MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Quy tắc đầu tư vàng] Câu chuyện ngụ ngôn đàn thỏ và bài học khắc cốt trong đầu tư chứng khoán

Hoạt động đầu tư là hoạt động phải dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng, hứa hẹn sự an toàn của vốn và mang lại phần lời lãi thỏa đáng. Các hoạt động không đáp ứng được các yêu cầu đó có thể gọi tên là hoạt động đầu cơ…

Ngày xưa, ở một đảo trù phú có một ngôi làng sống rất êm đềm và mọi người rất thương yêu dùm bọc lẫn nhau. Họ phân chia công việc tùy theo sở trường của mỗi người, người đi cày cấy, người chăn nuôi, dạy học, kinh doanh, buôn bán… Nơi đây được mệnh danh là thiên đường dưới trần gian mà ai cũng muốn đến sinh sống. Tuy nhiên, dân làng ở đây có một chút rắc rối nhỏ, đó là khu làng có rất nhiều thỏ. Chuyện tưởng bình thường, nhưng vì thỏ sinh sản quá nhanh nên chúng xuất hiện khắp nơi và thỉnh thoảng phá hoại nông sản của làng. Vì vậy, mọi người trong làng thường không thích thỏ, họ luôn tìm cách xua đuổi lũ thỏ phá hoại này đi càng xa càng tốt.

Thời gian cứ trôi đi mãi đến một ngày kia, có một thương gia giàu có đến đảo, ông nghe hòn đảo này có nhiều thỏ và tỏ ý muốn mua. Một thời gian sau, thương gia đã lập ra công ty thu mua thỏ, xây dựng trang trại thật to trên đất của làng. Thế là ông thông báo cho dân làng trên đảo rằng: ông sẽ mua lũ thỏ với giá 5 đồng vàng/con. Đồng thời ông thông báo chỉ mua thỏ thiên nhiên, không mua thỏ nuôi. Điều này, thật tuyệt với người dân trên đảo khi với giá 5 đồng vàng đã gấp nhiều lần số tiền họ thu được từ việc trồng trọt nông sản thường ngày. Thế là mọi người đi bắt thỏ xung quanh nhà mình bán lại cho người thương gia.

Vậy là, ngoài công việc thường ngày kiếm sống, dân làng lại có thêm một nghề tay trái "bắt thỏ". Việc thu nhập từ việc bắt thỏ trước mắt đã giúp cho đời sống dân làng ngày được cải thiện hơn. Con thỏ từ một con vật bị xua đuổi thành con vật quí đối với dân làng ở đây. Thỏ trở thành đề tài thảo luận của mọi người ở khắp nơi.

[Quy tắc đầu tư vàng] Câu chuyện ngụ ngôn đàn thỏ và bài học khắc cốt trong đầu tư chứng khoán - Ảnh 1.

Mặt khác, việc dân làng nô nức săn bắt thỏ làm cho số lượng thỏ càng giảm, việc tìm bắt khó khăn hơn. Vì giá thỏ tăng cao, nên việc tìm kiếm ngày một được tham gia đông đảo của nhiều tầng lớp trong làng. Khắp nơi "Người người bắt thỏ, nhà nhà bắt thỏ" và nghề bắt thỏ trở thành nghề làm ăn phát đạt nhất, kiếm tiền thời vụ dễ nhất. Nên mọi người bắt đầu vay tiền mọi nguồn có thể, thế chấp nhà cửa đầu tư vào kinh doanh thỏ.

Cho đến một hôm nhà đầu tư nọ thông báo sẽ nâng giá mua lên 10 đồng vàng/con nhưng số lượng thỏ bẫy được đem bán cũng không tăng là bao. Thấy vậy, nhà đầu tư thông báo với dân làng là mình phải đi nơi khác "gom" và sẵn sàng trả tới 20 đồng vàng/con trong thời gian tới nếu dân làng bắt được. Nhưng có một thực tế khi nhìn lại là số thỏ ngoài tự nhiên chẳng còn bao nhiêu so với số lượng mà dân làng đã bắt được và bán cho nhà đầu tư nọ với giá 5 đồng vàng/con.

Một thời gian sau, bỗng dân làng thấy xuất hiện một "nhóm người bán thỏ" với giá hời 10 đồng vàng/con và tất nhiên, người ta đổ xô đi mua với hy vọng sẽ bán được với giá 20 đồng vàng/con cho "nhà đầu tư" nọ. Họ huy động mọi nguồn lực, tranh nhau mua, ai mua được thì hả hê, ai không mua được thì kêu than, vật vã vì tiếc của… Rồi cũng đến lúc dân làng không còn gì để tiếp tục mua nữa thì nhóm bán thỏ kia cũng ra đi. Dân làng đợi hoài, 1 tuần - 1 tháng - nửa năm rồi 1 năm sau cũng không thấy nhà đầu tư nọ quay lại. Kết quả là dân làng đã nghèo lại thêm nghèo vì tốn tiền chăm nuôi (kiểu như lãi mẹ đẻ lãi con) và cuối cùng phải… cắt lỗ bằng cách mở "cửa chuồng".

Cảnh tỉnh hoạt động đầu cơ trên thị trường chứng khoán

Đây là một câu chuyện ngụ ngôn vui nhưng mỗi nhà đầu tư chứng khoán nên chú ý kỹ hơn để tránh vì lòng tham mắc phải những chiếc bẫy như thế này. Bởi vốn dĩ hoạt động đầu tư là hoạt động phải dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng, hứa hẹn sự an toàn của vốn và mang lại phần lời lãi thỏa đáng. Các hoạt động không đáp ứng được các yêu cầu đó có thể gọi tên là hoạt động đầu cơ.

Liên hệ đến thực trạng hiện nay, thiết nghĩ vốn dĩ ước mong đầu tư chứng khoán và kiếm được lợi nhuận chẳng có gì xấu. Chỉ có điều, như người dân làng kia, cũng có thể coi họ là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có lẽ họ bị điều khiển bởi "lòng tham" mà quên mất nỗi "sợ hãi" là có thể mất của. Âu cũng là bài học khi đã là nhà đầu tư vốn kinh doanh dựa trên hoạt động mua đi bán lại cổ phiếu nhằm bán lại với giá chênh lệch cao hơn thì nên trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức nền tảng cần thiết, đồng thời phải có sự "sợ hãi" ghìm phanh, tránh những rủi ro không thể khắc phục được khi thị trường biến động trái chiều.

Chính vì vậy, có thể kết luận, chứng khoán hay con thỏ đều có giá. Giá của nó có thể là giá trị và trong một chừng mực nhất định được phản ánh thông qua giá cả mua bán trên thị trường. Giá thị trường có thể biến đổi theo quan hệ cung cầu và không phải lúc nào cũng theo chiều mong muốn của chúng ta. Chúng ta cần chấp nhận chung sống "hòa bình" trên thị trường, đồng thời cũng phải trang bị đầy đủ những kiến thức để biết được giá trị thực của chứng khoán ở đâu, tránh những chiêu lừa như những dân làng trong câu chuyện trên.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên