MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Quy định mới giúp chuẩn hóa chứ không cản trở trái phiếu doanh nghiệp”

16-07-2020 - 17:44 PM | Tài chính - ngân hàng

Chuyên gia cho rằng, quy định mới không cản trở sự phát triển, mà giúp bài bản hơn, chuẩn hóa và lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Như BizLIVE đề cập ở thông tin trước , Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Một nội dung được chú ý trong Nghị định 81 vừa ban hành là việc sửa đổi khoản 8 Điều 6 về giao dịch trái phiếu.

Theo đó, TPDN phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Sau thời gian nêu trên, TPDN được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác.

Ngoài ra, Nghị định 81 cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 10 về điều kiện phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền; khoản 1 và khoản 3 Điều 13 về hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp theo hướng chi tiết và cụ thể hơn về phương án phát hành - trả lãi, số lượng nhà đầu tư, báo cáo tài chính - kinh doanh...

Những sửa đổi, bổ sung trên đưa ra trong bối cảnh thị trường TPDN phát triển mạnh mẽ giai đoạn gần đây, đặc biệt trong năm 2019 và nửa đầu năm nay.

Đi cùng với sự phát triển đó, thời gian qua thị trường xuất hiện một số trường hợp có quy mô phát hành lớn so với vốn chủ sở hữu, lãi suất cao bất thường, cũng như sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân có xu hướng mở rộng.

Thị trường TPDN phát triển nhanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp huy động vốn, đặc biệt ở nhu cầu vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên, sự phát triển này tiềm ẩn rủi ro khi còn những hạn chế về minh bạch thông tin, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy của một số doanh nghiệp ở kênh này cao, chưa có xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành…

Theo đó, Bộ Tài chính nhiều lần đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân thận trọng với những rủi ro khi tham gia thị trường này, không vì sự hấp dẫn của lãi suất cao.

Và như trên, Nghị định số 81 vừa ban hành, các quy định mới tiếp tục có những điều chỉnh, sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn, tạo hành lang an toàn hơn cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Trao đổi với BizLIVE, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc sửa nghị định cũng như quy định mới không cản trở việc huy động vốn bằng trái phiếu của doanh nghiệp. Vấn đề là doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ một số điều kiện chặt chẽ hơn về hạn mức phát hành, thời hạn phát hành, phải có kiểm toán độc lập, công bố thông tin và thuê tư vấn phát hành chuyên nghiệp.

Như về hạn mức, Nghị định 81 xác định giới hạn theo hướng hạn chế tỷ lệ đòn bẩy lớn mà tiềm ẩn rủi ro đối với chính doanh nghiệp và nhà đầu tư. Theo đó, nhà phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng…

Cùng đó, Nghị định sửa đổi cũng sàng lọc và nâng cao tiêu chuẩn đối với nhà đầu tư cá nhân hơn, đòi hỏi họ phải có kiến thức, chuyên nghiệp hơn mới có thể tham gia vào kênh đầu tư này.

“Tôi cho rằng Nghị định 81 sửa đổi sẽ giúp cho hệ thống được bài bản hơn, chuẩn hóa, lành mạnh hóa thị trường và kiểm soát rủi ro cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp muốn huy động vốn lớn hơn cũng có thể còn sự lựa chọn khác là phát hành ra công chúng, còn nếu phát hành riêng lẻ phải có điều kiện nhất định”, TS. Lực nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, để thúc đẩy kênh trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ cần thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng thanh toán bù trừ để tính thanh khoản thị trường sôi động hơn.

Bên cạnh đó, cần phải có các biện pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng nhà đầu tư tổ chức và cá nhân để tiếp tục lành mạnh hóa và phát triển thị trường TPDN.

Theo Trần Thúy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên