Quy luật nhân quả về làm giàu, thành công được giới triệu phú thế giới nắm vững bất kỳ ai cũng nên học hỏi
Có rất nhiều lý do giải thích tại sao có người cả đời nghèo túng. Quy luật niềm tin phát biểu rằng mọi điều anh thật lòng tin tưởng đều sẽ trở thành hiện thực của anh.
- 13-02-2019Từ mẹ đơn thân, chật vật trong nghèo đói đến nhà văn triệu phú, J.K. Rowling là minh chứng sống của sự thành công nhờ dám phá vỡ các nguyên tắc cá nhân
- 12-02-2019Phụ nữ hơn nhau không ở tấm chồng mà là 4 "đặc quyền" quyến rũ sau, bao giờ có đủ mới là người thành công nhất
- 12-02-2019Jeff Bezos đưa ra lời khuyên quan trọng để thành công: Ngủ nhiều hơn!
Quy luật nhân quả về làm giàu
Cách đây 350 năm, trước cả Chúa Giêsu, triết gia vĩ đại Aristole đã cho ra đời nguyên lý nhân quả Aristole, mà ngày nay, chúng ta gọi là luật nhân quả. Khi mà mọi người đều tin vào thần thánh, phép màu và vận may, ông tuyên bố rằng không có thánh thần, chúng ta đang sống trong một vũ trụ có trật tự, nơi mọi thứ xảy ra đều có lý do; mỗi hệ quả sinh ra đều vì một hoặc nhiều nguyên nhân cụ thể. Nếu anh muốn thu được kết quả, anh phải hiểu rất rõ ràng về nó, và suy luận để tìm ra nguyên nhân có thể tạo ra nó.
Vì vậy, nếu anh muốn tăng gấp đôi thu nhập, hãy tìm ai đó có thu nhập gấp đôi thu nhập của anh trong chính lĩnh vực anh đang làm. Sau đó, hãy suy luận ngược lại để xem bằng cách nào họ làm được như vậy. Rồi anh sẽ thấy, tất cả những ai kiếm được gấp đôi số tiền mà anh kiếm được hôm nay, đều có lúc chỉ kiếm được một nửa số đó. Họ chắc chắn đã làm được những điều đặc biệt nào đó.
Nếu anh đặt câu hỏi với họ, họ sẽ nói cho anh biết. Nếu anh không quen họ, hãy xem sách, báo, những cuộc phỏng vấn về họ, và qua đó, họ sẽ nói cho anh biết, bởi những người thu nhập cao thường rất hào phóng chia sẻ cách thức thành công. Nếu anh làm theo những gì người thành công đã làm, anh sẽ thu về kết quả tương tự, dựa trên luật nhân quả.
Chúng ta đang sống trong một thế giới tuân theo quy luật, chứ không phải ngẫu nhiên. Mọi chuyện xảy ra không phải do may mắn, cũng không phải do tình cờ. Luật nhân quả phát biểu rằng, tất cả mọi thứ xảy ra đều có lý do. Luôn có nguyên nhân cho mọi sự việc. Đó chính là quy luật bất biến quyết định vận mệnh con người. Nó nói rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do, bất kể ta có biết lý do hay không. Nó là quy luật, và điều này có nghĩa là anh hoàn toàn có thể kiểm soát được tương lai của mình.
Mọi kết quả, thành công hay thất bại, giàu có hay nghèo đói, đều có một hoặc nhiều nguyên nhân cụ thể gây nên. Mọi nguyên nhân hoặc hành động đều có hệ quả dạng này hay dạng khác, bất kể chúng ta có trông thấy hay không, có thích nó hay không. Isaac Newton, nhà vật lý vĩ đại nhất trong lịch sử, gọi đây là luật về lực và phản lực (định luật III Newton). Định luật này phát biểu rằng, trong mọi trường hợp, khi vật A tác dụng một lực lên vật B, thì vật B cũng tác dụng lại một lực lên vật A; hai lực này có cùng giá trị, cùng độ lớn, nhưng ngược chiều. Đây là quy luật của vũ trụ.
Nói cách khác, nếu anh tạo ra giá trị, anh sẽ thu lại giá trị – lực và phản lực. Nếu anh không tạo ra giá trị, anh sẽ không thu về giá trị. Anh không thể vi phạm quy luật tự nhiên này. Napoleon Hill, tác giả cuốn sách Nghĩ giàu & Làm giàu, nói rằng mọi người đừng cố vi phạm quy luật tự nhiên, cũng đừng mong vượt mặt nó. Nó là lý do chính cho sự thành công.
Muốn có vụ mùa, hãy gieo hạt trước
Quy luật nhân quả này nói rằng tất cả các thành tựu, giàu sang, hạnh phúc, thịnh vượng và thành công đều là hệ quả trực tiếp hay gián tiếp của nguyên nhân hoặc hành động cụ thể. Earl Nightingale nói, chẳng bao giờ có chuyện một người ngồi trước lò sưởi trống không và khẩn nài, "Hãy cho tôi chút hơi nóng, rồi tôi sẽ bỏ vào ít gỗ." Không phải như vậy. Anh phải cho gỗ vào lò sưởi trước, rồi mới nhận được hơi ấm. Anh phải đầu tư vào rồi mới lấy được thứ mình muốn.
Chẳng khác nào người nông dân nói với cánh đồng, "Cho tôi một vụ mùa, rồi tôi sẽ gieo hạt giống." Thế giới hiện đầy rẫy những người tuyên bố rằng, "Nếu muốn tôi làm việc chăm chỉ hơn, họ phải trả tôi nhiều tiền hơn." Không thể có chuyện đó được, điều anh thực hiện là làm việc chăm chỉ hơn và năng suất hơn, rồi cấp trên, hoặc người khác, sẽ trả cho anh nhiều tiền hơn.
Định luật này cũng hàm ý rằng, nếu anh hiểu rõ kết quả anh muốn, anh có thể đạt được nó. Anh có thể nghiên cứu về những người khác, những người đã cùng đạt được một mục tiêu giống vậy, và bằng cách bắt chước theo những gì người khác đã làm, anh có thể nhận về được những kết quả tương tự.
Khi nhận diện được những nguyên nhân này và đưa chúng vào cuộc sống và các hoạt động cá nhân, anh sẽ nhận được kết quả tương tự như hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người khác đã nhận được.
Năm 1900, có 5.000 triệu phú trên thế giới. Đến năm 1980, con số này đã lên tới 1 triệu, trong đó đa số là người Mỹ. Đến năm 2000, con số là 7 triệu. Đến nay, đã có 10 triệu triệu phú, và con số này đang tăng với mức 10-12% mỗi năm. Hàng triệu triệu người bắt đầu từ hai bàn tay trắng và trở thành triệu phú, nhờ thực hiện một số việc nhất định theo một phương pháp nhất định.
Nếu chỉ có một người trở thành triệu phú, anh có thể nói đó là chuyện hiếm hoi. Nếu hai người, anh có thể nói đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng nếu hàng triệu triệu người, với bối cảnh khác nhau, giới hạn và ràng buộc khác nhau, trở thành triệu phú, thì chắc chắn tồn tại một số quy luật và nguyên tắc nhất định được họ áp dụng hiệu quả.
Biểu hiện quan trọng nhất của quy luật nhân quả cho thấy, suy nghĩ chính là nguyên nhân, và hoàn cảnh là kết quả. Nói cách khác, suy nghĩ khác nhau sẽ tạo ra nhiều kết quả độc đáo khác nhau. Những suy nghĩ của anh là lực lượng sáng tạo chính trong cuộc sống của anh. Anh có thể tạo nên toàn bộ thế giới theo cách anh nghĩ. Mọi người, mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống của anh đều được tạo nên theo suy nghĩ của riêng anh. Khi thay đổi suy nghĩ, anh sẽ thay đổi cuộc sống của mình, đôi khi chỉ trong vài giây.
Thế giới bên ngoài là sự phản chiếu thế giới nội tâm của chính anh. Vì vậy, không phải những gì xảy với anh, mà việc anh suy nghĩ thế nào về chúng mới quyết định cảm xúc cũng như phản ứng của anh. Không phải thế giới bên ngoài kiểm soát hoàn cảnh hay điều kiện của anh, mà chính thế giới nội tâm anh mới tạo nên cuộc sống của anh.
Cách anh nghĩ về tiền bạc và tài chính sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới tình hình tài chính của anh hôm nay. Những người xuất thân từ gia đình khá giả có nhiều khả năng thành công về mặt tài chính hơn, vì đó chính là môi trường họ đã lớn lên. Đó là những gì họ thấy xung quanh. Đó là những gì họ nghe thấy, và thế giới quan của họ mách bảo với họ rằng nếu anh làm việc chăm chỉ và tạo ra giá trị, thì anh cũng có thể thành công về mặt tài chính.
Trí Thức Trẻ/Brian Tracy