MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Ai đồng ý “chủ trương” này?

07-07-2022 - 17:37 PM | Bất động sản

“Nếu đại diện Thành phố Hà Nội nói rằng, “quy hoạch cao tầng” trên tuyến đường Lê Văn Lương đã được “thống nhất chủ trương” thì cần phải làm rõ, ai đồng ý, ai phê duyệt chủ trương này?”.

Đó là ý kiến của GS Đặng Hùng Võ  - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan tới thông tin Hà Nội “phản pháo” kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng mới đây.

Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Ai đồng ý “chủ trương” này? - Ảnh 1.

Các tòa chung cư, cao ốc mọc lên san sát trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. Ảnh: Tạ Hải


Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, giữa tâm bão dư luận về “cánh rừng cao ốc” trên tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu , chiều ngày 1/7/2022 trong buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II -2022, đại diện UBND TP. Hà Nội đã dành 32 phút để “thanh minh” về việc "băm nát" quy hoạch trên tuyến đường này.

Tại buổi họp báo, vị đại diện UBND TP. Hà Nội đã khẳng định vấn đề quy hoạch cao tầng trên tuyến đường này đã được thống nhất chủ trương, rừng cao ốc ở Lê Văn Lương cũng không phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc. Vị đại diện UBND TP.  Hà Nội cũng nhắc tới việc trong kết luận thanh tra “không có từ nào nói là băm nát, hay phá vỡ quy hoạch”, đồng thời cho rằng có một số nội dung trong kết luận thanh tra “không thoả đáng”.

Chia sẻ với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, GS Đặng Hùng Võ  - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, nếu nói đã “thống nhất chủ trương” thì Hà Nội cần có bằng chứng rõ ràng.

“UBND TP Hà Nội đã xin chủ trương từ cơ quan nào, từ lãnh đạo nào? Ai đồng ý? Ai phê duyệt? Từ đó làm rõ vai trò của từng đơn vị, cá nhân để truy trách nhiệm đến cùng, xử lý nghiêm minh còn răn đe”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT nói.

Cũng trả lời báo chí liên quan đến vụ việc này, phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, UBND Hà Nội chịu trách nhiệm chính nhưng cũng cần xem vai trò Bộ Xây dựng, thanh tra nhà nước thời kỳ này.

Theo, phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đường Lê Văn Lương chỉ dài khoảng 2km nhưng đã bị điều chỉnh, sửa quy hoạch, cho xây dựng hàng chục tòa nhà cao tầng san sát, khiến dân cư đông đúc, ồn ào, làm cho quy hoạch nội đô Hà Nội bị xáo trộn, ảnh hưởng tới an ninh trật tự.

Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ, có hàng chục dự án, công trình được Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh “phù phép” theo hướng nâng tầng, tăng mật độ xây dựng, “hô biến” từ đất đơn chức năng thành đa chức năng, chất tải tùy tiện. Sau đó là Sở Xây dựng, UBND cấp quận…cấp phép xây dựng bừa bãi, buông lỏng quản lý xây dựng trong thời gian dài, góp phần “băm nát” quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Theo ông Hòa, từ kết luận này có thể thấy vai trò của nhiều cơ quan chức năng, từ UBND TP Hà Nội đến các Sở ngành. Thậm chí cả Bộ Xây dựng thời điểm đó và thanh tra Nhà nước cũng có trách nhiệm liên đới.

“Vì sao quy hoạch cách đây mười mấy năm rồi nhưng bây giờ mới thanh tra, kết luận là điều chỉnh quy hoạch sai phạm, điều chỉnh xây dựng quá nhiều nhà cao tầng? Vì sao khi hàng loạt dự án đang xây dựng, Bộ Xây dựng lại không không thanh tra, không xử lý? Đây là vấn đề rất kỳ lạ. Thời kỳ đó cũng có Bộ Xây dựng, cũng có Thanh tra Bộ Xây dựng như bây giờ, rồi có Thanh tra Nhà nước…nhưng vì sao bây giờ mới thanh tra? Vì thế tôi cho rằng, dù việc thanh tra bây giờ làm cũng rất tốt nhưng vẫn phải truy cứu cả trách nhiệm của Bộ Xây dựng tại thời điểm đó chứ không chỉ riêng UBND TP Hà Nội”, ông Hòa thẳng thắn nêu quan điểm.

Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Ai đồng ý “chủ trương” này? - Ảnh 2.

Cảnh ùn tắc thường ngày trên tuyến đường Lê Văn Lương. Ảnh: K.N

Theo ông Hòa, trước những sai phạm gây bức xúc này, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Vai trò của bộ chủ quản chuyên ngành ở đâu? Người dân có quyền đặt nghi vấn liệu Bộ Xây dựng có buông lỏng quản lý, thậm chí là dung túng cho UBND TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch, làm lợi cho doanh nghiệp dẫn đến không thanh tra hay không? Hoặc thanh tra rồi nhưng không công bố kết luận?

"Tôi kiến nghị, việc quy hoạch đường Lê Văn Lương nếu ở mức độ vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có lợi ích nhóm thì phải chuyển qua cơ quan điều tra để làm cho rõ”, ông Hòa nói thêm.

Ông Hòa thừa nhận, sai phạm thì đã sai phạm, nhà cũng đã xây, bây giờ không phải muốn là đập đi, là phá bỏ. Hơn nữa, việc truy cứu các sai phạm từ cách đây mười mấy năm cũng không phải dễ.

“Nếu xử lý vi phạm hành chính thì hết thời hiệu. Xử lý hành chính mà khó khăn thì xử lý hình sự cũng khó khăn không kém. Tuy nhiên nếu xét thấy có lợi ích nhóm thì vẫn cần phải làm rõ, xử lý nghiêm để dư luận đồng tình, tin tưởng”, ông Hòa nêu quan điểm.

Đồng tình với ông Hòa, nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng nhìn nhận những sai phạm về quy hoạch ở đường Lê Văn Lương, Hà Nội không chỉ gây ảnh hưởng trong vòng 10-20 năm, mà ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau - những người không gây ra nhưng trực tiếp phải gánh chịu.

Dư luận hoài nghi cho rằng, ở Hà Nội không chỉ riêng đường Lê Văn Lương mà có rất nhiều tuyến đường đã chỉnh sửa quy hoạch. Sai phạm về quy hoạch cũng không chỉ riêng Hà Nội hay TP.HCM mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng chúng ta cũng không có thời gian thanh tra toàn diện. Do vậy, phát hiện đến đâu cần xử lý ngay đến đó để mang tính răn đe.

Theo Nguyễn Giang

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên