MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy mô lên đến 16 tỷ USD, thương mại điện tử Việt Nam tiến sát vị trí á quân Đông Nam Á

13-05-2022 - 16:32 PM | Kinh tế số

Chỉ trong năm 2021, Việt Nam đã có thêm hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, với 55% trong đó đến từ khu vực phi thành thị.

Đó là thông tin đáng chú ý được Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đưa ra tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 (VOBF 2022) với chủ đề "Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch" diễn ra ngày 12/5.

Đây là năm thứ 7 sự kiện thường niên này được tổ chức - là diễn đàn để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tổng kết lại sự phát triển, trao đổi về những cơ hội và thách thức của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) trong năm tới.

Mở đầu sự kiện, Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, để đón đầu xu hướng TMĐT thúc đẩy kinh tế sau đại dịch, nhất là những lĩnh vực chuyển đổi số, kinh doanh online, blockchain... diễn đàn năm 2022 tập trung các chủ đề như tín hiệu phục hồi toàn cầu, kết nối trở lại, lực đẩy và công nghệ tương lai của TMĐT.

Cùng với đó là việc đề cập đến các chủ đề nóng tác động trực tiếp tới nhiều doanh nghiệp như cạnh tranh, hành lang pháp lý, sự chuyển mình của công nghiệp 4.0... cũng như những chiến lược phù hợp để khắc phục hậu quả sau đại dịch COVID-19.

Cũng tại sự kiện này, VECOM đã công bố Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2022 (EBI) - được thực hiện từ cuộc khảo sát hơn 6.500 doanh nghiệp trên cả nước.

Quy mô lên đến 16 tỷ USD, thương mại điện tử Việt Nam tiến sát vị trí á quân Đông Nam Á - Ảnh 1.

Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 (VOBF 2022). Ảnh Văn Cao

HAI LÀN SÓNG CỦA TMĐT TẠI VIỆT NAM

Trong 2 năm vừa qua, sự xuất hiện của COVID-19 đã thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng với ngành TMĐT.

Theo VECOM, trong hai năm cao điểm của đại dịch TMĐT của Việt Nam đã trải qua hai làn sóng. Trong đó, làn sóng thứ nhất diễn ra trong giai đoạn bùng nổ đầu tiên của COVID-19 năm 2020. Làn sóng thứ 2 của TMĐT diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2021 trùng với bùng phát đợt dịch thứ 4.

Trong thời gian diễn ra 2 làn sóng này toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội bị trì trệ khiến bản thân hoạt động kinh doanh TMĐT cũng bị tác động nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhờ sự thích nghi và vươn lên của 2 nhân tố, ngành TMĐT đã nhanh chóng vượt qua được khó khăn để tiếp tục phát triển nhanh chóng.

Nhân tố đầu tiên tới từ đông đảo các thương nhân - người kinh doanh online, đặc biệt là các doanh nghiệp TMĐT đã nỗ lực chuyển đổi số để thích nghi và nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.

Kế đó, người tiêu dùng trực tuyến cũng đã được tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Vượt qua một số khó khăn ban đầu, người mua hàng đã ngày càng trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo hơn kỹ năng mua sắm trực tuyến.

Khảo sát cho thấy, có tới 85% người tiêu dùng tại Việt Nam đã chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch bùng phát.

Theo VECOM, khi khách hàng dần trở nên quen thuộc với mua sắm đa kênh, hình thức này sẽ tiếp tục trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo của năm 2022.

Quy mô lên đến 16 tỷ USD, thương mại điện tử Việt Nam tiến sát vị trí á quân Đông Nam Á - Ảnh 2.

Bài thuyết trình của các diễn giả về thị trường TMĐT Việt Nam. Ảnh Văn Cao

ĐIỀU GÌ SẼ HỖ TRỢ TMĐT TẠI VIỆT NAM TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG SAU ĐẠI DỊCH?

Từng là động lực quan trọng, tuy nhiên khi đại dịch COVID-19 tại Việt Nam hiện nay về cơ bản đã được kiểm soát, cũng có không ít băn khoăn cho rằng đà tăng trưởng này có còn tiếp tục được giữ vững...

VECOM nhận định, sự phát triển nhanh của TMĐT sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng thu hút vốn đầu tư vào các nền tảng trong hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo bà Lê Minh Trang, từ Nielsen Việt Nam, có 3 yếu tố then chốt khi người tiêu dùng mua sắm online mà các nhà bán hàng cần lưu ý. Đó là giá, chất lượng và tối ưu về giao nhận.

Đại diện của Nielsen cho rằng để cạnh tranh, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn, thay đổi cập nhật hành vi của mình để đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc thương mại của Lazada Việt Nam đánh giá thị trường TMĐT của Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển với 71% người dùng internet tại Việt Nam từng thực hiện ít nhất 1 lần mua hàng trực tuyến.

Đồng thời, có tới 94% người dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ số lâu dài... Thêm vào đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng coi trọng và đầu tư nhiều vào việc chuyển đổi số và kinh doanh trên TMĐT.

Đơn cử, tại Lazada, tổng doanh thu và số lượng mua sắm trên gian hàng chính hãng Lazamall năm 2021 tăng hơn gấp đôi. Trong đó, tổng số đơn hàng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2020.

Quy mô lên đến 16 tỷ USD, thương mại điện tử Việt Nam tiến sát vị trí á quân Đông Nam Á - Ảnh 3.

Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, lãnh đạo cấp cao của Lazada Việt Nam cho rằng các chủ doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế thời cuộc từ các sàn TMĐT.

Trước hết, cần trang bị tư duy kinh doanh chuyển đổi số, kết nối và học hỏi từ cộng đồng kinh doanh. Song song với đó là việc đón đầu các xu hướng bán hàng mới.

Cũng theo bà Tú, đối với bài toán giá cả cạnh tranh, hoạch định chiến lược phát triển bền vững trên TMĐT, trong hoạt động kinh doanh không chỉ cạnh tranh giá, mà là cuộc chiến xây dựng hệ thống kinh doanh, tư duy kinh doanh bền vững.

Báo cáo EBI 2022 được VECOM trích xuất, phân tích dữ liệu từ nền tảng của Metric.vn, với các thống kê cho thấy TMĐT Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19 đang có sự phát triển vượt bậc, dần trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Trong đó, sản phẩm từ một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những mặt hàng được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn TMĐT: Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.

Đáng chú ý, phổ giá trên các sàn TMĐT Việt Nam đầu năm 2022 cho thấy, phân khúc giá từ 200.000-5.000.000 đồng dễ chốt đơn nhất trên tất cả sàn TMĐT.

Trong khi đó, với những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại hệ thống cửa hàng, showroom uy tín...

Theo Tuấn Việt

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên