Quỹ ETF “full” cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán bị rút vốn mạnh, cá mập nào “xả hàng”?
Từ đầu năm 2023, SSIAM VNFinLead ETF có đúng 3 tháng không bị rút vốn trong khi các tháng còn lại đa phần đều bị rút ròng mạnh, đặc biệt là tháng 11 vừa qua.
- 06-12-2023Cổ phiếu nhỏ đón dòng tiền mạnh
- 06-12-2023Góc nhìn CTCK: Xuất hiện tín hiệu tăng tích cực, VN-Index hướng lên 1.150 điểm
Trong bối cảnh dòng vốn ETF tại Việt Nam có sự phân hoá nhất định, SSIAM VNFinLead ETF đang là tâm điểm bị rút vốn. Quỹ đang bước sang tháng thứ 6 liên tiếp bị rút ròng với giá trị hơn 180 tỷ đồng từ đầu tháng 12. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, ETF này đã bị rút ròng đến gần 1.700 tỷ đồng và nằm trong nhóm bị rút vốn mạnh nhất thị trường.
Tính từ đầu năm 2023, SSIAM VNFinLead ETF có đúng 3 tháng không bị rút vốn trong đó chỉ duy nhất tháng 1 là ghi nhận dòng vốn vào thực sự đáng kể. Trong khi đó, các tháng bị rút vốn thường xuyên có giá trị trên trăm tỷ. Trong tháng 11 vừa qua, ETF này thậm chí còn bị rút ròng đến hơn 800 tỷ đồng, mạnh nhất kể từ khi ra mắt.
SSIAM VNFinLead ETF đi vào vận hành tháng 2/2020, tham chiếu chỉ số VNFinLead gồm toàn các cổ phiếu đầu ngành tài chính Việt Nam. Danh mục của ETF này gồm 21 cổ phiếu trong đó 4 cổ phiếu chứng khoán (HCM, SSI, VCI và VND), còn lại là các mã ngân hàng. Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ hiện vào khoảng gần 2.650 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, hiệu suất đầu tư của SSIAM VNFinLead ETF đạt gần 27%, vượt trội trong nhóm ETF và ấn tượng hơn nhiều so với mức tăng 11,8% của VN-Index. Động thái chốt lời của nhà đầu tư có thể là một trong những nguyên nhân khiến quỹ bị rút vốn mạnh thời gian gần đây.
Một trong những “cá mập” tích cực chốt lời chứng chỉ quỹ SSIAM VNFinLead ETF (FUESSVFL) thời gian qua là Pyn Elite Fund. Đến cuối tháng 10, quỹ ngoại đến từ Phần Lan đang nắm giữ hơn 37 triệu ccq FUESSVFL, giảm khoảng 14 triệu ccq so với thời điểm sở hữu nhiều nhất vào cuối tháng 1 năm nay. Giai đoạn rút vốn mạnh tập trung vào tháng 9.
Tại báo cáo tháng 10 của Pyn Elite Fund, ccq SSIAM VNFinLead ETF vẫn là khoản đầu tư lớn thứ 10 trong danh mục của quỹ với tỷ trọng 3,8%. Tuy nhiên, theo cập nhật trên website, SSIAM VNFinLead ETF hiện đã không còn nằm trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite Fund, thay vào đó là cổ phiếu SHS. Không loại trừ khả năng, quỹ ngoại này đã tiếp tục bán ra chứng chỉ quỹ ETF của Việt Nam trong hơn một tháng trở lại đây.
Trong bức thư gửi nhà đầu tư mới đây, ông Petri Deryng, nhà quản lý của Pyn Elite Fund cho biết quỹ đã tiến hành cơ cấu danh mục đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam giằng co mạnh. Người đứng đầu quỹ khẳng định hành động chậm nhưng đúng hướng, nhằm tận dụng tối đa lợi thế khi VN-Index khởi sắc trong thời gian tới.
Bên cạnh Pyn Elite Fund, một số quỹ đầu tư đến từ Thái Lan cũng bán bớt ccq SSIAM VNFinLead ETF thời gian qua, điển hình như Principal Vietnam Equity Fund. Cuối tháng 3/2023, ccq ETF này còn là khoản đầu tư lớn thứ 3 trong danh mục với tỷ trọng 7,21%. Số lượng ccq FUESSVFL trong tay quỹ ngoại này thời điểm đó là 20,15 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 10, ccq SSIAM VNFinLead ETF đã không còn nằm trong top 5 khoản đầu tư lớn nhất danh mục của Principal Vietnam Equity Fund. Báo cáo cho thấy ccq ETF Việt Nam (bao gồm SSIAM VNFinLead ETF và DCVFM VNDiamond ETF) do quỹ ngoại này nắm giữ chỉ chiếm 5,96% NAV. Ước tính, quỹ có thể đã bán ròng tối thiểu 3,55 triệu ccq FUESSVFL trong 7 tháng.
Những vấn đề từ nội tại danh mục
SSIAM VNFinLead ETF bị rút vốn trong bối cảnh triển vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng (chiếm đến 84,4% NAV của quỹ) không thật sự khả quan dưới áp lực từ tăng trưởng tín dụng thấp và nợ xấu tăng cao. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm (14,5%).
Trong khi đó, những vấn đề của thị trường bất động sản kéo dài là một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu và chi phí dự phòng của hệ thống ngân hàng liên quan tới tín dụng bất động sản tăng cao. Đây được xem là rủi ro lớn nhất với hệ thống ngân hàng. Việc nợ xấu tăng trong khi chi phí dự phòng chỉ tăng nhẹ khiến bộ đệm dự phòng của các ngân hàng tiếp tục bị bào mòn.
Tương tự, triển vọng nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đang gặp một số thách thức do tình hình kinh doanh của các công ty phụ thuộc lớn vào thanh khoản và sự biến động của thị trường chứng khoán. Giao dịch ảm đạm thời gian gần đây có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của nhóm này trong quý cuối năm.
Bên cạnh đó, sau giai đoạn tăng nóng từ đầu năm, định giá của các cổ phiếu chứng khoán nhìn chung đã không còn quá hấp dẫn. Đa phần các cổ phiếu nhóm này đang có P/B ở trên mức trung bình 5 năm và cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành trong khu vực. Ngoài ra, tiến độ triển khai hệ thống mới KRX còn bỏ ngỏ cũng có thể ảnh hưởng đến triển vọng nhóm cổ phiếu này.
Nhìn chung, không chỉ SSIAM VNFinLead ETF, nhiều ETF tại Việt Nam cũng đang chịu áp lực rút vốn của khối ngoại trong bối cảnh Fed duy trì chính sách tiền tệ diều hâu. Dòng vốn toàn cầu có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên do chênh lệch lãi suất và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, xu hướng này đang được kỳ vọng sẽ sớm đảo chiều khi lạm phát Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt thời gian gần đây.
Nhịp Sống Thị Trường