MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Quy tắc đầu tư vàng] Câu chuyện ngụ ngôn “bẫy gà tây” và bài học khắc cốt trong đầu tư chứng khoán

Nếu không biết quản trị rủi ro thì việc tham gia thị trường chứng khoán chẳng khác nào chơi một trò chơi may rủi…

Một ông lão đang tìm cách bắt lũ gà tây hoang trên cánh đồng làng. Ông ta có một cái bẫy gà tây, thiết bị thô sơ bao gồm một cái hộp lớn có cửa gắn bản lề ở trên đỉnh. Cánh cửa này được giữ mở lên bằng một thanh chống có cột đoạn dây nối dài khoảng hơn 30m về phía sau tới chỗ người canh gác cái bẫy.

Một ít hạt bắp được rải dọc theo đường đi để nhử lũ gà tây vào bẫy. Sau khi đã vào trong, lũ gã sẽ phát hiện ở trong đó còn có nhiều bắp hơn. Khi thấy chỗ gà chui vào bẫy đã đủ, ông lão sẽ giật thanh chống ra để cánh cửa sập xuống.

Một khi cánh cửa đã sập xuống, ông ta sẽ không thể mở nó trở lên mà không phải đi ra chỗ cái hộp và điều này đương nhiên sẽ làm lũ gà còn ẩn nấp bên ngoài bẫy sợ hãi và chạy mất. Thời điểm giật thanh chống ra là khi có nhiều gà tây nhất chui vào bẫy theo như mong đợi của người đi săn.

Một ngày kia có 12 con gà chui vào bẫy của ông ta. Sau đó 1 con bước ra, còn lại 11 con. "Uổng quá, phải chi mình giật sợi dây khi còn đủ 12 con ở trong đó, " ông lão nghĩ, " Mình sẽ chờ thêm 1 phút, có thể con kia sẽ quay trở vào."

Trong khi ông lão đang chờ con gà tây thứ 12 quay lại, thêm 2 con nữa bước ra khỏi bẫy. " Đáng lẽ mình phải biết hài lòng với 11 con," người đặt bẫy nghĩ." Ngay khi một con nữa quay trở lại, mình sẽ giật dây."

Thêm 3 con nữa bước ra ngoài, và người đàn ông vẫn chờ đợi. Đã từng chứng kiến 12 con gà tây trong bẫy của mình, ông không muốn về nhà với ít hơn 8 con gà. Ông không thể từ bỏ ý nghĩ rằng một vài con gà ban đầu sẽ quay trở lại. Đến khi cuối cùng chỉ còn một con gà tây duy nhất ở trong bẫy, ông ta nghĩ, " Mình sẽ đợi tới khi nào nó đi ra hoặc một con khác bước vào, rồi mình sẽ về." Con gà tây cô độc còn lại chạy vội theo đàn, và ông lão trở về trắng tay.

Bài học về việc quản trị chặt chẽ danh mục đầu tư (kiểm soát tốt lãi/lỗ)

Đây là một câu chuyện ngụ ngôn vui nhưng mỗi nhà đầu tư chứng khoán nên chú ý kỹ hơn để tránh vì lòng tham gặp phải những tình huống "trắng tay" như thế này. Vốn dĩ tâm lý của nhà đầu tư thông thường cũng không khác nhiều so với ông lão bẫy gà tây kia. Họ hy vọng nhiều gà tây sẽ quay lại cái hộp hơn là lo sợ rằng tất cả lũ gà còn lại sẽ bước ra và họ sẽ trắng tay.

Liên hệ đến thực trạng hiện nay, nhiều nhà đầu tư vốn dĩ cho rằng việc tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán là việc quan trọng nhất. Quan niệm đó đúng nhưng không hoàn toàn là tất cả. Bên cạnh việc tìm kiếm lợi nhuận thì việc giữ tiền trên thị trường chứng khoán mới là việc quan trọng nhất. Vì chỉ khi bạn còn tiền thì bạn mới còn cơ hội, mất tiền là bạn mất cơ hội, mất hết tiền sẽ đồng nghĩa với việc mất hết cơ hội.

Đôi lúc chúng ta vẫn thường tự hỏi bản thân "Đầu tư liệu có phải đơn thuần chỉ là việc chúng ta mua rẻ bán đắt"? Thật tuyệt vời nếu lúc nào cũng có thể mua được 1 cổ phiếu lúc giá thấp nhất và bán được cổ phiếu đó khi đang giá đang lên cao đỉnh điểm song thực hiện được điều này thường xuyên là việc rất khó khăn. Có thể thấy rằng bất cứ một chiến lược đầu tư nào cũng khó mà mang lại thành công 100%, thông thường theo thống kê thì một danh mục đầu tư với xác suất 70-85% lợi nhuận đã được liệt kê là một danh mục thành công.

Quản trị được mức dừng lỗ là một việc rất quan trọng trong mỗi cuộc săn tìm lợi nhuận từ công việc đầu tư, chính điều tưởng chừng tưởng như là đơn giản này lại giúp cho các nhà đầu tư cá nhân tránh được đến 90% những lần đua lệnh mua cổ phiếu trong những phiên thị trường đang "hào hứng" hay thậm chí đua theo mã cổ phiếu đang trên đà hưng phấn nhất trong phiên. Ví dụ cụ thể sau sẽ cho nhà đầu tư cái nhìn khách quan hơn:

Trường hợp 1: Khi đầu tư 1 danh mục có 10 mã, nếu muốn xác xuất thành công của danh mục là 60%, khi bạn mua 10 mã CP mà giả sử có 6 mã lãi 4 mã lỗ. Tuy nhiên mỗi mã lãi chỉ 5% và lỗ đến tận 10% vậy thì tổng kết danh mục đầu tư vẫn lỗ 10% trên toàn danh mục. Đây là một trường hợp điển hình về một danh mục đầu tư thành công tuy nhiên quản trị rủi ro không tốt nên vẫn lâm vào trường hợp thua lỗ.

Trường hợp 2: Khi đầu tư 1 danh mục có 10 mã, nếu muốn xác suất thành công của danh mục là 40% thì trong đó cần phải có 4 mã lãi (với mức lãi TB là 10%/mã) và 6 mã lỗ ( nhưng chỉ để mức chặn lỗ dừng lại ở 4%) thì tổng kết lại cả danh mục đầu tư đúng thời điểm" đã giúp tài khoản NĐT ví dụ trên không lâm vào tình trạng quá nghiêm trọng.

Trên thực tế thì việc cắt lỗ không bao giờ là sai vì nếu mắc phải lỗi không dám dứt khoát thì cái giá phải trả còn đắt hơn rất nhiều. Khi 1 cổ phiếu đã mất tới 50% giá trị thì nó phải tăng tới 100% mới hòa được vốn, thậm chí 1 cổ phiếu nếu mất tới 75% giá trị thì nó phải tăng gần 300% mới trở lại được giá trị ban đầu. Mà thực tế trên thị trường để tìm được một cổ phiếu tăng lên 50-100% đã là rất khó huống chi 300%!

Bởi vậy, qua câu chuyện trên chúng ta thấy rằng nếu không biết quản trị rủi ro thì việc tham gia thị trường chứng khoán chẳng khác nào chơi một trò chơi may rủi. Bạn chỉ thực sự chiến thắng khi biết chốt lời và cắt lỗ đúng thời điểm để tổng tài sản sau quá trình đầu tư lớn hơn số vốn bỏ ra đầu tư ban đầu mà thôi.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên