[Quy tắc đầu tư vàng] Hành động ra sao trước những tình huống bất ngờ ập tới từ thị trường chứng khoán?
Chúng ta thường chủ quan khi sóng yên biển lặng, nhưng trước khi xảy ra những cơn sóng thần cuồng phong, đại dương cũng thường êm ả lạ thường…
Ed Seykota, một thiên tài đầu tư chứng khoán lỗi lạc lâu năm nổi tiếng đã kiếm được hàng triệu đô-la trên thị trường chứng khoán đã từng đúc kết " Trước những cơn bão cuồng phong, đại dương vốn thường êm ả lạ thường. Đừng quên thị trường chứng khoán cũng không nằm ngoài ngoại lệ".
Dường như con đường mà mỗi chúng ta bước đi trong quá trình đầu tư chứng khoán với trăm nghìn khó khăn, đầy rẫy chông gai luôn để lại cho mỗi nhà đầu tư những dư vị cảm xúc khó quên. Đặc biệt là những kỉ niệm khi phải đối mặt với những tình huống sống còn bất ngờ ập đến từ thị trường chung khiến NĐT phải rùng mình mỗi khi nhắc lại. Tất cả chúng ta đều từng chí ít một vài lần phải đối diện với những tình huống nằm ngoài dự đoán, không cách nào ta có thể tránh khỏi được điều này đơn giản chẳng có hệ thống giao dịch nào có thể lập lại mãi mãi.
Đã bước chân vào thị trường chứng khoán, bản thân mỗi chúng ta bắt buộc phải chấp nhận và đối mặt với những nghịch cảnh, những cơn bão bất ngờ ập tới từ thị trường. Dưới đây là 5 nguyên tắc sống còn giúp bạn vượt qua mọi "cơn bão tố bất ngờ" trong thế giới đầu tư:
1. Chuẩn bị kĩ càng mọi kiến thức cũng như kĩ năng trong công việc đầu tư
Tôn Tử đã từng nhận định "Tất cả mọi trận chiến đều đã định đoạt thắng thua ngay trước khi nó thực sự bắt đầu". Dường như tất cả mọi nhà đầu tư muốn chiến thắng thì cần phải có sự chuẩn bị. Thị trường bản chất là hỗn loạn, không tồn tại sự chắc chắn. Để sống sót được, nhà đầu tư cần phải chuẩn bị trước mọi kịch bản có thể xảy ra. Hãy luôn lên kế hoạch cho những tình huống xấu nhất mà chúng ta có thể gặp phải trước khi vào lệnh và tuân thủ nghiêm ngặt mọi nguyên tắc quản trị đề ra nếu có biến cố ập tới bất ngờ.
2. Quyết định dựa vào dữ kiện, không dựa vào cảm xúc
Việc hạn chế tối đa rủi ro trước những cơn bão ập tới trong đầu tư chứng khoán quan trọng không kém việc tìm kiếm cơ hội đầu tư trong tương lai. Thông thường để hạn chế rủi ro trong đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư cần được trang bị kiến thức về thị trường, chút ít phân tích kĩ thuật đồng thời thành thạo về cả phân tích cơ bản các thành tố của thị trường chứng khoán như: Phân tích môi trường vĩ mô trong và ngoài nước, phân tích các công ty niêm yết (chú ý phân tích làm rõ các khía cạnh như lợi thế cạnh tranh, năng lực quản trị công ty, tình hình tài chính công ty, chu kỳ ngành…). Đồng thời xác định đúng giá trị nội tại của cổ phiếu và hiểu rõ bản chất sự dao động giá trên thị trường chứng khoán, phân tích và lựa chọn thời điểm mua bán có lợi nhất.
Ngoài ra, NĐT cũng nên rèn luyện thói quen thực hiện các cuộc nghiên cứu phân tích độc lập, các nhà kinh doanh cổ phiếu thành công phải biết tự nghiên cứu và phân tích, không nên dựa vào ý kiến tư vấn của người khác. Cuối cùng là lựa chọn quan điểm đầu tư một cách nhất quán.
3. Quan trọng nhất là phải chấp nhận rủi ro trong phạm vi có thể chịu đựng
Một chiến lược đầu tư gọi là hiệu quả khi có thể giảm thiểu rủi ro và tăng cao lợi nhuận. Trong khi đó, các chiến lược kinh doanh hầu như phải chấp nhận mức rủi ro cao vì chính rủi ro cao đó là nguồn gốc của lợi nhuận cao. Nhà kinh doanh vì vậy phải chấp nhận những phi vụ thất bại, và đừng nên kỳ vọng rằng lúc nào họ cũng thắng được thị trường
Có thể nói trên thị trường chứng khoán, thua lỗ là cũng một phần của công cuộc đầu tư. Rủi ro lớn nhất là khi chúng ta không dám chấp nhận rủi ro. Trong một thế giới thay đổi nhanh với tốc độ chóng mặt, thì cách duy nhất để thất bại là không chấp nhận rủi ro. Điều này nghĩa là tất cả mọi NĐT đều tồn tại một xác suất thua lỗ nào đó, bỏ tiền vào thị trường nghĩa là chính chúng ta đã chấp nhận đặt cược với rủi ro. Cách tốt nhất là quản trị thật tốt. Thay vì sợ hãi, hãy để rủi ro đó giúp bạn thành công thay vì tham lam để rồi đốt cháy tất cả.
4. Biết tận dụng các xu thế thị trường, tìm ra cơ hội trong cơn bão tố
Một đặc điểm khác của các nhà đầu tư thành công là họ luôn biết lấy các xu thế thị trường để làm lợi cho mình. Một nhà đầu tư bình thường sẽ hoảng loạn khi thị trường biến động, nhưng một nhà đầu tư chuyên nghiệp lại rất nóng lòng chờ đón điều đó. Đơn giản vì họ có thể kiếm tiền từ việc này. Hãy coi những sự biến động hỗn loạn của thị trường là bạn chứ đừng coi là thù.
5. Khi còn nghi ngờ, hãy rời xa khỏi thị trường
Trì hoãn sẽ đỡ tốn kém hơn là thua lỗ. Việc làm rõ những rủi ro và khả năng chấp nhận rủi ro đó thì sẽ có ích hơn nhiều so với việc chỉ quan tâm đến các yếu tố tích cực. Dường như sai lầm lớn nhất của 99 trong số 100 người đó là tin tưởng rằng thị trường sẽ còn đi lên khi nó đã ở đỉnh và còn đi xuống khi đã ở đáy. Vì vậy, đừng theo đuổi những gì bạn cho là không còn hợp lý, cho dù lợi nhuận mà bạn mất đi nếu không làm như thế có lớn đến đâu chăng nữa.