MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ ngoại thắng lớn nửa đầu năm 2016

Thống kê hiệu quả hoạt động của 31 quỹ đầu tư nước ngoài cho thấy 6 tháng đầu năm 2016 các quỹ có mức tăng trưởng bình quân 11,28%, cao hơn mức tăng trưởng của VN-Index 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 7,5%.

Học viện chứng khoán DOBF vừa ra báo cáo đánh giá tình hình các quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thống kê cho thấy các quỹ đầu tư cổ phần đại chúng hiện đầu tư khoảng 4 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thống kê hiệu quả hoạt động của 31 quỹ đầu tư nước ngoài cho thấy 6 tháng đầu năm 2016 các quỹ có mức tăng trưởng bình quân 11,28%, cao hơn mức tăng trưởng của VN-Index 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 7,5%.

Top 20 quỹ nước ngoài có mức tăng trưởng NAV tốt nhất thị trường
Top 20 quỹ nước ngoài có mức tăng trưởng NAV tốt nhất thị trường

Thống kê của DOBF cho thấy có 25/31 quỹ có mức tăng trưởng NAV cao hơn mức tăng của Vn-Index trong đó dẫn đầu toàn thị trường là quỹ VNH của Vietnam Holding với mức tăng 19,98%, tiếp theo là VOF của VinaCapital với mức tăng 17,9%, VEUF của Dragon Capital 16,74%, VSCF (Vietnam Smaller Companies Fund) của PXP Vietnam, LVF (Lumen Vietnam Fund) của CBR Investment AG đều có mức tăng trên 16% trong 6 tháng đầu năm.

Trong số các quỹ lớn có tài sản ròng trên 100 triệu USD ngoài VNH và VOF đã nói ở trên, quỹ Mutual Elite Fund của PYN quản lý 351 triệu USD cũng có mức tăng 14% từ đầu năm, VEIL của Dragon Capital quản lý 932 triệu USD tăng 13,37%, quỹ DWS Vietnam Limited có tài sản 353 triệu USD tăng 12,95%, quỹ JP Morgan Vietnam Opportunities Fund có tài sản 180 triệu USD tăng 11,8%, VEEF của PXP Vietnam có tài sản 119 triệu USD tăng 9,86%.

Tăng trưởng NAV của các quỹ trong 6 tháng đầu năm (nguồn DOBF)
Tăng trưởng NAV của các quỹ trong 6 tháng đầu năm (nguồn DOBF)

Có được đà tăng trưởng vượt trội so với Vn-Index là nhờ danh mục của các quỹ chủ yếu là các cổ phiếu cơ bản và bluechips, trong khi đầu năm dòng tiền tập trung vào các cổ phiếu cơ bản và có các câu chuyện riêng như câu chuyện mở room của Vinamilk.

5 quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất đang đầu tư vào Việt Nam hầu hết đều là các gương mặt cũ như quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) của Dragon Capital với tổng tài sản 932 triệu USD, quỹ Vietnam Opportunity Fund Ltd (VOF) của Vinacapital với tổng tài sản 796 triệu USD, quỹ PYN Elite Funds với tổng tài sản 370 triệu USD (331 triệu EUR, 90% danh mục đầu tư tại thị trường Việt Nam), quỹ DWS Vietnam Fund của Deustche Bank với tổng tài sản 366 triệu USD, quỹ JP Morgan Vietnam Opportunities Fund với tài sản 180 triệu USD…Điểm chung của các quỹ này là trong danh mục hầu hết đều có Vinamilk.

Vietnam Holdings

Tổng tài sản của Vietnam Holding tại thời điểm 30/6/2016 đạt 146,8 triệu USD, NAV/cp đạt 2,678 USD/cp, tính riêng trong tháng 8, NAV của VNH tăng 10,9%, 6 tháng tăng gần 20%. Vietnam Holidng vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Danh mục của quỹ này tại thời điểm 30/6 bao gồm TRA (12,66% NAV), cổ phiếu này tăng 87,6% trong 6 tháng, PNJ (9,6% NAV) cổ phiếu này cũng có mức tăng hơn 82%, ngoài ra trong danh mục của VNH có nhiều cổ phiếu tăng mạnh như VNM, TLG, HPG, HSG, DRC, BMP…

Top 10 cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất trong danh mục của Vietnam Holding tại thời điểm 30/6
Top 10 cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất trong danh mục của Vietnam Holding tại thời điểm 30/6

Vietnam Oppotunities Fund - VinaCapital

Theo DOBF, VOF tăng trưởng âm trong năm 2015, nhưng thành tích 6 tháng đầu năm 2016 rất tốt. Họ xếp thứ 2 về mức tăng trưởng, đạt 17.9% chỉ sau Vietnam Holding. Thành tích này có được nhờ quỹ nắm giữ HPG và PNJ, những cổ phiếu đã tăng mạnh giai đoạn vừa rồi. Trong phân bổ tài sản, ngành F&B chiếm tỷ trọng lớn nhất (24% danh mục) với ba cổ phiếu Vinamilk, thực phẩm IDP, đường Quảng Ngãi nằm trong top 10 cổ phiếu nắm giữ. Gần đây VOF cho biết họ sẽ thoái vốn đầu tư trực tiếp vào các dự án bất động sản, và động thái gần nhất là bán cổ phần tại dự án Century 21.

Trong năm 2016, VOF cũng đã dành được 2 thành tích quan trọng trong hoạt động, khi chuyển sang niêm yết tại thị trường London và mới đây được đưa vào rổ cổ phiếu FTSE All Share/Small Cap Index. Hiện tại giá giao dịch chứng chỉ quỹ VOF có mức chiết khấu 26% so với NAV.

Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VOF tại thời điểm 30/6
Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VOF tại thời điểm 30/6

Vietnam Equity Fund (VEUF) - Dragon Capital

Đứng thứ ba trong Top các quỹ đầu tư có tăng trưởng NAV tốt nhất 6 tháng đầu năm 2016, trong năm 2015, VEUF cũng nằm trong top 5 các quỹ đầu tư có NAV tăng trưởng tốt. Quỹ này năm ngoái quản lý danh mục khoảng 15 triệu USD tuy nhiên ở thời điểm 30/6 giá trị tài sản ròng của quỹ lên đến 27 triệu USD cho thấy quỹ này tiếp tục được rót thêm vốn.

Danh mục của quỹ có khá nhiều cổ phiếu tăng giá tốt trong 6 tháng đầu năm như Vinamilk, NT2, MWG, DHG, HPG, CTD, ngoài ra quỹ này còn nắm giữu FPT, DQC, MBB và DRC...

Theo đánh giá của Dragon Capital, quỹ này vẫn có cái nhìn tích cực về TTCK Việt Nam với PE forward năm 2016 ở mức 15,3 lần và tăng trưởng EPS ở mức 11,6%, Việt Nam vẫn đang hấp dẫn hơn các nước trong khu vực cả về mặt định giá và tốc độ tăng trưởng.

Vietnam Enterprise Investment Limited - Dragon capital

Hoạt động tại Việt Nam trên 20 năm, VEIL vẫn là quỹ đầu tư lớn nhất và lâu đời nhất trên thị trường chứng khoán. Năm 2015 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử của quỹ, khi Dragon Capital sáp nhập quỹ Vietnam Growth Fund (VGF) vào VEIL, để đưa giá trị tổng tài sản lên gần mức 1 tỷ USD như hiện nay. Vào tháng 7 vừa rồi, VEIL cũng đã chuyển niêm yết từ sàn giao dịch chứng khoán Irish sang sở giao dịch chứng khoán London. Tại thời điểm 30/6, NAV của VEIL đạt khoảng 888 triệu USD tuy nhiên đến thời điểm 30/7 NAV của quỹ đã tăng lên 930 triệu USD nhờ tỷ trọng của VNM trong danh mục chiếm tới 18,8%.

Trọng điểm đầu tư của VEIL là các Bluechip trên thị trường niêm yết, tập trung vào các ngành F&B, bất động sản và tài chính (chiếm 65% tổng danh mục). Năm 2015, nhờ mức tăng trưởng vượt bậc của Vinamilk (tăng 60.8% cả năm) đã giúp cho quỹ này kết thúc năm với kết quả không tệ, tổng tài sản vẫn tăng trưởng 5.6% bất chấp tiền đồng mất giá 5% so với USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, VEIL tăng trưởng 11.98% chủ yếu do sức tăng của VNM,VCB. Ngoài cổ phiếu niêm yết, VEIL còn nắm giữ một số ít trái phiếu, cổ phiếu OTC và đầu tư Private Equity (tỷ lệ dưới 10%). Là quỹ đóng niêm yết tại London, giá cổ phiếu của VEIL hiện đang discount khoảng 20% so với NAV.

Top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VEIL
Top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VEIL

DWS Vietnam Fund

Theo DOBF, được thành lập bởi công ty QLQ trực thuộc Deutsche Bank, hiện nay DWS VF được đồng quản lý bởi DeAM Asia và Duxton AM. Năm 2016 sẽ đánh dấu những chuyển biến khó lường cho quỹ này, khi thay đổi ban điều hành đồng thời là cuộc họp cổ đông diễn ra vào cuối năm nay quyết định hướng đi tiếp theo của quỹ.

Danh mục đầu tư của DWS VF bao gồm cả cổ phiếu niêm yết, cổ phần tư nhân, trái phiếu và thậm chí là chứng chỉ quỹ VEIL hay PXP VEEF. Giống với chiến lược của DeAM khi đầu tư tại Việt Nam, DWS VF nắm giữ hầu hết các bluechip như VNM, FPT, HPG… và phân bổ phần lớn danh mục vào ngành thực phẩm (chiếm 40% tổng danh mục). Trong lĩnh vực đầu tư cổ phần tư nhân, DWS VF nắm giữ những cái tên tiềm năng như GreenFeed (công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đứng thứ hai về thị phần) hay VTC Online. Kết quả đầu tư của DWS VF gần đây khá tốt, năm 2015 tổng tài sản tăng 4.55% trong khi 6 tháng đầu năm nay NAV đã tăng 8.8%.

Niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Irish, giá cổ phiếu của DWS Vietnam Fund tăng nhanh hơn NAV, chủ yếu do quỹ này trong giai đoạn 2013 - 2014 có mức chiết khấu cao. Mức chiết khấu hiện tại (chênh lệch giữa giá và NAV) khoảng 20%.

Theo Phương Mai

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên