MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy tắc đơn giản nhưng không bao giờ được vi phạm đã giúp Ông Trần Kim Thành xây dựng nên KIDO: Mình Là Ai?

06-08-2017 - 07:51 AM | Doanh nghiệp

Nói đến sự thành công của một doanh nghiệp, nhiều người vẫn thường lấy thuớc đo bằng mức sinh lời cao, có tài sản lớn để đánh giá. Tuy nhiên, có một quan điểm khác về một doanh nghiệp như thế nào gọi là thành công và là DN tốt nhất.

Một doanh nghiệp có lợi nhuận cao không phải là doanh nghiệp tốt nhất mà là doanh nghiệp có tuổi thọ cao nhất.”, Ông Trần Kim Thành – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn KIDO chia sẻ với các thành viên Hội Doanh Nhân Trẻ Tp. HCM tổ chức chiều ngày 04/8.

Tại đây, không chỉ chia sẻ rất cởi mở cho các DN trẻ về những chi tiết rất kỹ thuật cho những DN thuở ban đầu lập nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thấy được mình đang ở giai đoạn nào để chuyển tiếp qua mỗi giai đoạn phát triển một cách suôn sẻ, giảm bớt rủi ro, rút ngắn thời gian để trở thành những doanh nghiệp phát triển thành công. Ông Trần Kim Thành còn chia sẻ thêm về một bộ quy tắc hay “khẩu quyết’ giúp ông cùng với Tập đoàn KIDO phát triển gần 25 năm qua.

Đối với khách hàng: Tạo ra giá trị chứ đừng giảm bớt giá trị

Ông Thành cho rằng, vấn đề của người kinh doanh là tạo ra giá trị và chuyển giao giá trị đến cho khách hàng. Điều đó có nghĩa là phải đáp ứng đúng nhu cầu mà khách hàng đang cần chứ không phải gây thêm vấn đề phiền phức cho khách hàng. Nhiều khâu trong quá trình sản xuất của một DN không những không tạo ra giá trị mà còn làm giảm giá trị của sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng.

Chúng ta có thể thua về mọi thứ, nhưng tuyệt đối không thể thua về sản phẩm. Sản phẩm tốt mới tạo ra giá trị cho khách hàng, thương hiệu của công ty cũng bắt đầu từ đó.

Đối với nhân viên: Phải cho người giỏi có đất diễn

“Nói cho cùng, quản lý nhân viên tức là làm sao để giúp người ta làm việc tốt lên. Ý thức của sự phát triển phải nằm ở mọi cấp độ trong công ty. Chúng tôi phải thay chiếc áo mới, phải mở rộng M&A để những người giỏi họ có đất phát triển sự nghiệp.

Trong mỗi doanh nghiệp, xung đột giữa nhân viên là quản lý là rất dễ gặp phải. “Để tránh tình trạng này, chúng tôi tổ chức đào tạo hàng tuần, kể cả Tổng Giám đốc cũng phải ngồi học với nhân viên. Khi khóa học kết thúc đúng 3 tháng, mọi người cùng phải đều áp dụng những quy tắc đó mà không cần phải nhắc nhở. Học phải đi chung với hành, đó là cách chúng tôi giải quyết xung đột rất hiệu quả.”, ông Thành nói.

Đối với cổ đông: Cổ đông nhỏ cũng như cổ đông lớn

“Thị trường chứng khoán là cơ hội tốt cho các DN huy động vốn để phát triển. Nhưng đừng quên rằng chúng ta huy động vốn từ nhà đầu tư thì phải làm việc cật lực để đáp ứng kỳ vọng của họ. Không chỉ có các cổ đông lớn, chúng tôi hiểu rằng cổ đông nhỏ lẻ là những người băn khoăn nhất và phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi của họ.

Chẳng hạn những người đã về hưu thì thu nhập thấp dần, không thể lấy tích lũy ra để tiêu xài hết. Họ cần có có thu nhập đều đặn là cổ tức bằng tiền mặt hàng năm. Bên cạnh đó, chúng tội cũng có thêm cổ phiếu thưởng khi lợi nhuận tốt để khi họ cần ngay một số tiền để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân thì có thể bán bớt 1 phần cổ phiếu mới mà không mất đi cái vốn gốc ban đầu.”

Đối với nhà phân phối và nhà cung cấp: Phát triển năng lực cạnh tranh theo chuỗi

“Trước tiên cần phải xác định rằng, sự thành công của các nhà phân phối là thành công của chính mình.

Hoàn toàn khác biệt với việc mua đứt bán đoạn. Chúng tôi đi chung với họ, đưa người xuống hỗ trợ họ trong việc tổ chức bán hàng, quản lý đơn hàng,…Những nhà phân phối uy tín, chúng tôi sẵn sàng có chính sách riêng để hỗ trợ khi đối tác xảy ra bất trắc, giúp họ vực dậy để tiếp tục bán hàng cho mình.

Còn với nhà cung cấp cũng vậy, chúng tôi đưa người xuống tận nơi để giúp họ tổ chức một quy trình chuẩn để đảm bảo nguyên liệu phải đáp ứng đúng các yêu cầu về chất lượng, an toàn và giao hàng đúng tiến độ.

Cạnh tranh hiện nay chính là cạnh tranh theo chuỗi chứ không còn là vấn đề của mỗi doanh nghiệp. Chuỗi này cạnh tranh với chuỗi kia. Chính vì vậy, muốn các mắt xích trong chuỗi gắn kết để hình thành một chuỗi mạnh cần phải có sự hợp tác lâu dài, tin tưởng lẫn nhau cùng tạo ra giá trị.

Thậm chí có thời điểm cạnh tranh mạnh quá, nhà cung cấp sẵn sàng giảm giá để cùng với mình cạnh tranh. Các bạn có làm được như vậy không?” Ông Thành nói.

Quy ước không bao giờ được vi pham: Mình là Ai?

Trong kinh doanh, chúng ta dễ bị đưa ra những quyết định nguy hiểm có thể dẫn công ty đến bờ vực sụp đổ. Làm sao chúng ta tránh được những chuyện đó để phát triển bền vững? Quan điểm cá nhân mà ông Thành cho rằng đã dẫn dắt ông cùng KIDO đến thành công ngày hôm nay. Đó là quy tắc: “Mình là Ai?”

Ở đây, ông Thành không ý nói về tên tuổi mà là chúng ta đang làm nghề gì? Đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, tuyệt đối không được phép vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

“Có một lần sữa bột trên thị trường chỉ bằng ½ giá của sữa bột Hà Lan, New Zealand. Việc này không hề đơn giản, mới đầu chỉ tác động đến thị trường nhưng sau đó lại tác động đến bộ phận mua hàng, Ban giám đốc. Câu hỏi đặt ra là vì sao giá rẻ như vậy lại không mua? Khi thông tin đến tai tôi thì tôi nhất quyết không mua. Bởi vì tôi không tin rằng có 1 loại cỏ nào đó mà ăn xong con bò có thể cho sữa gấp đôi. Cuối cùng, hầu hết các hãng sữa quốc tế đều dính vào khủng hoảng sữa nhiễm Melamine gây chấn động hồi năm 2008.

Vì sao chúng tôi không dinh? Đó chính là bởi vì triết lý kinh doanh của mình: Tôi là Ai? Tôi không ăn được thì không bao giờ bán cho người khác. Đã là thành viên của KIDO thì phải tuân thủ quy tắc này.

“Mình là ai, mình làm nghề gì để luôn biết rằng không nên làm những việc xung đột lợi ích với nghề nghiệp của mình, phải tồn tại trước khi nghĩ đến những món lợi có thể dẫn đến rủi ro”. Ông Thành nói.

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên