MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy hoạch tỉnh Hà Giang sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức chiều 14/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hà Giang là địa phương thứ 23 của cả nước tiến hành thẩm định quy hoạch địa phương, đây là một công việc hết sức có ý nghĩa và quan trọng nhằm đánh giá hết tiềm năng lợi thế của từng vùng đặt trong bối cảnh, điều kiện mới.

“Hà Giang sẽ tìm được hướng đi phù hợp để phát triển. Từ đó, mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hà Giang trong thời kỳ quy hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Lợi thế có nhưng khó khăn và thách thức không nhỏ

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hà Giang là tỉnh địa đầu của Tổ quốc, có vị trí chiến lược có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới nhiều khó khăn như: giao thông, đất đai chủ yếu là đồi núi, phần lớn diện tích khó canh tác, nguồn nhận lực kém quy mô của nền kinh tế nhỏ. Lợi thế có nhưng khó khăn và thách thức không nhỏ.

“Làm thế nào để vẽ bức tranh mới cho Hà Giang, đây là việc khó, nhưng không phải là không thực hiện được, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, biến những khó khăn, thách thức thành những cơ hội phát triển mới, chắc chắn Hà Giang sẽ giải được bài toán khó”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trên cơ sở Quyết định số 1177/QĐ-TTg ngày 04/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh khẩn trương triển khai lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, số liệu, xây dựng nội dung quy hoạch; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện quy hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, một số nội dung trọng tâm, nổi bật của quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; đó là:

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm phát triển theo hướng xanh và bền vững, trên cơ sở phát huy nội lực của tỉnh cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.

Tăng cường đẩy mạnh liên kết phát triển các tiểu vùng và tăng cường mở cửa, hội nhập; tận dụng tốt nhất cơ hội, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo ra đột phá, lợi thế so sánh. Chuyển dịch mô hình kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo lợi thế so sánh cũng như việc tận dụng tối đa công nghệ số để tiếp cận, kết nối giữa các thị trường trong nước và quốc tế…

Theo đó, các chỉ tiêu phát triển đến năm 2030 của Hà Giang: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 8%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt bình quân trên 8%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: ngành nông lâm nông - lâm - thủy sản khoảng 22%; ngành công nghiệp - xây dựng khoảng 29%; ngành dịch vụ khoảng 44%; thuế và trợ cấp khoảng 5%.

Tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 95 triệu đồng, tương đương 3.400 USD, bằng 45% so với cả nước. Tăng trưởng của các ngành kinh tế giai đoạn 2021 - 2030: Ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng trưởng trên 5,5%/năm; công nghiệp - xây dựng trên 9%/năm; dịch vụ trên 9%/năm.

Đánh giá về dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Giang, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Giang đã được xây dựng, công phu, sáng tạo, phương pháp xây dựng khá bài bản, hiện đại… cơ bản phù hợp pháp luật, phù hợp với các Nghị quyết của Đảng bộ Hà Giang, của Đảng và Chính phủ… Tuy nhiên, cũng có ý kiến đánh giá, Quy hoạch Hà Giang chưa có tính đột phá, cần đưa ra các mục tiêu cụ thể hơn…

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, ông Đặng Quốc Khánh cho biết, quy hoạch tỉnh Hà Giang là một nội dung rất quan trọng của tỉnh, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững biên giới hòa bình hữu nghị, hội nhập, đối ngoại phát triển; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển, là tiền đề để Hà Giang thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn chậm phát triển từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng Trung du & miền núi phía Bắc…

Tập trung đột phá phát triển

Để đạt được các mục tiêu Quy hoạch Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Sơn cho biết, Hà Giang sẽ tập trung ưu tiên phát triển 6 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng (ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển du lịch; phát triển kinh tế biên mậu; ngành công nghiệp - xây dựng; các ngành dịch vụ; ngành giáo dục và đào tạo); đồng thời, tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng (hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch sinh thái và đẳng cấp; hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; đô thị bản sắc và hiện đại);

Cùng với đó, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung 3 khâu đột phá; đó là: phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển du lịch bản sắc, đẳng cấp; phát triển nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao sản xuất theo chuỗi giá trị. Tạo sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm; đó là: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và quy mô đào tạo các cấp từ phổ thông đến dạy nghề nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; tăng cường đào tạo nghề cho người lao động trong các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh.

Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số với ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là tiền đề quan trọng để Hà Giang hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hoàn thiện các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Về giải pháp và nguồn lực thực hiện, Hà Giang sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hỗ trợ ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông (đường cao tốc, các tuyến quốc lộ, tuyến giao thông kết nối vùng…), công trình thủy lợi, cấp nước (các hồ chứa nước dung tích lớn), cấp điện và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch để tạo niềm tin nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân; kêu gọi, thu hút các nguồn vốn từ các nhà đầu tư có năng lực vào các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế cạnh tranh như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp đặc trưng gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Mặt khác, tỉnh tăng cường huy động vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp như y tế, giáo dục, đào tạo nghề, văn hóa, thể thao khoa học công nghệ... Huy động nhân dân tham gia đóng góp nguồn lực đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm…

Đánh giá về Quy hoạch tỉnh Hà Giang, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trong dự thảo Quy hoạch Hà Giang cần đánh giá về thực trạng phát triển. Theo đó, Hà Giang cần được đánh giá sẽ phát triển như thế nào; những lĩnh vực nào chưa phát triển được hết tiềm năng; vì sao chưa thu hút được FDI, chưa phát triển được kinh tế tuần hoàn…; đặc biệt, cần đánh giá kỹ về an ninh quốc phòng.

“Cùng với đó, vấn đề chính của Hà Giang cần chỉ ra căn cốt nhất đó là giao thông và đầu tư trọng điểm đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể... Tới đây, khi đầu tư cho Hà Giang cần phải coi là đầu tư cho Quốc gia chứ không chỉ riêng cho Hà Giang”, GS.TS Hoàng Văn Cường cho hay.

Ông Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương cho hay, Hà Giang cũng như nhiều địa phương khác, nhu cầu về thu hút đầu tư vào tỉnh là rất lớn, do đó, việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa để tăng sức cạnh tranh cho địa phương của mình.

Tại phiên họp thẩm định, Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến tham gia và trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang chỉ đạo Cơ quan lập quy hoạch tỉnh tập trung nghiên cứu tiếp thu, giải trình hợp lý và hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Quy hoạch này sẽ được triển khai thực hiện, đây là căn cứ quan trọng để Hà Giang triển khai các điểm đột phá, động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trong thời gian tới.

“Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hà Giang, đảm bảo nhanh và bền vững”, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh mong muốn.

Theo Thuý Hiền

Báo Tin tức

Trở lên trên