Quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý giải ngân 1.650 tỷ đồng, DGC lọt top 10 danh mục
Về cơ cấu danh mục, top 10 khoản đầu tư ghi nhận nhiều sự thay đổi trong tuần qua. MWG vượt VPB lên đứng đầu danh sách với 251,4 triệu USD (tỷ lệ 11,5%), xếp theo sau lần lượt là ACB (10,54%), HPG (7,23%), VHM (6,13%), FPT (4,86)…
Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý vừa công bố báo cáo cập nhật danh mục đầu tư đến hết ngày 02/06 với quy mô tài sản lên tới gần 2,2 tỷ USD. Cụ thể, tỷ trọng tiền mặt của VEIL hiện chỉ còn 5,16%, giá trị tương ứng 112,7 triệu USD (khoảng 2.592 tỷ đồng).
Dữ liệu ngày 26/5 cho thấy giá trị tiền mặt của VEIL đạt 152,1 triệu USD tương đương 3.498 tỷ đồng. Chỉ sau 1 tuần, VEIL mua ròng 39,4 triệu USD, tương đương 906 tỷ đồng.
Trước đó, tỷ trọng tiền mặt của VEIL đạt đỉnh nhiều năm vào ngày 19/5 (8,71%), quỹ này đã đẩy mạnh giải ngân khoảng 72 triệu USD tương đương 1.656 tỷ đồng cổ phiếu/chứng chỉ quỹ chỉ sau 2 tuần. VEIL có động thái giải ngân ra thị trường khi VN-Index duy trì xu hướng tăng, đà phục hồi được kéo dài 3 tuần liên tiếp.
Về cơ cấu danh mục, top 10 khoản đầu tư ghi nhận nhiều sự thay đổi trong tuần qua. Cụ thể, MWG vượt VPB lên đứng đầu danh sách với 251,4 triệu USD (tỷ lệ 11,5%). Sự biến động này đồng pha với sự biến động của giá cổ phiếu MWG tăng 6% trong khi nhà băng VPB lại giảm 2%.
Xếp tiếp theo sau MWG, VPB, danh sách top 10 còn có sự hiện diện của ACB (10,54%), HPG (7,23%), VHM (6,13%), FPT (4,86)…
Đáng chú ý, VEIL đã loại VIC khỏi top 10 khoản đầu tư lớn nhất. Thay thế vị trí thứ 9 của VIC là cổ phiếu của TĐ Hóa chất Đức Giang DGC, chiếm tỷ lệ 3,35% danh mục quỹ tương ứng với 73,2 triệu USD.
Tại ngày 2/6, giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV/share) VEIL đạt 10,46 USD, tăng 1,16% so với tuần trước nhưng vẫn giảm 14,33% so với đầu năm. Hiệu suất hoạt động của VEIL tích cực hơn thị trường chung khi VN-Index ghi nhận mức giảm 15,03% từ đầu năm tới nay (tính theo USD).
Về cơ cấu nhóm ngành, ngân hàng vẫn là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục VEIL với 30,35%, tỷ trọng nhóm bất động sản xếp ngay sát với 24,11%. Trong khi ngành F&B hiện chiếm tỷ trọng 7,06%.
Việc VEIL đẩy mạnh giải ngân tiền mặt gần đây là những động thái dễ hiểu khi Dragon Capital bày tỏ quan điểm tương đối tích cực khi thị trường đã giảm về vùng định giá hấp dẫn và đang có dấu hiệu quá bán.
Theo đánh giá của Dragon Capital, nền kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, có tiềm năng tăng trưởng và định giá thị trường thấp (hiện tại định giá thị trường đang ở mức 11.x lần dưới mức trung bình 12 năm), nhà đầu tư nên cân nhắc tận dụng cơ hội để đầu tư với mức giá hấp dẫn. Lịch sử cho thấy sau các đợt điều chỉnh lớn trong 10 năm gần đây, thị trường đều hồi phục mạnh mẽ và chinh phục các mốc đỉnh mới.
Cũng trong tháng 5, nhà đầu tư nước nước ngoài tiếp tục có tháng thứ 2 liên tiếp mua ròng với giá trị gần 3.200 tỷ đồng. Trước đó, khối ngoại cũng đã bất ngờ quay lại mua ròng 4.000 tỷ đồng trong tháng 4 qua đó chấm dứt chuỗi 8 tháng bán ròng liên tiếp.
Yếu tố thúc đẩy khối ngoại tiếp tục bán ròng trong giai đoạn trước được cho là đến từ những dự báo về chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed trong bối cảnh lạm phát tại nhiều nước tăng cao. Tuy nhiên, khi lộ trình tăng lãi suất đã rõ ràng, nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ sớm quay lại mua ròng cổ phiếu Việt Nam.
Ngoài ra, câu chuyện nâng hạng thị trường cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự trở lại của khối ngoại trong tương lai. Hiện, quy mô vốn mà các quỹ có thể phân bổ cho các thị trường cận biên chỉ khoảng 95 tỷ USD, còn quy mô vốn dành cho các thị trường mới nổi đang vào khoảng 6.800 tỷ USD. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm TGĐ FiinGroup cho biết: "Nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Markets), Việt Nam cũng có thể đón nhận tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường".