo một môi trường pháp lý minh bạch và an toàn cho nhà đầu tư yên tâm giao dịch, sẵn sàng cho quá trình nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi trong thời gian tới", ông Đạt nói.

https://cafef.vn/quy-che-nao-cua-hose-cho-huy-lo-giao-dich-748-trieu-co-phieu-cua-ong-trinh-van-quyet-20220118084547163.chn

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên