MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Quy tắc đầu tư vàng] Nhà sáng lập Melvin Capital Management chia sẻ bí quyết giảm thiểu rủi ro trong đầu tư chứng khoán

[Quy tắc đầu tư vàng] Nhà sáng lập Melvin Capital Management chia sẻ bí quyết giảm thiểu rủi ro trong đầu tư chứng khoán

"Chứng khoán là một sản phẩm đầu tư tài chính bậc cao, một sân chơi không dành cho những nhà đầu tư mù mờ không biết gì chỉ đầu tư theo phong trào đám đông và bản năng có sẵn"…

Gabriel Plotkin là một nhà quản lí quỹ đầu cơ và nhà từ thiện nổi tiếng người Mỹ. Ông là người sáng lập và điều hành Melvin Capital Management. Hiện tại, Melvin Capital do ông sáng lập đang đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu công nghệ  & tiêu dùng, được báo cáo là có tài sản 8 tỷ đô la đang được quản lý tính đến tháng 1 năm 2021.

Ông vốn gắn liền với câu nói nổi tiếng "Chứng khoán là một sản phẩm đầu tư tài chính bậc cao, một sân chơi không dành cho những nhà đầu tư mù mờ không biết gì chỉ đầu tư theo phong trào đám đông và bản năng có sẵn".

Nhắc về tuổi thơ, ông vốn sinh ra trong một gia đình thuần tuý người Mỹ tại thị trấn nhỏ. Ba ông là thợ cơ khí lành nghề nổi tiếng của vùng, còn mẹ ông làm giáo viên dậy nhạc. Ngay từ nhỏ, ông và người anh trai đã nhận được nhiều sự quan tâm từ cha mẹ tới việc học hành của con cái, sống trong trong sự che chở, quan tâm và bao bọc của ba mẹ suốt những năm tháng tuổi thơ chính là bước đệm vững chắc cho học hành và cả sự nghiệp sau này của ông.

Hồi còn trẻ, ông thường xuyên dành thời gian rảnh rỗi của mình cho việc đọc sách, ông thường một mình ngồi cả ngày trước những cuốn sách đa dạng các thể loại. Trùng với giai đoạn thị trường chứng khoán đang có những bước phát triển mạnh mẽ, ông sớm bị cuốn hút bởi lợi nhuận và những công thức tính toán phức tạp trên thị trường chứng khoán.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông đăng kí học tại đại học Northwestern với tấm bằng kinh tế. Sau khi tốt nghiệp đại học, Gabriel Plotkin gia nhập quỹ đầu cơ của Ken Griffin là Citadel LLC, và sau đó là quỹ đầu cơ North Sound Capital có trụ sở tại Connecticut. Trước khi thành lập Melvin Capital, Plotkin là một nhà giao dịch tại SAC Capital của Steve Cohen, nơi ông quản lý danh mục đầu tư chủ yếu là cổ phiếu tiêu dùng trị giá khoảng 1,3 tỷ đô la.

Trước năm 2021, Plotkin là một trong những nhà đầu tư có thành tích tốt nhất trong ngành quỹ phòng hộ. Ông đã làm việc cho Cohen trong 8 năm và là một trong những người kiếm nhiều tiền nhất. Sau đó, ông rời đi và thành lập Melvin vào tháng 12/2014. Theo 1 nhà đầu tư, dù thua lỗ trong năm 2018, tỷ suất sinh lời hàng năm của quỹ này vẫn đều đặn là 30% kể từ khi thành lập, trong khi năm 2016-2017 là xấp xỉ 60%.

Tuy nhiên, đến tháng 1 năm nay, một nhóm nhà đầu tư F0 trên Reddit bắt đầu nhắm đến các vị thế của công ty này. Họ đẩy mạnh việc tấn công GameStop và nhiều cổ phiếu khác mà công ty này bán khống. Tuy nhiên, lý do tại sao họ chọn Melvin vẫn là một bí ẩn. Theo các nhà quản lý quỹ, Plotkin là yếu tố then chốt. Ông thường không xuất hiện ở các sự kiện giao lưu. Dẫu vậy, đồng nghiệp cũ và các nhà đầu tư hiện tại cho biết ông là người tốt bụng, ít nói, không "gây thù chuốc oán" với ai.

Quay trở lại với những thành tích của ông trên thị trường chứng khoán nhiều năm trước đó, chiến lược mà ông theo đuổi suốt quá trình đầu tư và làm việc của mình chỉ đơn giản là "Nếu bạn làm tốt các công đoạn khi mua, thì thời gian bán là… không bao giờ".

Trong suốt quá trình đầu tư, ông cũng chia sẻ chủ yếu đầu tư vào các công ty có vốn hoá lớn và vừa, tuy nhiên phải là công ty có tiềm năng mà ông có thể phân tích được.

Những lời khuyên cụ thể trong đầu tư mà ông chia sẻ để giảm thiểu tối đa rủi ro như sau:

Coi đầu tư giống như chăm sóc vườn cây ăn quả

Ông có quan niệm "một danh mục đầu tư giống như một vườn cây ăn quả" và ông thường lựa chọn các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao, đang bị thị trường định giá thấp và sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu đó từ 3-5 năm. Và tất nhiên, kỳ vọng rằng tất cả các cây trong vườn đều cho quả đều đặn mỗi năm là điều khá phi lý.

Với ông, một vụ mùa thành công, có thể phải chờ đợi từ 3-5 năm. Khi đầu tư vào một công ty, ông thích những công ty không có hoặc có ít nợ. Ngoài ra, ban giám đốc cũng phải nắm giữ một lượng cổ phiếu nhất đinh để đảm bảo rằng lợi ích của ban giám đốc sẽ gắn liền với lợi ích của các cổ đông khác.

Hãy mua mặt hàng tốt nhất thay vì mặt hàng rẻ nhất

Số đông nhà đầu tư đều nghĩ rằng tốt nhất là nên mua lượng lớn cổ phiếu giá thấp thay vì số lượng nhỏ cổ phiếu giá cao; điều này mang đến cảm giác rằng họ đang mua được nhiều hơn với số tiền của mình. Tuy nhiên đây lại là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Tốt nhất là bạn nên mua 30 hoặc 50 cổ phần có giá cao của những công ty đang thể hiện thành tích tốt. Hãy suy nghĩ theo số tiền mà bạn đầu tư thay vì số cổ phần bạn có thể mua.

Hãy mua mặt hàng tốt nhất có thể, chứ không phải mặt hàng rẻ nhất. Nhiều nhà đầu tư không cưỡng lại nổi trước những cổ phiếu giá rẻ nhưng đa số các cổ phiếu được bán ở mức giá thấp đều có lý do giải thích cho sự rẻ mạt của chúng. Hoặc là chúng đã tỏ ra kém cỏi trong quá khứ hoặc là chúng đang gặp rắc rối ngay trong hiện tại.

Chỉ nên đánh đổi tham gia khi chúng ta thực sự biết rõ câu chuyện sắp tới đây của doanh nghiệp hay một thông tin đặc biệt nào đó có độ tin cậy cao. Hãy suy nghĩ đơn giản rằng cổ phiếu cũng như mọi thứ hàng hóa khác, đều theo quy luật tiền nào của ấy và dĩ nhiên mặt hàng tốt nhất không bao giờ có mức giá rẻ nhất.

Đầu tư trong vòng tròn năng lực của bản thân

Khi lựa chọn cổ phiếu ông chỉ lựa chọn trong vòng tròn năng lực  của bản thân. Điều quan trọng không phải là vòng tròn năng lực đó nhỏ hay lớn mà biết giới hạn của vòng tròn năng lực của mình và bạn chỉ đi trong đó.

Bước ra khỏi vòng tròn năng lực, bạn dễ dàng đưa ra những quyết định thua lỗ và sai lầm. Trên thị trường, để có được lợi nhuận cao hơn người khác, bạn phải có kiến thức tốt hơn về doanh nghiệp mà bạn đầu tư. Để thành công, bạn chỉ nên chăm chăm vào các công ty mà bạn có thể hiểu và đánh giá tốt. Hoặc là thuần phương pháp cơ bản, hoặc là thuần kĩ thuật, hãy lựa chọn cổ phiếu trong tầm hiểu biết của bản thân.

Biết khi nào cần bán

Plotkin đã từng nói: "Nếu bạn làm tốt các công đoạn khi mua, thì thời gian bán là… không bao giờ". Có thể nhà đầu tư thông thường vốn luôn muốn tìm lí do để nghĩ tốt cho doanh nghiệp mà mình lựa chọn đầu tư, tuy nhiên không phải lúc nào thực tế cũng đúng.

Do đó ông khuyên với mỗi nhà đầu tư khi quyết định bán cổ phiếu thì lý do bán cũng nên hài hòa với lý do mua, những lý do mua không còn giá trị thì nên cân nhắc bán. Nói cách khác, khi mắc sai lầm trong phân tích hay triển vọng kinh doanh xấu đi thì đó là thời điểm để bán.Một điều nữa để bán đối với những nhà đầu tư có nguồn vốn giới hạn, là bán để mua những cơ hội khác tốt hơn.

Lê Hằng

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên