MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ ngoại lên sàn ngoại

Ngày 30-3, Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital (VNC) quản lý đã chuyển niêm yết từ sàn phụ Alternative Investment Market (AIM) lên sàn chính (Main Market) của TTCK London (LSE). Hôm 5-7, đến lượt quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital (DC) quản lý cũng niêm yết tại Main Market của LSE.

Tự làm mới

2 quỹ lớn bậc nhất do 2 định chế quản lý tài sản hàng đầu tại TTCK Việt Nam cùng lên sàn ngoại chỉ trong thời gian ngắn đã phát đi nhiều tín hiệu rất đáng quan tâm. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VNC, chia sẻ: “Thành lập vào năm 2003, đến thời điểm này VOF đã đi được một chặng đường dài, thành công cũng có nhưng thách thức không phải ít. Vấn đề quan trọng là VOF đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn, tái cấu trúc và việc niêm yết tại LSE sẽ đánh dấu một bước phát triển mới cho quỹ”.

VN Index đã phá đỉnh của 8 năm, tuần qua thậm chí đã vượt 660 điểm và không thể phủ nhận những đóng góp rất tính cực từ phía các NĐTNN khi liên tục mua ròng. 2 quỹ lớn niêm yết, khối ngoại mua ròng và TTCK đang thuận lợi có lẽ là chỉ báo không thể tốt hơn về xu hướng huy động vốn rất thuận lợi cho TTCK Việt Nam.

Nếu như giá trị tài sản ròng (NAV) của VOF vào thời điểm niêm yết tại LSE đạt khoản 700 triệu USD, thì NAV của VEIL tại Việt Nam đạt hơn 900 triệu USD sau hơn 21 năm hoạt động (thành lập năm 1995). Có thể thời gian niêm yết gần nhau của VOF hay VEIL chỉ là một sự ngẫu nhiên, nhưng cũng có quan điểm cho rằng đây là sự khẳng định vị thế của VNC và DC theo kiểu “VNC làm được DC cũng làm được”, hoặc “có DC phải có VNC”.

Nhưng rõ ràng, chuyện danh tiếng hay thậm chí “con gà tức nhau tiếng gáy” không thể quan trọng bằng những hệ quả, tác dụng sau khi chứng chỉ quỹ (CCQ) của VOF hay VEIL xuất hiện trên sàn chính của LSE.

Niêm yết ở một sàn lớn như LSE tất nhiên cơ hội để thu hút NĐT sẽ cao hơn nhiều. Tuy nhiên, niêm yết cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, yêu cầu từ LSE, một trong số đó chắc chắn là việc minh bạch thông tin. TTCK Việt Nam hấp dẫn, kinh nghiệm, mức độ am hiểu từ DC hay VNC là điều không phải bàn cãi, nhưng rõ ràng để huy động được vốn các nhà quản lý quỹ này cần phải hoạt động nhiều hơn nữa.

Mặt khác, chính các quỹ có thâm niên cũng không thể hài lòng với những gì mình đang có. Chẳng hạn việc gần phân nửa tổng tài sản của VEIL là các khoản đầu tư vào các công ty đã hết room. Nghĩa là VEIL đang có trong tay một lượng hàng hóa rất chất lượng và những quỹ khác nói riêng hay các NĐT ngoại nói chung nếu đến sau dù có tiền cũng không dễ gì sở hữu được. Nhưng có lẽ, nếu chỉ sở hữu một danh mục tốt và lâu năm là chưa đủ, quỹ này cũng cần có thêm những nguồn vốn mới để gia tăng hoạt động đầu tư cho mình theo cả chiều sâu lẫn chiều rộng.

Một điểm dễ nhận thấy là ngoài việc tiếp tục tập trung vào những công ty đầu ngành như truyền thống theo kiểu mua và nắm giữ, một số quỹ do DC quản lý cũng tiến hành giải ngân một cách năng động hơn vào những CP có biến động theo thị trường. Nhiều kế hoạch, nhiều mục tiêu tất nhiên cần phải có nhiều tiền, mà muốn vậy cần tăng cường các kênh tiếp cận với NĐT và niêm yết là động thái gần như bắt buộc. Về hoạt động, khi niêm yết nhiều khả năng các quỹ cũng buộc phải xác định cũng như công bố rõ ràng hơn các chiến lược đầu tư của mình. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý quỹ phải cân nhắc kỹ lưỡng cũng như theo đuổi đến cùng kế hoạch mình đã đặt ra.

Cơ hội của thị trường

Có một thực tế trong khoảng 3 năm gần đây, những quỹ đầu tư hoạt động tích cực nhất trên thị trường lại là những quỹ mới tham gia thị trường sau này, không có thâm niên như những quỹ thuộc DC hay VNC. Những quỹ này cũng đã đẩy mạnh giải ngân vào nhóm mid cap và penny theo đà phục hồi của thị trường và thu được những thành quả lớn. Trong khi đó, những quỹ lớn dường như tương đối thận trọng, đôi khi xoay trở không kịp với những biến động của thị trường.

Hiểu một cách nôm na, quỹ lớn cần phải có những CP lớn để giải ngân cho phù hợp với quy mô và tiêu chí của mình. Nhưng rõ ràng, những CP lớn, đầu ngành luôn là những món hàng “hot” trên thị trường và ngày càng nhiều NĐT giành giật. Và rõ ràng, kinh nghiệm, mức độ am hiểu thị trường là chưa đủ, mà chính các quỹ lớn cũng cần mạnh vì gạo, bạo vì tiền trong các thương vụ để khẳng định vị thế của mình. Tiến trình cổ phần hóa vẫn đang được thúc đẩy và lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường ngày một nhiều hơn đòi hỏi các quỹ phải chuẩn bị một nguồn vốn đủ lớn.

Thời gian qua cũng đã ghi nhận việc các cổ đông ngoại, lâu năm tại một số công ty đầu ngành trên sàn tiến hành thoái vốn. Nghĩa là dòng tiền cũ-mới, đang có sự luân chuyển tại các doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung, góp phần tạo nên sự sôi động. Cơ cấu cổ đông thay đổi cũng hứa hẹn những bước chuyển mới cho doanh nghiệp về mặt quản trị, và khi doanh nghiệp thay đổi tích cực sẽ tác động ngược lại trên thị trường, góp phần làm cho hàng hóa ngày càng chất lượng hơn.

Chính các quỹ đầu tư khi có thêm dòng tiền mới cũng sẽ tự tin giải ngân vào những khoản đầu tư mới, chẳng hạn những công ty “chưa lớn” hoặc “gần lớn” để kỳ vọng sau một thời gian sẽ trở thành công ty lớn. Nói như giám đốc đầu tư một quỹ lớn là mặc dù thoái vốn một số blue chip không đúng đỉnh, nhưng ông cũng không quá buồn vì số tiền thu về đầu tư vào những CP khác cũng tạo ra suất sinh lời ấn tượng không kém.

Câu chuyện huy động thực chất không chỉ dừng lại ở VEIL hay VOF mà còn lan tỏa ra cả thị trường. Có thể hình dung ra một tác động mang tính cộng hưởng, TTCK khởi sắc có thể khiến NAV của các quỹ gia tăng, thị giá cũng có thể tăng và thu hút các NĐT giao dịch CCQ và hoạt động huy động vốn có thể trở nên nhộn nhịp hơn.

Chính những quỹ lớn, có thâm niên trên TTCK Việt Nam niêm yết cũng góp phần quảng bá TTCK Việt Nam ra thế giới để thu hút dòng tiền. Tiếp cận càng nhiều NĐT cơ hội huy động vốn càng lớn và đôi khi chỉ cần 1% trong số này cũng đã đem về một lượng vốn khổng lồ cho TTCK Việt Nam.

Theo Thy Nhã

Sài Gòn Đầu tư

Trở lên trên