MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Quy tắc đầu tư vàng] Ken Shibusawa – Tỷ phú đầu tư có nụ cười nhân hậu với chiến lược “Đầu tư không chỉ vì bản thân sẽ đem lại thành công và hạnh phúc bền lâu”

Mục tiêu ban đầu của Ken ngay từ đầu anh hướng tới rất khác biệt với những quỹ khác, không chỉ nhận vốn từ những người giàu có thông thường, quỹ còn chủ yếu nhắm tới những người già đã về hưu tại đất nước Nhật Bản…

Ken Shibusawa sinh tháng 11 năm 1976 tại Nhật Bản trong một gia đình thượng lưu có truyền thống hiếu học, ông nội của anh chính là cụ Eiichi Shibusawa – một trong những nhà doanh nghiệp vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của Nhật Bản.

Ông nội của Ken được xem là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của nền tài chính Nhật Bản hiện đại với linh hồn là các doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh. Cụ cũng là bậc vĩ nhân không bao giờ đặt mục tiêu truy cầu lợi nhuận lên trước lợi ích cộng đồng và chính là người vĩ đại đã mở cửa cho thị trường chứng khoán Nhật Bản thời bấy giờ. Chính bởi những thành quả to lớn mà ông nội để lại, ngay từ nhỏ Ken đã có ý thức được việc học hành để có thể đóng góp trí tuệ mai sau.

Ngay từ bé, anh học rất giỏi và bộc lộ khả năng với những con số. Khác với ông nội mình sang châu Âu học hỏi, anh Ken lại lựa chọn con đường du học sang nước Mỹ. Texas chính là nơi anh đã trải qua những năm tháng cắp sách đến trường suốt cả giai đoạn cấp 3 và theo đuổi ngành kỹ sư tại đại học trong ba năm sau đó.

Năm 1983, anh tiếp tục theo học cao học MBA tại trường đại học California và nhận được tấm bằng vào năm 1985. Hai năm sau đó, Ken bắt đầu công việc tại JPMorgan và Goldman Sachs, trước khi trở thành một chuyên viên giao dịch cho công ty Moore Capital của Louis Bacon.

Mười năm sau đó, anh đầu quân về văn phòng của Moore ở Tokyo và bắt đầu sự nghiệp riêng của mình tại quê nhà. Năm 2008, anh đã sáng lập ra công ty quản lý tài sản của riêng mình với tên gọi Commons Asset Management. Sứ mệnh của quỹ ngay khi mới bắt đầu thành lập là khiến các cá nhân thấy được thị trường chứng khoán là nơi tốt nhất để tiết kiệm cho tương lai, và để thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia bằng cách bỏ vốn vào các công ty có nền tảng cơ bản tốt nhất.

[Quy tắc đầu tư vàng] Ken Shibusawa – Tỷ phú đầu tư có nụ cười nhân hậu với chiến lược “Đầu tư không chỉ vì bản thân sẽ đem lại thành công và hạnh phúc bền lâu” - Ảnh 1.

Mục tiêu ban đầu của Ken ngay từ đầu anh hướng tới rất khác biệt với những quỹ khác, không chỉ nhận vốn từ những người giàu có thông thường, quỹ còn chủ yếu nhắm tới những người già đã về hưu tại đất nước Nhật Bản thay vì việc gửi tiền vào nhà băng với lãi suất gần không đồng thì có thể tin tưởng đầu tư vào cổ phiếu bằng cách đưa ra một phương án đầu tư theo chiến lược mua và giữ với chi phí thấp.

Ken tin rằng quyết định của mình là đúng sau khi chứng kiến những người lao động nghèo khổ trên đường phố Nhật Bản dù đã quá tuổi lao động vẫn phải đi làm những công việc tay chân để kiếm sống. Dù ít hay nhiều tiền, chỉ cần tin tưởng vào quỹ của anh, Ken tự tin mình sẽ đầu tư thành công để phần nào đó giúp được những người già này. Cũng theo anh "Đầu tư không chỉ vì bản thân sẽ đem lại thành công và hạnh phúc bền lâu".

Chia sẻ với Forbes, Quỹ Commons phần lớn thường sử dụng các số liệu như khả năng sinh lợi, khả năng cạnh tranh sau đó đi nghiên cứu thực tế doanh nghiệp và đưa ra định giá khách quan nhất để chọn các cổ phiếu đầu tư. Điều quan trọng nhất của các doanh nghiệp quỹ chọn chính là yếu tố minh bạch của công ty cũng như văn hóa doanh nghiệp.

Ken cho biết anh chủ yếu thích những cổ phiếu thuộc nhóm Bluechips, anh nghiên cứu kĩ và sau đó lựa chọn. Anh cũng chia sẻ sẽ không ngần ngại mà gom cổ phiếu tốt khi thị trường rơi mạnh. Các blue-chips thành công theo cách đầu tư của Ken nổi bật nhất chính là cổ phiếu của Shiseido Co. và Mitsubishi Corp., đều tăng giá trong nhiều nay và không bị điều chỉnh quá nhiều khi thị trường sụt giảm vì những thông tin không rõ nguyên do.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, quỹ Commons của Shibusawa đạt được thành tựu đã đánh bại 88% các quỹ cùng cấp trong 5 năm giai đoạn 2013-2018 và cả chỉ số Topix của Nhật Bản. Bên cạnh tiếng tăm vang dội trong giới đầu tư – kinh doanh tại đất nước hoa anh đào, Ken còn là một trong những nhân vật nổi tiếng trong giới vận động từ thiện, khi suốt cả tuổi trẻ bên cạnh công việc đầu tư-kinh doanh, anh còn rất tâm huyết với việc làm từ thiện.

Để đạt được những thành công đó, anh chia sẻ hai kinh nghiệm chính sau:

Tập trung vào nghiên cứu kĩ doanh nghiệp trước khi nghĩ tới kiếm lợi nhuận

Làm sao để bảo toàn vốn là điều quan trọng hơn nhiều. Không nên cố gắng đạt 100% lợi nhuận và tốt hơn hết là thu được 60% lợi nhuận dự trù nhưng bảo đảm an toàn vốn. Đối với anh, "Không sợ mua cao – Chỉ cần bán phải cao hơn thế". Muốn làm được điều đó, quan trọng là nhà đầu tư phải thực sự hiểu về yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.

Quan tâm tới những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên vốn sử dụng càng cao, doanh nghiệp càng có lợi thế. Lý luận của Ken là trên quan điểm nhà đầu tư, họ mong muốn thu lại được nhiều tiền nhất có thể từ đồng vốn bỏ vào doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có khả năng sử dụng vốn hiệu quả, và điều này thể hiện bởi chỉ số ROCE. Trong đó:

ROCE = Lợi nhuận/ Vốn sử dụng, với Vốn sử dụng = Tổng Tài Sản – Nợ ngắn hạn (cách tính đơn giản nhất). Theo ông, có 2 điều cần lưu ý khi sử dụng chỉ số ROCE như:

Thứ nhất, một doanh nghiệp có ROCE cao trong một năm có thể chỉ là kết quả của lợi nhuận đột biến của doanh nghiệp trong năm đó. Do đó, điều cần quan tâm ở đây là liệu mức lợi nhuận cao đó có thể được duy trì trong những năm tiếp theo.

Thứ hai, đó là một công ty có ROCE cao, nhưng chưa chắc đã có khả năng tiếp tục tái đầu tư phần tiền sinh lợi ở cùng một mức ROCE như vậy. Một doanh nghiệp lý tưởng, theo Ken, sẽ có khả năng duy trì điều này trong nhiều năm. Điều này có được chủ yếu nhờ vào lợi thế cạnh tranh của mô hình kinh doanh đó.

Quản trị rủi ro là việc đặc biệt quan trọng

Dường như khi một nhà đầu tư không quan tâm đến việc quản trị rủi ro, khi có các biến động bất ngờ ngoài dự kiến trên thị trường thì sự thua lỗ sẽ đến rất nhanh chóng. Để chiến thắng trên thị trường chứng khoán cũng vậy. Là một nhà đầu tư chúng ta cũng phải học cách quản trị tốt rủi ro và thích nghi nhanh với sự thay đổi của thị trường. Bởi thị trường tài chính, nơi mà các lứa nhà đầu tư mới - cũ tồn tại đan xen, luôn thay đổi đến chóng mặt.

Có thể nói, đầu tư theo phương pháp cơ bản chính là một quá trình trải nghiệm đầy khốn khổ, đau đớn và đôi khi nó giống như một đấu trường sinh tử nơi mà chỉ những kẻ lỳ lợm nhất, khôn ngoan và chịu khó học hỏi, tìm tòi doanh nghiệp một cách sâu nhất nhất mới được quyền chiến thắng.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên