MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy mô vốn các CTCK biến động mạnh

Nhiều CTCK đã tăng vốn rất mạnh khiến cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ở mảng kinh doanh này trở nên khốc liệt hơn.

Bất chấp phải trải qua nhiều đợt sụt giảm trong năm 2018, quy mô thị trường chứng khoán vẫn ngày càng mở rộng hơn. Bên cạnh đó, các sản phẩm mới vẫn liên tục được ra mắt như thị trường phái sinh, chứng quyền có đảm bảo đã tạo áp lực lên các công ty chứng khoán (CTCK) đòi hỏi nhóm ngành này cần phải tăng rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Quy mô thị trường gia tăng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư cũng tăng theo do vậy các CTCK vẫn gấp rút tiến hành gia tăng nguồn vốn chủ yếu là nhằm đáp ứng được nhu cầu này.

Trên thực tế cho thấy, dư nợ tại một số CTCK trong 9 tháng đầu năm 2018 vẫn tương đối cao. Thống kê khoảng 34 CTCK thì tổng các khoản cho vay bao gồm cho vay margin và ứng trước tiền bán của 34 CTCK tại thời điểm 30/9 đạt 40.919 tỷ đồng, tăng gần 9% so với 2017. Việc dư nợ tại các CTCK vẫn tương đối cao đòi hỏi các công ty này phải tăng vốn để đáp ứng quy định về hệ số an toàn trên vốn, hoặc nâng cao hệ số này. Bên cạnh đó, hiện nay kênh vay ngân hàng của CTCK bị hạn chế nên chỉ có thể các công ty này tìm đến con đường tăng vốn thông qua đẩy mạnh phát hành trái phiếu và cổ phiếu để tăng vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, một số CTCK cũng cần phải tăng vốn mạnh mới có thể tham gia triển khai các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh... Theo quy định, CTCK phải có VĐL trên 600 tỷ mới được làm hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh và 800 tỷ đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh.

Thống kê khoảng 76 CTCK trên thị trường thì tổng mức vốn điều lệ tại thời điểm cuối thán 9/2018 đạt 54.278 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cuối năm 2017 và tăng 17% so với thời điểm cuối tháng 6/2018.

Quy mô vốn các CTCK biến động mạnh - Ảnh 1.

Dòng vốn từ các tập đoàn tài chính ngoại liên tục đổ vào các CTCK thành viên khiến quy mô vốn của các CTCK trên thị trường thay đổi chóng mặt. Trong 20 CTCK vốn điều lệ lớn nhất thị trường thì xuất hiện đến 5 CTCK có vốn ngoại và các CTCK này thuộc dạng tăng vốn rất mạnh trong thời gian qua. Đáng kể nhất là Chứng khoán Mirae Asset (MASC) đã tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng (cuối năm 2017) lên thành 4.300 tỷ đồng (30/9/2018) và trở thành CTCK có VĐL lớn thứ hai trên TTCK Việt Nam. Bên cạnh đó, Chứng khoán KB Việt Nam (MSI) có mức tăng vốn "khủng" nhất từ 300 tỷ đồng lên thành 1.680 tỷ đồng.

Việc các CTCK có vốn ngoại liên tục mở rộng quy mô khiến sự cạnh tranh trong miếng bánh thị phần ngày càng trở nên gay gắt hơn. Các CTCK có vốn ngoại với lợi thế rất lớn khi công ty mẹ là các tập đoàn tài chính lớn trong khu vực sẽ tận dụng được nguồn vốn dồi dào, chi phí vốn thấp, có kinh nghiệm triển khai các sản phẩm mới. Như vậy, hơi nóng trong cuộc cạnh tranh giữa các CTCK đang được "phả" vào các doanh nghiệp nội và khiến cuộc cạnh trang ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Không chỉ các CTCK có vốn ngoại mà bản thân nhiều CTCK nội cũng ồ ạt tăng vốn. Chứng khoán VPBank (VPBS) vươn lên đứng thứ 3 về VĐL với 3.500 tỷ đồng, gấp 2,4 lần thời điểm cuối năm 2017. Các CTCK như Chứng khoán NH Việt Nam (CBVS), Chứng khoán Artex (ART) hay Chứng khoán Kiến thiết VN (PCSC) đều có VĐL gấp hơn 2 lần sau 9 tháng.

Dù có một số lợi thế nhất định nhưng khối CTCK ngoại lại gặp một số bất lợi đó là khó có thể am hiểu thị trường Việt Nam bằng các CTCK nội. Hơn nữa, nhiều CTCK nội đang có một nền tảng khá vững chắc trên thị trường với thị phần vượt trội hơn phần còn lại. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm 2018 của 10 CTCK đứng đầu đạt gần 4.500 tỷ đồng, chiếm đến 35% tổng lợi nhuận của 76 CTCK. Như vậy, để các CTCK top dưới đủ sức cạnh tranh với nhóm dẫn đầu thì còn cần phải rất nhiều thời gian mới có thể làm được khi sự chênh lệch vẫn là quá lớn.

Nhiều năm qua, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vẫn cho thấy được vị trí vững vàng của các doanh nghiệp nội với lợi nhuận liên tục dẫn đầu và vẫn tăng trưởng đều đặn dù vốn điều lệ không thay đổi nhiều. 9 tháng đầu năm 2018, SSI đạt khoảng 1.095 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bình An

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên