MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy tắc đầu tư “vàng”: Những điều cần ghi nhớ khi quyết định nhấn lệnh MUA cổ phiếu

Trước khi quyết định nhấn nút “ enter” dùng khoản tiền nhàn rỗi của mình để đầu tư mua cổ phiếu của một công ty, bạn hãy nhớ lại những điều này.

Tự rà soát lại nguyên tắc mua cổ phiếu của bản thân

Mỗi một nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường cổ phiếu đều mong muốn sau khi nhấn lệnh enter để “buy stock” thì cổ phiếu sau đó sẽ lên. Nhiều NĐT luôn có suy nghĩ nếu không nhanh tay thì cổ phiếu đó sẽ mau chóng tăng giá và thậm chí “mất hàng”. Tất nhiên điều này có thể xảy ra khi ta hoàn toàn tự tin vào kiến thức, phương pháp cũng như kinh nghiệm đầu tư của bản thân. Song số này trên thị trường chứng khoán lại chiếm không nhiều.

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều các chiến lược & trường phái đầu tư có thể mang lại thành công cho NĐT như chiến lược đầu tư theo tăng trưởng, chiến lược đầu tư giá trị hay chiến lược đầu tư dựa theo phân tích kĩ thuật. Mỗi một NĐT khác nhau lại có những chiến lược sao cho phù hợp với phong cách trading của bản thân. Chính vì thế mỗi khi “quyết định” nhấn lệnh mua, NĐT cá nhân nên rà soát kĩ lưỡng lại các điều kiện cần và đủ tự đặt ra trong giới hạn phương pháp của mình.

VD: Một NĐT cá nhân vốn phù hợp với chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng thì trước khi đầu tư cần phải xem xét lại các khía cạnh của cổ phiếu liên quan tới đà tăng trưởng như là chọn lựa những cổ phiếu không phải đã tăng quá nhiều mà là đang có “đà tăng trưởng mạnh”. Những CP có đà tăng trưởng mạnh chính là những CP dẫn dắt đà tăng của thị trường khi thị trường uptrend, thường những CP này sẽ chạy trước và xuống sau thị trường, thậm chí khi thị trường đảo chiều đi xuống thì những CP có đà tăng trưởng mạnh này chưa xuống ngay mà còn phải mất 1 thời gian từ từ xuống. Lựa chọn những cổ phiếu đúng nguyên tắc & chiến lược của bản thân như vậy sẽ đem lại hiệu quả cao và sự chủ động hơn cho NĐT khi đã nắm giữ ở vị thế tốt.

Lựa chọn suy nghĩ kĩ lưỡng về thời điểm đầu tư

Sau khi áp dụng và rà soát lại nguyên tắc mua cổ phiếu của bản thân, thông thường NĐT cá nhân sẽ lựa chọn được cổ phiếu thích hợp phù hợp với tiêu chí của mình. Lúc đó cần phải xem xét qua đến “thời điểm thích hợp” để mua vào cổ phiếu này sao cho hạn chế được tối đa rủi ro nhất.

VD: Khi mua 1 cổ phiếu đang giao dịch trong vùng tích lũy tốt sẽ hạn chế được nhiều rủi ro. Đồng thời khi cổ phiếu đã tích lũy đủ về lượng thì sẽ có nhiều cơ hội bứt phá lên phía trước hơn.

Quản trị chặt chẽ danh mục đầu tư (kiểm soát tốt lãi/lỗ)

Đầu tư liệu có phải đơn thuần chỉ là việc chúng ta “mua rẻ bán đắt”? Thật tuyệt vời nếu chúng ta lúc nào cũng có thể mua được 1 cổ phiếu lúc giá thấp nhất và bán được cổ phiếu đó khi đang giá đang lên cao đỉnh điểm song thực hiện được điều này thường xuyên là việc rất khó khăn. Có thể thấy rằng bất cứ một chiến lược đầu tư nào cũng khó mà mang lại thành công 100%, thông thường theo thống kê thì một danh mục đầu tư với xác suất 70-85% lợi nhuận đã được liệt kê là một danh mục thành công.

Có thể thấy nếu trước khi đặt tay nhấn nút “enter”, chúng ta lường trước được tối đa rủi ro mà tâm trạng vẫn cảm thấy trong “sức chịu đựng”, vẫn cảm thấy thoải mái, chấp nhận đó là 1 phần trong chiến lược đầu tư tới đây vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không nhấn mua thôi!

Quản trị được mức dừng lỗ là một việc rất quan trọng trong mỗi cuộc săn tìm lợi nhuận từ công việc đầu tư, chính điều tưởng chừng tưởng như là đơn giản này lại giúp cho các nhà đầu tư cá nhân tránh được đến 90% những lần đua lệnh mua cổ phiếu trong những phiên thị trường đang “hào hứng” hay thậm chí đua theo mã cổ phiếu đang trên đà hưng phấn nhất trong phiên. Ví dụ cụ thể sau sẽ cho NĐT cái nhìn khách quan hơn:

TH1: Khi đầu tư 1 danh mục có 10 mã, nếu muốn xác xuất thành công của danh mục là 60%, khi bạn mua 10 mã CP mà giả sử có 6 mã lãi 4 mã lỗ. Tuy nhiên mỗi mã lãi chỉ 5% và lỗ đến tận 10% vậy thì tổng kết danh mục đầu tư vẫn lỗ 10% trên toàn danh mục. Đây là một trường hợp điển hình về một danh mục đầu tư thành công tuy nhiên quản trị rủi ro không tốt nên vẫn lâm vào trường hợp thua lỗ.

TH2: Khi đầu tư 1 danh mục có 10 mã, nếu muốn xác suất thành công của danh mục là 40% thì trong đó cần phải có 4 mã lãi (với mức lãi TB là 10%/mã) và 6 mã lỗ ( nhưng chỉ để mức chặn lỗ dừng lại ở 4%) thì tổng kết lại cả danh mục đầu tư vẫn lãi 16% trên toàn danh mục. Có thể thấy được tầm quan trọng của việc “chặn lỗ đúng thời điểm” đã giúp tài khoản NĐT ví dụ trên không lâm vào tình trạng quá nghiêm trọng.

Trên thực tế thì việc cắt lỗ không bao giờ là sai vì nếu mắc phải lỗi không dám dứt khoát thì cái giá phải trả còn đắt hơn rất nhiều. Khi 1 CP đã mất tới 50% giá trị thì nó phải tăng tới 100% mới hòa được vốn, thậm chí 1 CP nếu mất tới 75% giá trị thì nó phải tăng gần 300% mới trở lại được giá trị ban đầu. Mà thực tế trên thị trường để tìm được một cổ phiếu tăng lên 50-100% đã là rất khó huống chi 300%!

Xem xét đến thông tin chia cổ tức của doanh nghiệp

Khi xem xét mua đến mã cổ phiếu thì NĐT cũng nên quan tâm tới lịch chia cổ tức của DN mình quan tâm. Có 2 dạng cổ tức thông thường đó là cổ tức trả bằng tiền mặt và cổ tức trả bằng cổ phiếu. Vào ngày giao dịch không hưởng quyền, cổ tức trả bằng tiền sẽ làm giá CP sụt giảm và lượng tiền mặt sẽ về vài tháng sau đó.

Đối với DN trả cổ tức bằng cổ phiếu, thì số cổ phiếu được chia này cũng sẽ về tài khoản của người được hưởng sau một đến ba tháng tuy nhiên cũng có 1 rủi ro luôn thường trực đó là trong khoảng thời gian cổ phiếu về đến tài khoản thì NĐT không có quyền quyết định bán ra số cổ phiếu này. Sẽ rất buồn nếu như trong khoảng thời gian mòn mỏi đợi chờ ấy giá cổ phiếu sụt giảm nhanh chóng không phanh và số cổ tức được chia về gần giá bán mục tiêu hay thậm chí trong trường hợp xấu còn thấp hơn giá mục tiêu bán ra lúc trước đó.

Tính toán kĩ khối lượng mua cổ phiếu hợp lí

Điều cuối cùng là nhà đầu tư cần tính toán sao cho khối lượng mua hợp lí. Đây là một điều rất quan trọng mỗi khi quyết định đặt lệnh mua cổ phiếu. Trên thực tế thì trong quá trình đầu tư, số tiền của mỗi NĐT bỏ vào tài khoản là khác nhau, phương thức mua của mỗi người mua cũng khác nhau tuy nhiên có 1 lưu ý là nhà đầu tư không nên đua lệnh mua toàn bộ số cổ phiếu đang nhắm đến chỉ trong một lần mà hãy chia làm các đợt khác nhau. Mỗi đợt đều nên quan sát kĩ thị trường để ra quyết định với tỉ trọng.

Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho danh mục đầu tư, nhà đầu tư không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ trừ khi bạn biết chắc chắn thông tin về cổ phiếu đó. Để bảo đảm cân bằng cho cả danh mục, NĐT có thể tham khảo nguyên tắc “ Tổng số tiền bỏ ra cho cổ phiếu chiếm tỉ trọng nhiều nhất danh mục không nên cao quá 2 lần số tiền dành ra cho cổ phiếu chiếm tỉ trọng ít nhất”. Làm được điều này là chúng ta đã tránh được trường hợp “ngang trái” vốn hay gặp trên TTCK “ Cổ phiếu lãi thì mua ít mà cổ phiếu lỗ lại chiếm nhiều tỉ trọng”.

Hoa Lê

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên